• Zalo

Chìa khoá để nền công nghiệp dược Việt Nam vươn tầm quốc tế

Tin tứcThứ Ba, 12/12/2023 14:20:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, cần tận dụng tốt cơ hội phát triển nền công nghiệp dược vươn tần quốc tế.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học chia sẻ, đầu năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. 

Mới đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

“Đây là những văn bản cực kỳ quan trọng, đóng góp và quyết định sự phát triển ngành dược Việt Nam từ nay đến cuối thập kỷ này”, PGS.TS Lê Văn Truyền nói và cho biết mục tiêu đến năm 2045, nước ta phấn đầu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD, trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia. 

Để thực hiện mục tiêu lớn này, bên cạnh các giải pháp trọng tâm về thể chế pháp luật, nhân lực, công nghệ, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh…, trong Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh công nghiệp dược Việt Nam phải xây dựng lộ trình từng bước nâng cao các tiêu chuẩn về thực hành tốt (GPS) đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc.

Triển khai thực hiện tiêu chuẩn PIC/S-GMP hoặc tương đương trong sản xuất thuốc phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, khuyến khích triển khai thực hiện EU-GMP; nghiên cứu tham gia Hệ thống hợp tác thanh tra dược phẩm PIC/S (hệ thống thanh tra dược).

Vị chuyên gia về dược học cho rằng, Hệ thống thanh tra dược phẩm PIC/S đã được khoảng 60 quốc gia trên thế giới công nhận. "Nếu chúng ta muốn xuất khẩu dược và phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD, chúng ta phải tham gia vào hệ thống này", PGS Truyền cho hay.

Để tham gia vào hệ thống này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra 2 vấn đề. Thứ nhất, các doanh nghiệp dược Việt Nam phải sản xuất thuốc ít nhất theo tiêu chuẩn của hệ thống thanh tra này vì sẽ được 60 nước công nhận.

Thứ hai, cơ quan quản lý dược nhà nước cũng phải tham gia vào Hệ thống thanh tra và được công nhận là cơ quan quản lý dược Việt Nam tương thích với tiêu chuẩn về thanh tra của Hệ thống này.

"Nếu làm được như vậy, kết quả thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam sẽ được tất cả các nước trong hệ thống này công nhận và không cần phải mời các đoàn thanh tra nhập khẩu thuốc của Việt Nam đánh giá như hiện nay. Đây là hướng đi quan trọng để Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa", PGS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.

Được biết, năm 2022, ngành công nghiệp dược Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Khi phân tích thị trường từ con số này cho thấy, có đến 40% là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết là do các công ty của Nhật đầu tư trực tiếp và sản xuất tại Việt Nam, sau đó đưa về Nhật. Còn các công ty của Việt Nam vấn đang gặp nhiều khó khăn để vào thị trường này.

Theo Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, tính đến năm 2022, tổng giá trị thị trường Dược phẩm Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,6%. Tiền thuốc bình quân đầu người đã đạt 75 USD. Hiện nay, Việt Nam có 228 doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, trong đó 17 cơ sở được chứng nhận EU-GMP, tương đương EU-GMP và PIC/S-GMP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay đang ở gần cấp độ 3, tức là 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc generic và xuất khẩu được một số dược phẩm. Giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Bộ Y tế luôn coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ là giải pháp mũi nhọn nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp dược trong nước phát triển và tham gia các chuỗi giá trị dược phẩm toàn cầu.

Bộ Y tế tin rằng dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều; cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn đang còn phía trước.

Mục đích của sự hợp tác này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và đạt được mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo người dân được tiếp cận với những sản phẩm dược phẩm chất lượng.

Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố an toàn và hiệu quả với giá cả hợp lý được sản xuất bởi các doanh nghiệp dược có uy tín hoặc là sự liên doanh hợp tác của các doanh nghiệp với nhau.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn