Liên bộ Tài chính – Công thương đã bị “qua mặt”?
Con số lãi 2.660 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex vừa được công bố khiến dư luận bất ngờ. Bất ngờ không phải vì “lãi” mà vì đó là năm có số lần tăng giá xăng nhiều nhất (9 lần), với mức tăng kỷ lục 5.300 đồng/lít, tương đương 48,2%.
Điều đáng nói, trước mỗi lần tăng giá, doanh nghiệp này đều kêu lỗ và được Liên bộ Tài chính - Công Thương chấp nhận với phương án điều chỉnh giá mới để bù lỗ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Với kết quả kiểm toán lãi 2.660 tỷ đồng mà Deloitte vừa công bố, phải chăng Liên bộ Tài chính – Công thương đã bị Petrolimex “qua mặt” quá dễ dàng?
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, rõ ràng doanh nghiệp đã không có sự trung thực với cả cơ quan nhà nước và người dân trong việc công bố con số với công chúng.
Deloitte là một tổ chức kiểm toán có uy tín, kết quả kiểm toán của họ cho thấy một sự thực sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, câu hỏi cũng cần phải đặt ra là “Tại sao Bộ Công thương và Bộ Tài chính lại không biết, và khi doanh nghiệp kêu lỗ đòi tăng giá là đồng ý ngay? Liên bộ này đã có những cuộc kiểm tra thực sự chưa hay mới chỉ tin lời của doanh nghiệp?Nhiều câu hỏi được đặt ra với việc lỗ, lãi của Petrolimex. Ảnh: N.Y
“Tôi nghĩ với kết quả kiểm toán này, Liên bộ Tài chính và Công thương nên có câu trả lời cụ thể với công chúng. Vì không lẽ có một Liên bộ lớn như vậy lại để cho doanh nghiệp qua mặt quá dễ dàng”, TS. Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Doanh, đã đến lúc việc lỗ, lãi của Petrolimex cần phải được công khai minh bạch. Người dân ngày nào cũng phải mua xăng với giá mà doanh nghiệp đưa ra, trong khi lại không được biết với mức giá đó, doanh nghiệp đang lỗ hay lãi thực sự.
Câu chuyện về lỗ, lãi của Petrolimex được ví như một “mê hồn trận” vì ngay cả ý kiến của những người đứng đầu, quản lý ngành này cũng rất mâu thuẫn.
Ông Doanh dẫn lại câu chuyện về điều hành giá xăng trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ diễn ra chiều 24/11 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, trước năm 2008 chúng ta chỉ bù lỗ cho dầu vì còn đảm bảo sản xuất, còn xăng thì bình thường trong ba năm. Từ 2008- 2010, tình hình kinh doanh của Petrolimex luôn có lãi. Theo kết quả kiểm toán, năm 2008 Petro lãi hơn 800 tỷ, 2009 lãi hơn 2.700 tỷ, 2010 lãi hơn 1000 tỷ và năm 2011, chưa có báo cáo chính thức nhưng Bộ trưởng cho rằng Petrolimex sẽ tiếp tục có lãi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lại phản bác lại. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khi tiến hành cổ phần hóa, theo quy định Petrolimex phải công khai tất cả các kết quả sản xuất kinh doanh. Theo Bộ trưởng Công thương, trong ba năm từ 2008- 2010, tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Thậm chí, dự kiến 6 tháng đầu năm 2011, đã lỗ 1.800 tỷ đồng.
“Đã đến lúc giá xăng dầu cần phải được công khai minh bạch. Về nguyên tắc, việc công khai là không khó. Nhưng tại sao chưa công khai thì các cơ quan quản lý cũng như Petrolimex cần phải xem xét lại”, ông Doanh nói.
Nên giảm giá xăng
Theo bảng giá của Petrolimex, nửa đầu tháng 11/2011, giá xăng thành phẩm trung bình nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 114,27 USD/thùng. Trong khi đó, tính từ 15/11 tới nay, giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động xung quanh ngưỡng 107 USD/thùng, thậm chí hôm 21/11 rớt xuống còn 105 USD/thùng (thời điểm ngày 26/8 giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 21.300 đồng xuống 20.800 đồng/lít, giá nhập khẩu xăng A92 ở mức 122,3 USD/thùng).
Giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh liên tiếp trong nhiều ngày qua, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này Bộ Tài chính cũng có thể cân nhắc để điều chỉnh giảm giá xăng dầu.
