18 năm triển khai, tỉnh Thái Nguyên liên tục có những bước tiến về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điều này cho thấy những nghiên cứu sâu sắc và nỗ lực của địa phương. Bên cạnh đó, kết quả PCI năm 2022 của Thái Nguyên tiếp tục khẳng định chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chỉ số CPI tăng 3 bậc so với năm 2021
Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên đã minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 8,02%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong điều kiện cả nước còn nhiều khó khăn.
GRDP bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5% so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,83% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, duy trì Top 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt 19.116 tỷ đồng, vượt 31% dự toán Bộ Tài chính giao.
Ở các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm chỉ đạo, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân từng bước nâng cao.
Bên cạnh đó, chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS) của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (PAR INDEX) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đạt 66,10 điểm, đạt thứ hạng 25/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021. Thái Nguyên cũng nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.
Kết quả khảo sát PCI năm 2022 đã ghi nhận những cải thiện tích cực của một số chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần có kết quả đạt thấp như: chi phí thời gian, đào tạo lao động...
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2022 tỉnh thái Nguyên tiếp tục đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với 32 đơn vị (gồm 9 huyện, thành phố và 23 sở, ban, ngành). Đã có 1.500 đơn vị tham gia khảo sát bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, điểm trung bình của chỉ số DDCI năm 2022 của các sở, ban, ngành là 85,97 điểm, trong đó: Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên tiếp tục là đơn vị có điểm số DDCI cao nhất với số điểm là 89,22 điểm; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị có điểm số DDCI năm 2022 thấp nhất trong nhóm khảo sát các sở, ban, ngành của tỉnh. Điểm trung bình của chỉ số DDCI của các huyện, thành phố năm 2022 là 85,65 điểm, trong đó TP Thái Nguyên là đơn vị có điểm số cao nhất với 87,36 điểm; huyện Đồng Hỷ là đơn vị có điểm số thấp nhất với 84,18 điểm.
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh Thái Nguyên đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Chỉ số này đã thúc đẩy và lan tỏa tinh thần cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời nâng cao tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
“Người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ”
Rút kinh nghiệm từ thực tế, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu phấn đấu, phải lọt vào Top 20 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về chỉ số PCI năm 2023.
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2022, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương các đơn vị đạt kết quả cao trong bảng xếp hạng DDCI tỉnh Thái Nguyên năm 2022.
Ông Trịnh Việt Hùng đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền và được giao; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính để tiếp tục đạt được kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Các đơn vị phải tiếp tục chủ động trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp mặt nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về việc đánh giá chỉ số PCI, DDCI một cách khách quan, trung thực, chính xác.
Ông Trịnh Việt Hùng cũng bày tỏ cũng mong muốn Thái Nguyên sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, tin tưởng và đóng góp nhiều hơn nữa của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để chỉ số PCI, DDCI của Thái Nguyên ngày càng được cải thiện, nâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đặc biệt nhấn mạnh: “Người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ cho cấp dưới noi theo”.
Bình luận