Ngày 17/6, ở Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để đảm nhận vai trò là trung tâm sức khỏe khu vực phía Nam, thành phố đang hướng đến việc xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, hướng đến mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe cho ASEAN.
Theo ông Mãi, để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo thành phố và ngành y tế sẽ thực hiện nhiều phương án. Điển hình như phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện – trường; xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến cơ sở; đẩy mạnh kết hợp y tế hiện đại và cổ truyền, phát triển du lịch y tế; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe chất lượng; phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân...
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, TP.HCM là trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân luôn được các cấp lãnh đạo Bộ Y tế và TP.HCM quan tâm.
Các chỉ số sức khỏe của người dân TP.HCM luôn dẫn đầu và tốt hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Điển hình như tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước với 74,5 tuổi (trung bình cả nước là 73,6 tuổi). Hiện nay, thành phố đang có 125 bệnh viện công lập với 39.000 giường bệnh, đạt tỷ lệ 42 giường/vạn dân. Ngoài ra, thành phố cũng đang có 66 bệnh viện tư nhân, chiếm 20% bệnh viện tư nhân của cả nước (330 bệnh viện).
“Về y tế chuyên sâu, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuyên môn kỹ thuật với việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới. TP.HCM chính là địa phương đầu tiên thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 1998 hay ca ghép thận cách đây hơn 30 năm”, ông Thuấn nói.
Chính vì vậy, Bộ Y tế mong muốn TP.HCM tập trung phát triển y tế chuyên sâu nói riêng và phát triển y tế nói chung. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho y tế theo tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Y tế mong muốn TP.HCM phải xây dựng cơ chế đột phá, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo… Tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, chất lượng cao ngang tầm khu vực, định hướng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ Y tế đang có định hướng phát triển 2 khu phức hợp về y tế ở phía Bắc (Hà Nội) và phía Nam (TP.HCM). Bộ Y tế mong muốn TP.HCM giới thiệu khu đất phù hợp có diện tích khoảng 400 hecta để xây dựng Khu phức hợp về y tế và khu sản xuất công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.
“Trong trường hợp thành phố chưa thể bố trí được quỹ đất theo đề xuất của Bộ Y tế thì Bộ cũng mong muốn thành phố đề xuất một địa phương khác gần TP.HCM để triển khai khu phức hợp phía Nam. Đối với Khu phức hợp tại phía Bắc, UBND TP Hà Nội đã giới thiệu quỹ đất dự kiến”, ông Thuấn nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng mong muốn TP.HCM tiếp tục xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cụ thể, đối với cơ cấu, tổ chức trạm y tế xã phường, không theo đơn vị, địa giới hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số thì bổ sung định mức số lượng người phù hợp, đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất…
Bộ Y tế chỉ đạo TP.HCM thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư, xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị y tế cho 146 trạm y tế tuyến xã với kinh phí 296 tỷ đồng từ nguồn phục hồi, phát triển kinh tế xã hội dành cho y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong hoạt động khám chữa bệnh, mua sắm thuốc, vật tư…
Bình luận