Tại ASIAD 2018, đội tuyển Olympic Việt Nam xuất sắc vượt qua đội tuyển Olympic Syria sau 120 phút vắt kiệt sức lực, thi đấu hết mình và chiến thắng đầy kịch tính.
Chiến thắng sít sao 1-0, nhưng, trước một đối thủ có thể hình cao to với nền tảng thể lực dồi dào như Olympic Syria, thể lực các cầu thủ của chúng ta bị bào mòn trông thấy.
Hình ảnh Quang Hải rách mí mắt chảy máu đầm đìa, Duy Mạnh phải cần người giúp khi rời khỏi sân, càng làm cho người hâm mộ cảm thấy lo lắng cho đội tuyển.
Chỉ còn 1 ngày nữa là chúng ta sẽ phải đối đầu với đội bóng rất mạnh Hàn Quốc, vậy làm thể nào để đội tuyển Olympic Việt Nam có thể phục hồi lại nhanh chóng thể lực, để tiếp tục vẽ bức tranh lịch sử dành cho người hâm mộ thể thao nước nhà?
Theo chia sẻ của TS.BS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, khi trải qua một trận thi đấu kèm 2 hiệp phụ với tổng thời gian 120 phút mà chỉ được nghỉ có 1 ngày để chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo, các cầu thủ rất dễ rơi vào trạng thái cạn kiệt về mặt thể lực.
“Các cầu thủ dễ bị cạn kiệt năng lượng dự trữ trong cơ thể, đặc biệt là carbonhydrat và mỡ sẽ gần như bị đốt cháy tối đa. Việc này dễ khiến cho các yếu tố tham gia vào qua trình chuyển hóa năng lượng như: Vitamin, enzyme, coenzyme… cũng bị đốt cháy, gây rối loạn hoặc mất cân bằng nước và điện giải”, BS Kha cho biết.
BS Võ Tường Kha cũng nhấn mạnh thêm, việc hoạt động trong thời gian dài với cường độ mạnh cơ thể sẽ sản sinh ra các chất chuyển hóa trung gian không có lợi, dễ rối loạn chuyển hóa năng lượng, gây ức chế trung khu thần kinh, cơ thể căng thẳng và rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động.
Từ những vấn đề trên, các cầu thủ sẽ bị mệt mỏi, ức chế thần kinh trung ương, rối loạn dẫn truyền thần kinh.
Đặc biệt hơn, nếu không được chăm sóc kĩ lưỡng, các cầu thủ sẽ bị đau đầu, mất ngủ.
Chính vậy, theo khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, các cầu thủ cần phải hồi phục lại năng lượng, bổ sung nước, điện giải, thải độc và loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa không có lợi ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, cần phải kết hợp với chế độ ăn uống dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, chọn các thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu, dễ dung nạp để tăng cường dự trữ Glycogen trong cơ và gan.
Theo BS Kha, trong thời gian này, các cầu thủ nên uống thêm nhiều nước và điện giải để chống rối loạn nước và điện giải trong cơ thể.
Ngoài ra, các cầu thủ cũng nên có các biện pháp giải độc và chuyển hoa trung gian bằng các cách như: Xoa bóp, xông hơi, tắm thuốc bắc và sử dụng các thực phẩm chức năng trung hòa chất độc.
Song song với việc bồi dưỡng ăn uống, theo BS Kha, việc tối quan trọng để phục hồi thể lực nhanh chóng là các cầu thủ phải được đảm bảo ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Bởi thông qua giấc ngủ, năng lượng, các trung khu thần kinh và dẫn truyền thần kinh sẽ được phục hồi đáng kể, qua đó làm cho các cầu thủ không còn cảm giác bị ức chế thần kinh.
Không chỉ có vậy, theo lời chia sẻ của chuyên gia y tế về thể thao, ngoài việc hỗ trợ về mặt vật chất, dinh dưỡng, để đảm bảo thể lực tốt, các cầu thủ cũng cần phải được quan tâm tới tâm lý với các biện pháp nói chuyện tâm lý, tập khí công, yoga để thần kinh sớm ổn định.
“Tùy theo điều kiện của địa phương thi đấu, phương tiện có trong tay bác sỹ đội tuyển có thể chọn một nhóm hoặc nhiều phương pháp phối hợp để giúp cơ thể cầu thủ phục hồi ở tốc độ nhanh nhất, trở lại trạng thái sung sức ban đầu”, TS. BS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhấn mạnh.
Video: Đồng đội dìu Duy Mạnh lên xe, Văn Hoàng "đốn tim" tình nguyện viên Indonesia
>>> Đọc thêm: Bị căng cơ đùi, cầu thủ Olympic Việt Nam Duy Mạnh phải mất bao lâu để hồi phục?
Bình luận