• Zalo

Chi 12 tỷ USD cho World Cup, Nga thu lại bao nhiêu?

Kinh tếThứ Ba, 17/07/2018 15:59:00 +07:00Google News

Chi hơn 12 tỷ USD cho World Cup, kết thúc giải đấu, ngành du lịch và bán lẻ ở Nga đã thật sự chiến thắng với doanh thu tăng mạnh, mức độ tăng trưởng nằm ngoài kỳ vọng.

Dừng chân ở tứ kết World Cup 2018, song, theo báo cáo mới nhất từ Chính phủ Nga, nền kinh tế và GDP của nước này sẽ tăng khoảng 31 tỷ USD sau giải đấu, tức gấp hơn 2,5 lần chi phí bỏ ra.

Báo cáo này chỉ ra nguyên nhân khiến kinh tế Nga tăng trưởng là nhờ lượng khách du lịch tăng cùng với hệ thống hạ tầng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, công nghiệp.

Khách nước ngoài tăng gấp 2 lần dự tính

Từ khi bắt đầu World Cup, các con phố ở thủ đô Moscow trở thành điểm của người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới.

Ông Nikolai Gulyaev, người đứng đầu Sở Thể thao và Du lịch Moscow, nói trên Reuters, chỉ trong trận chung kết giữa 2 đội Pháp và Croatia, Nga đã thu hút 700.000 người hâm mộ đến cổ vũ.

Chi 12 ty USD cho World Cup, