• Zalo

Chi trả chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Thời sựThứ Bảy, 05/09/2015 01:01:00 +07:00Google News

Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cần được chi trả các chế độ hợp lý. Nguy cơ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có cao hơn cả tai nạn giao thông.

(VTC News) - Theo tổ chức Lao động thế giới hiện nay trên thế giới tỷ lệ người lao động bị chết vì bệnh nghề nghiệp còn cao hơn cả Tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp ở nước ta ít được quan tâm, hiện nay trên các bệnh viện trong cả nước mới chỉ có một khoa bệnh nghề nghiệp.

Ước tính của ngành y tế cho thấy trong tổng số khoảng 10 triệu lao động đang làm việc có đóng BHXH, có khoảng 1-1,5 triệu người làm việc trong môi trường có nguy cơ bị mắc bệnh nghề nghiệp cao, song mỗi năm chỉ có hơn110.000 lượt người được khám bệnh nghề nghiệp, khoảng 6.000 trường hợp được phát hiện bệnh nghề nghiệp. Bình quân tỷ lệ phát hiện bệnh nghề nghiệp là gần5% trên tổng số khám và con số này thường tăng dần qua các năm. 

Tuy nhiên số người đi giám định bệnh nghề nghiệp để được hưởng chính sách hỗ trợ BHYT chỉ khoảng chiếm 17% tổng số phát hiện bệnh, tỷ lệ này lại giảm dần từ 26% còn 6,5%vào năm 2014. Theo thống kê gần đây, cả nước có gần 28.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng theo các chuyên gia con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần bởi việc khám bệnh nghề nghiệp còn quá ít và sơ sài nên không thể phản ánh đúng thực tế.

Hàng ngàn công nhân phải làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Hàng ngàn công nhân phải làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. 

Để tránh bệnh nghề nghiệp, quan trọng nhất là biện pháp dự phòng. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ  cho người lao động ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất6 tháng/lần. 

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đơn vị không thực hiện quy định này,phần lớn các doanh nghiệp chỉ khám sức khỏe tổng quát định kỳ mà không khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động hoặc khám qua loa để đối phó. Việc giám sát,phát hiện những cơ sở không chấp hành ATVS, phòng chống bệnh nghề nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do cơ quan quản lý không thể bao quát hết.

Một khảo sát gần đây của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao độngvà Môi trường (thuộc Sở Y tế TP.HCM) tại 1.022 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM cho thấy thực trạng đáng báo động. 

Phần lớn người lao động làm việc trong môi trường có có tỉ lệ vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép ở mức cao như tiếng ồn quá lớn, nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng khiến người lao động mắc bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, silic, benzen, điếc... 

Qua các đợt khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 lượt người lao động cho thấy có đến 32,28% tỷ lệ người lao động có sức khỏe thuộc loại kém, 32,35% trung bình và gần 8% rất kém.

Để hạn chế bệnh nghề nghiệp, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là công tác pháp dự phòng nhưng việc thực hiện điều này đang gặp không ít trở ngại. 

Về phía các doanh nghiệp, phần lớn các đơn vị chỉ khám sức khỏe tổng quát định kỳ mà ít quan tâm việc khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. 

Về phía cơ sở y tế, nhiều đơn vị cũng không mặn mà đến công tác này. Bác sĩ Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa Sức khỏe lao động- bệnh nghề nghiệp (Viện Y tế công cộng TP.HCM) nhận xét công tác y tế lao động hiện nay yếu ở chỗ  tầm soát và phát hiện người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Lực lượng bác sĩ chuyên ngành bệnh nghề nghiệp đang rất thiếu, đã thế đa phần các BS làm công tác khám bệnh nghề nghiệp hiện nay đều là BS đa khoa được tập huấn và học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn bởi các viện chuyên ngành thuộc hệ dự phòng nên chuyên môn chưa sâu. 

Các cơ sở điều dưỡng bệnh nghề nghiệp vẫn còn thiếu thốn và khó khăn.
Các cơ sở điều dưỡng bệnh nghề nghiệp vẫn còn thiếu thốn và khó khăn. 

Bác sĩ bệnh nghề nghiệp là BS thuộc hệ dự phòng, khám bệnh chủ yếu theo quy định nhà nước, do thu nhập không hấp dẫn nên đa số các BS không mặn mà với công việc ở hệ dự phòng mà chỉ muốn làm công tác điều trị.

Việc phân loại, tầm soát BN đã khó, việc điều trị càng nan giải do quá ít cơ sở y tế quan tâm đến bệnh nghề nghiệp, cả nước chỉ có một khoa bệnh nghề nghiệp chuyên sâu là Khoa bệnh nghề nghiệp tại BV Điều dưỡng -phục hồi chức năng- điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. 

Bác sĩ Hoàng Văn Thế- Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp cho biết khoa mới được thành lập cách đây hơn 1 năm, thời gian qua khoa đã điều cho khoảng 200 người lao động chủ yếu ở các lĩnh vực là nhiễm độc chì, benzen… Tuy nhiên, hiện nay khoa vẫn chưa đủ điều kiện máy móc,cơ sở vật chất để điều trị tất cả các loại bệnh nghề nghiệp, một số loại bệnh phải gửi sang các bệnh viện khác để điều trị tùy chuyên khoa.

Theo bác sĩ Thế, hiện BV Điều dưỡng- phục hồi chức năng- điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM đang xây dựng phòng đo thính lực, chức năng hô hấp,để tăng cường khám, sàng lọc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường trang thiết bị để khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời một số bệnh nghề nghiệp khác. 

Video: Tảng đá 9m rơi khiến 2 công nhân thiệt mạng

“Nghiên cứu lâu dài bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng góc độ kinh tế, sức khỏe giảm sút sẽ khiến năng suất người lao động không cao, làm ra sản phẩm không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Lực lượng trẻ khỏe bị ốm yếu bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến cả đời sống xã hội, hậu quả chưa lường trước được. Tôi mong muốn các doanh nghiệp tăng cường tổ chức khám, tầm soát bệnh nghề nghiệp để người lao động được phát hiện và điều trị kịp thời. 
Ngoài ra, các trường đại học chuyên ngành y cần mở các lớp đào tạo chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về bệnh nghề nghiệp để phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh nghề nghiệp. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi riêng cho bác sĩ thuộc hệ dự phòng để thu hút nguồn lao động.”, bác sĩ Thế chia sẻ.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Lam Dung
Bình luận
vtcnews.vn