1. "Manchester City đã làm mọi thứ có thể. Đội bóng đã mắc những sai lầm và bị trừng phạt. Đây là cái kết buồn cho chúng tôi, và tôi cũng chúc Tottenham may mắn tại bán kết.
Tôi ủng hộ VAR, nhưng có thể Llorente đã để bóng chạm tay thật. Ở góc này thì bóng chưa chạm tay nhưng góc quay khác thì đã chạm rồi. Tôi luôn ủng hộ sự công bằng trong bóng đá. Việt vị thì là việt vị. Tôi nghĩ trong tương lai, thậm chí cả hiện tại, VAR sẽ mang lại sự công bằng", Pep Guardiola chậm rãi trả lời trong cuộc họp báo sau trận.
Người đàn ông trọc đầu vẫn rất điềm tĩnh. Trước đó ít phút, Pep Guardiola ngồi xổm bên ngoài đường biên, cùi gằm mặt xuống sân bóng. Theo báo giới Anh, Guardiola là HLV hiếm hoi giữ được sự lịch thiệp, bình thản sau khi đội bóng vừa bị loại theo cách đau đớn. Sau trận lượt đi (Man City thua 0-1), Guardiola tuyên bố đây là trận đấu tốt và các học trò của ông vẫn làm chủ tình hình.
Dù Man City bị dẫn 1 bàn, chiến lược gia người Tây Ban Nha vẫn đợi đến phút... 89 mới thay đổi người, tung Kevin de Bruyne và Gabriel Jesus vào sân. Về cơ bản, đây là thay đổi người không có ý nghĩa chiến thuật. Giới chuyên môn nghi ngờ khả năng của Pep Guardiola, hay ông... quá giỏi, khiến người thường không lý giải được quyết định nhân sự. Đó là tuỳ nhận định. Guardiola luôn muốn kiểm soát mọi thứ, kiểm soát từng chi tiết nhỏ nhất trên sân.
Đấy là lý do ông giữ được sự bình thản khi thất bại. Và đấy cũng là lý do ông thất bại.
2. Giới chủ Ả Rập không đổ tiền của để trao niềm tin cho một HLV bất tài. Pep Guardiola không phải "kẻ ăn hôi". Ông quá giỏi, giỏi tới mức ám ảnh. Các cầu thủ Bayern Munich từng "tá hoả" khi không tìm thấy HLV đâu. Khi tìm khắp "đại bản doanh", họ thấy Guardiola đang giam mình trong phòng, lẩm nhẩm và vẽ ra hàng trăm khả năng để 3 cầu thủ có thể phối hợp với nhau.
Guardiola bị ám ảnh chiến thuật tới mức... bệnh hoạn. Ông từng để Bayern tập trên dưới 20 sơ đồ trước mùa giải 2013/2014 hay bắt các cầu thủ Man City tập đến... nhừ người cách tấn công ở hành lang trong. Ông huấn luyện bằng triết lý, rằng bóng đá phải vận hành theo quy luật này hay quy luật kia. Cả mùa giải đầu tiên ở Ngoại hạng Anh, Guardiola thừa nhận không để các cầu thủ tập... xoạc bóng.
Nửa xanh thành Manchester không thích nghi với lối đá của đối thủ, mà buộc đối thủ phải cuốn theo lối đá của mình. Đó là đặc điểm của các đội bóng được vận hành bằng triết lý, và phải thừa nhận, Man City gần như là đội bóng lớn duy nhất còn lại được huấn luyện bằng hệ tư tưởng rõ ràng như thế.
Triết lý của Guardiola giúp mọi đội bóng của ông chiến thắng ở những cuộc đua đường trường. Bayern vô địch Bundesliga 3 năm liên tiếp, Man City đăng quang Ngoại hạng Anh với 100 điểm, phá tất cả các kỷ lục tồn tại. Tuy nhiên, ở sân chơi Champions League, nơi các đội bóng muốn loại nhau hơn là tìm cách để thắng nhau (một trận hoà 0-0 hay 1-1 trên sân khách giá trị như một chiến thắng), Guardiola giờ trở thành người lạc thời.
Ông không giỏi thiết lập đấu pháp trong thời gian ngắn hay tạo ra những thay đổi thích ứng với hoàn cảnh. Guardiola thường tưởng tượng diễn biến trận đấu và Man City sẽ thắng nếu họ đá đúng như thế. Tuy nhiên, dù chiến lược gia này có thiết lập đội bóng theo chuẩn hoàn hảo đến mấy, bóng đá vẫn tồn tại những rủi ro. Man City của Guardiola không được chuẩn bị để đối diện với những rủi ro này.
3. Guardiola từng đứng thẫn thờ bên ngoài đường biên khi Man City để AS Monaco quật ngã 3-1 ở Louis II, qua đó trở thành đội đầu tiên bị loại dù ghi tới 5 bàn ở trận lượt đi. Khi Monaco gây sức ép, Man City bối rối, mắc vô số sai lầm. Nửa xanh thành Manchester cũng sụp đổ chóng vánh trong 30 phút đầu trước Liverpool mùa giải 2017/2018, dù 60 phút còn lại của trận đấu và 90 phút lượt về, Man City đã chơi cực hay.
Trận đấu tối qua, Sergio Aguero cùng các đồng đội có hiệp 2 hoàn hảo, tấn công hấp dẫn và xé hàng thủ Tottenham thành từng mảnh vụn, nhưng nước mắt vẫn là thứ sau cùng đọng lại ở Etihad. Man City không thể khoả lấp hàng loạt sai lầm ở hàng phòng ngự khi Aymeric Laporte trở thành "gã hề". Đội bóng này không được huấn luyện để đối diện với những sai số như thế.
Khi Real Madrid vô địch Champions League trong 3 mùa liên tiếp dù không có triết lý cụ thể nào, hay Barcelona của Luis Enrique đăng quang châu Âu với lối đá mà giới quan sát gọi là "Messi, Suarez, Neymar và phần còn lại", người ta nghi ngờ rằng có cần một hệ thống triết lý hoàn hảo để vô địch Champions League hay không.
Ở đấu trường có thể thức loại trực tiếp, các đội bóng không cần hơn nhau ở cả chặng đường. Họ chỉ cần hơn nhau ở những thời điểm cụ thể, trong vài giây cụ thể. Man City hay hơn Tottenham trong 175 phút. Họ thua đúng 5 phút, thời điểm Son Heung Min ghi 2 bàn, thế là đủ để bị loại.
Cho nên, vấn đề của Guardiola không phải là có Messi hay không, bởi anh không phải là thánh. Barca có Messi vẫn dừng bước ở tứ kết Champions League 3 mùa liên tiếp. Guardiola đã tìm kiếm những người giỏi nhất để phù hợp với lối chơi. Nửa tỷ bảng đầu tư của Man City cho Pep bằng cả đội hình Tottenham và Ajax Amsterdam cộng lại.
De Bruyne, Sterling hay Aguero đều là những cái tên hay nhất ở vị trí của họ. Man City không thua vì con người, chắc chắn là vậy. Họ cũng không dừng bước vì Guardiola kém tài.
Ngược lại là đằng khác, vì Guardiola quá giỏi, giỏi đến mức "độc tài", ông sẽ không thay đổi triết lý huấn luyện của mình để phù hợp với một ứng viên vô địch Champions League thực thụ. Man City vì thế, sẽ mãi là anh chàng "phú quý giật lùi" ở sân chơi mà họ chưa bao giờ thuộc về.
Bình luận