Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề án 400 tỷ đồng xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đề án này là vì cộng đồng, nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm của người nông dân từ xưa đến nay và phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.
“Đề án này do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ấp ủ từ trước. Tỉnh làm đúng quy trình thông qua việc xin ý kiến Hiệp hội du lịch các tỉnh của ĐBSCL. Thứ 2 tỉnh đã xin ý kiến Thủ tướng lập đề án này. Đề án giúp người dân biết được văn hóa của ĐBSCL về nông nghiệp. Bà con sẽ mở rộng ra phát triển du lịch cộng đồng”, Ông Lữ Quang Ngời cho biết.
Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL dự kiến được xây dựng tại khu đất 11,4ha thuộc ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, với tổng nguồn vốn thực hiện là 400 tỷ đồng (từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa).
Đề án được thực hiện theo 3 giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2027 sẽ khai thác và sử dụng. Hiện vật và tư liệu trưng bày tại bảo tàng được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua 4 thời kỳ: Trước năm 1698 (nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp); từ 1698-1858 (quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn); từ 1858-1975 (tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hoà) và từ 1975 đến nay (nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập).
Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là đơn vị sự nghiệp có thu một phần, trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long. Dự kiến số lượng nhân sự ban đầu khoảng 30 người, số lượng này có thể tăng theo sự phát triển của bảo tàng.
Cơ sở nào xây dựng bảo tàng?
Theo đề án xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL, Việt Nam có trên 160 bảo tàng nhưng đa phần các bảo tàng hiện nay đều thiên về lịch sử xã hội, về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, thiếu những bảo tàng về lịch sử tự nhiên, khoa học kỹ thuật và một số bảo tàng chuyên ngành.
Theo quy hoạch bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 xác định có hơn 20 bảo tàng chuyên ngành dự kiến được xây dựng, trong đó có bảo tàng nông nghiệp. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy có dự án cụ thể nào được khởi động để có thể khẳng định đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một bảo tàng nông nghiệp.
Hai “trụ cột” kinh tế chính của vùng là nông nghiệp và thủy sản. Trong nông nghiệp, cây lúa chiếm diện tích lớn, đang gánh vác vai trò an ninh lương thực và xuất khẩu gạo cao nhất nhì thế giới.
Với bề dày lịch sử về nông nghiệp rất đáng tự hào nhưng ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chưa có một công trình văn hóa có tầm vóc tương xứng để ghi dấu và tôn vinh nền văn minh nông nghiệp và người nông dân Việt Nam.
Để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nông ngư cụ ở tỉnh Vĩnh Long thế kỷ XX (1919-2000)” do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện, nghiệm thu năm 2011.
Tỉnh cũng bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất nông nghiệp, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long và nhà trưng bày huyện Vũng Liêm.
Bình luận