Tại Nayuki, một “quán trà kiêm bar” ở Dongfang, Thượng Hải, kể từ khi các tiết mục giải trí tại chỗ được giới thiệu, công việc kinh doanh khấm khá hơn hẳn. Hàng chục người trẻ sẵn sàng trả từ 14 USD đến 28 USD để xem các tiết mục.
Theo quản lý quán bar, Rex, sự thành công của các tiết mục này khiến chủ quán muốn tăng cường suất diễn vào cả những ngày trong tuần. Đây cũng là điều các nhà làm chính sách Trung Quốc đang muốn thực hiện để khuấy động nền kinh tế đang ảm đạm từ khi thương chiến với Mỹ nổ ra.
Thậm chí, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc trong "tuần lễ vàng" từ ngày 1-7/10 - một trong những kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm - cũng chỉ tăng 8,5% lên 1,52 nghìn tỷ nhân dân tệ, tốc độ tăng trưởng hàng năm chậm nhất trong gần hai thập kỷ.
Eric Han, quản lý cấp cao công ty tư vấn kinh doanh Shanghai Suolei cho biết: "Chi tiêu ban đêm cho thực phẩm và đồ uống và một số hoạt động giải trí như hát tại các quán karaoke, cuối cùng sẽ đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Một điều chắc chắn là ngày càng có nhiều người đổ về các con phố mua sắm vào ban đêm do tâm lý bầy đàn."
Kể từ tháng 7, chính quyền địa phương Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến tiết lộ một loạt các biện pháp nhằm kích thích chi tiêu vào ban đêm, với mong muốn biến các thành phố của họ thành "thủ đô" của cuộc sống về đêm đẳng cấp thế giới.
Vào tháng 8, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phê duyệt khoảng 20 biện pháp kích thích tiêu dùng, bao gồm cho phép thời gian làm việc lâu hơn, thiết lập các khu vực kinh doanh đêm muộn, nhiều cửa hàng tiện lợi 24/24h và các quán ăn đêm mở muộn hơn.
Ví dụ, tại Bắc Kinh, kéo dài thời gian hoạt động của hai tuyến tàu điện ngầm ngày thứ Sáu và thứ Bảy, các chuyến cuối cùng khởi hành sau nửa đêm. Thành Đô cũng kéo dài giờ mở cửa các sở thú, rạp xiếc, phòng trưng bày và cửa hàng làm đẹp. Cuối tháng 9, Thượng Hải chỉ định 9 phố mua sắm, bao gồm Bund, Xintiandi và Jing'an Temple là khu vực giải trí về đêm, như một phần của lễ hội mua sắm kéo dài một tháng.
Dựa trên việc các nhà hoạch định chính sách nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, các công ty cũng bước vào kinh doanh ban đêm với hy vọng gặt hái được lợi ích từ sáng kiến của chính phủ.
Ông Joseph Zheng, người đứng đầu bộ phận tư vấn và giao dịch bán lẻ ở công ty bất động sản CBRE cho biết, ít nhất 10% doanh nghiệp nước giải khát và đồ ăn nhẹ ở các thành phố lớn kéo dài thời gian hoạt động, cố gắng thu lời từ nền kinh tế ban đêm. Các trung tâm mua sắm được khuyến khích có một khu vực mở ra không gian ngoài trời ở tầng trệt, và nhiều người sẵn sàng thuê những không gian như vậy cho các cửa hàng hoạt động muộn.
Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 6,2% trong quý 2, mức tăng chậm nhất kể từ khi chỉ số được theo dõi vào tháng 3/1992. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái tiếp theo có thể dẫn đến phá sản và cắt giảm việc làm hàng loạt trên toàn quốc.
Tổng doanh số bán lẻ từ tháng 1 đến tháng 8 tăng 8.2% so với cùng kỳ năm 2018 - chậm nhất kể từ năm 2004, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.
Không giống như các nước phát triển ở phương Tây, nơi tăng trưởng kinh tế 6% là rất cao, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc tăng GDP nhanh chóng để duy trì hoạt động ổn định của hàng triệu công ty nhỏ thuộc sở hữu tư nhân và tạo việc làm mới. Nhưng chi tiêu của người trẻ - "đối tượng" của kinh tế ban đêm - được coi là quá ít để cung cấp động lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch dự báo, GDP của Trung Quốc có thể chỉ đạt 6% trong quý 3, mức đáy của mục tiêu chính phủ là 6-6,5% trong năm nay. Nhìn chung, giấc mơ của Bắc Kinh về một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng đang cho thấy nhiều khó khăn và thách thức.
Bình luận