1. Khi đánh giá về thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018, Fox Sports Asia có đưa ra nhận xét: "Những bước tiến và thành tựu của các cấp độ đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo khiến người hâm mộ không thể đòi hỏi nhiều hơn". Cái cụm "không thể đòi hỏi nhiều hơn" khiến tôi đặc biệt chú ý. Phận là khán giả, chúng ta luôn muốn nhiều hơn. Đá vậy chưa được, phải đá hay hơn. Suýt giành điểm chưa được, phải cố hơn để thắng, rất nhiều cái hơn, rất nhiều cái nếu.
Tôi không ám ảnh với cái lặng người của các cầu thủ Việt Nam khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, mà chỉ thấy ấn tượng với màn ăn mừng cuồng nhiệt của các cầu thủ Iraq. Sau quả sút phạt tung lưới Văn Lâm ở phút 90, Ali Adnan gào thét và chạy về phía góc sân, chia vui với các cầu thủ Iraq, sướng như thể vừa trở lại đỉnh cao châu Á.
Bao lâu rồi, tuyển Việt Nam mới đá khiến cho đối thủ tê cóng, và phải ăn mừng tới quá khích để giải tỏa khi ghi bàn như vậy?
2. Rất dễ chỉ ra sai lầm của các cá nhân trong trận này. Bàn đầu tiên, Duy Mạnh chần chừ, thiếu quan sát, để Mohanad Ali cướp bóng đằng sau và tung cú sút hạ gục Văn Lâm. Bàn thứ hai, Tiến Dũng không rướn người phá bóng, tuyến hai áp sát chậm, để Humam Faraj thoải mái dứt điểm tung nóc lưới. Bàn thứ ba, dẫu là siêu phẩm của Ali Adnan, cũng đến từ pha phạm lỗi vụng về của Hồng Duy, hay phần nào đó, như trách móc của cộng đồng mạng, là Văn Lâm đứng sai vị trí.
Đúng. Các bàn thua là sai lầm cá nhân, song cần nhớ rằng, khi chúng ta chỉ để thua vì những mắt xích cá nhân, chứng tỏ cả hệ thống đã vận hành tốt. 90 phút trước tuyển Việt Nam, một Iraq từng thắng Trung Quốc, đè bẹp Thái Lan, bỗng luống cuống và vụng về đến lạ. Nếu hai bàn thắng của các học trò HLV Park Hang Seo đến từ những pha phối hợp bài bản, ba bàn thắng của Iraq lại không như thế. Đội bóng Tây Á ghi bàn nhờ khoảnh khắc cá nhân và tận dụng sai lầm.
Iraq may mắn hơn, bản lĩnh, lọc lõi hơn. Chứ về thế trận, con người, đội bóng nổi tiếng của HLV Srecko Katanec đâu có hơn?
"Chúng ta chơi không kém Iraq đâu, kể cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Lối chơi tập thể của tuyển Việt Nam, sự gắn kết và cự ly đội hình không kém đối thủ.
Chúng ta chỉ thua những tình huống cá nhân và không may mắn, ở những thời điểm đòi hòi kinh nghiệm. Tuyển Việt Nam đặt chỉ tiêu hòa, có đấu pháp như vậy là rất tốt, những bàn thắng của Công Phượng hay phản lưới của Ali Faez đến từ các pha phối hợp rất có nét" - chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định.
Tuyển Việt Nam chấp nhận đá phòng ngự - phản công, nhưng đó không phải lối đá của sự khiếp nhược, sợ hãi. HLV Park Hang Seo đặt mục tiêu một điểm, nhưng cách chơi trên sân cho thấy tuyển Việt Nam nào có cầu hòa? Thay Công Phượng ra, thầy Park tung vào một mũi công khác (Đức Chinh). Thay Văn Hậu vào, ban huấn luyện đẩy Hồng Duy lên đá cao hơn.
Ngay cả khi trận đấu trôi dần về cuối, tuyển Việt Nam vẫn chơi tấn công sòng phẳng, mạch lạc khi có thời cơ. Chúng ta muốn thắng, và thực tế là chúng ta có thể thắng. Trước đối thủ mạnh hơn, tuyển Việt Nam không nhắm mắt phá bừa, mà vẫn triển khai lối chơi mạch lạc và không ít lần phản công khiến Iraq "lạnh sống lưng".
Mất bóng, ít nhất sáu cầu thủ co về sân nhà. Có bóng, không dưới bốn cầu thủ lao lên như một cơn bão để tìm thời cơ. Tuyển Việt Nam có thể thiếu kinh nghiệm, thể lực, nhưng tuyệt nhiên không thiếu niềm tin.
3. Bởi những chàng trai trẻ kia, không ít người từng "chết lặng" dưới cơn mưa tuyết Thường Châu với bàn thua nghiệt ngã ở phút cuối cùng. "Tại sao phải cúi đầu? Chúng ta đã nỗ lực hết sức rồi mà. Tại sao phải cúi đầu?". Đêm qua, tuyển Việt Nam đã không cúi đầu. Họ đã chơi bóng với cái đầu ngẩng cao, tự tin lao vào đối thủ dẫu thể hình là quá chênh lệch, so đọ với những "người khổng lồ Tây Á" đến những phút cuối cùng.
Đội tuyển đã chiến đấu với tất cả những gì mình có. Còn sai lầm, ấy là một phần tất yếu của bóng đá. Cả đội hình lần đầu đá Asian Cup, đâu phải cứ... muốn hay là hay ngay được. Asian Cup là giải đấu cấp độ cao nhất châu Á, hội tụ đủ quái kiệt, anh tài, chứ không phải giải trẻ mà những Công Phượng, Quang Hải từng là "vua một cõi".
Sai lầm của các cầu thủ không phải tai họa trên trời rơi xuống, mà sai lầm xuất hiện như lời nhắc nhở về chênh lệch đẳng cấp giữa hai nền bóng đá. Không chênh sao được, khi Ali Adnan - ngôi sao sáng nhất của Iraq từng được định giá tám triệu USD và chơi bóng ở Udinese, Atalanta, đối đầu với những cầu thủ đẳng cấp châu Âu.
Osama Rashid - tiền vệ trung tâm của đội bóng Tây Á đã in dấu giầy vào bảy bàn thắng cho đội bóng Bồ Đào Nha, Santa Clara. Hay Mohanad Ali, mới 18 tuổi, đã khiến truyền thông châu Á phát cuồng vì hiệu suất ghi bàn khủng khiếp.
12 năm trước, Iraq vô địch Asian Cup. 4 năm trước, Iraq là đệ tứ anh hào châu lục. 2 năm trước, Iraq đá cho Thái Lan của Kiatisak Senamuang không qua nổi vạch giữa sân, phải chịu thất bại tới 0-4. Chín trận gần nhất, Iraq chỉ thua một, đó là trận thua... Argentina.
Và đội bóng như thế, phải nhờ đến sai lầm và khoảnh khắc tỏa sáng mới thắng được Việt Nam. Trách gì nữa đây, đoàn quân trẻ tuổi của HLV Park Hang Seo đã chơi quá hay rồi.
Bình luận