Theo lý giải của một doanh nghiệp đầu mối phía Nam, nhiều thời điểm đã có thể giảm giá, nhưng áp theo quy định tính giá bình quân 30 ngày, giá cơ sở vẫn xấp xỉ giá bán lẻ.
Đây chính là một trong những bất cập khiến cho giá xăng, dầu tăng và giảm đều khó. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá xăng tính 30 ngày là không nên, vì giá xăng, dầu trên thế giới biến động thường xuyên, tính với thời gian như thế này rất khó, dễ để doanh nghiệp lợi dụng để giữ giá hoặc tăng giá.
“Giá không phải do người dân quyết định, nên việc tính theo giá cơ sở 30 ngày không phản ánh chính xác diễn biến liên tục của thị trường xăng dầu. Thí dụ, trong chu kỳ, 20 ngày giảm liên tục, nhưng 10 ngày tăng thì giá vẫn không giảm, như vậy phản ánh sai diễn biến thị trường. Theo tôi nên điều chỉnh xuống 15 ngày là hợp lý”, ông Long cho biết.
Trả lời báo điện tử VTC News, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại cho rằng, việc quy định giá cơ sở 30 ngày của Bộ Tài chính còn phải gắn với dự trữ, lưu thông, phân phối của doanh nghiệp.
“Petrolimex bán giá bao nhiêu không biết nhưng vẫn phải đảm bảo lượng hàng trong kho đủ cung cấp ra thị trường tối thiểu 30 ngày. Còn đương nhiên khi bán, doanh nghiệp phải tính trung bình phải là trong 30 ngày”, ông Dũng cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông đồng tình với ý kiến việc điều hành xăng dầu phải theo phương châm mà Liên bộ Tài chính – Công thương đưa ra trước mỗi lần tăng giá là "giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp".
Cụ thể, hiện nay xăng dầu đang lãi 1.000 đồng/lít, thì nên đưa 1 nửa vào quỹ bình ổn, 1 nửa giảm giá cho người tiêu dùng.
“Giá xăng đóng góp rất lớn vào chỉ số giá cả và là liều thuốc tốt để kìm chế tăng CPI. Từ mớ rau, quả trứng đều liên quan đến giá xăng hết”, ông Doanh nhấn mạnh.
Các đại lý có đưa lại hoa hồng cho Petrolimex?
Một trong những vấn đề khiến dư luận phải đặt câu hỏi thời gian gần đây là “Tại sao doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ nhưng lại chi “hoa hồng” cho các đại lý quá cao và bắt người tiêu dùng phải gánh khoản lỗ đó qua giá xăng dầu?”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, đây cũng là một mâu thuẫn và do sự “nhập nhèm” trong việc công khai, minh bạch của Petrolimex.
Đề xuất giải pháp để minh bạch các mặt hàng xăng dầu, ông Doanh cho rằng, phải tách Petrolimex thành 3 doanh nghiệp khác nhau, tức là phải cơ cấu lại Petrolimex.
Theo đó, một công ty chuyên nhập khẩu xăng dầu và hạch toán từ việc nhập khẩu theo tỷ giá bán ra. Một công ty chuyên bán buôn, chỉ vận tải bán buôn. Và một công ty chỉ chuyên bán lẻ, công ty này có thể Petrolimex và các đại lý khác cùng làm.
Nếu tách ra được như vậy thì quy định tính giá bình quân 30 ngày là không có ý nghĩa vì có thể kiểm soát độc lập được giá của công ty nhập khẩu. Việc lỗ, lãi từ nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, trong đó có cả chi phí “hoa hồng” cho các đại lý cũng sẽ rõ ràng và không cần phải tranh luận lỗ hay lãi như hiện nay.
Về việc tại sao Petrolimex trả hoa hồng cho đại lý cao như thế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Cần phải điều tra và làm rõ, rất có thể Petrolimex trả cao như vậy rồi các đại lý lại trả hoa hồng về cho Petrolimex”.
Châu Anh
Chi hoa hồng "quá tay", chuyên gia nghi vấn Petrolimex
(VTC News) - “Việc Petrolimex trả hoa hồng cho các đại lý cao như vậy, rất có thể các đại lý lại trả lại hoa hồng cho Petrolimex".
(VTC News) - “Việc Petrolimex trả hoa hồng cho các đại lý cao cần phải được điều tra và làm rõ. Rất có thể Petrolimex trả cao như vậy rồi các đại lý lại trả hoa hồng về cho Petrolimex?”, TS. Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.
Bình luận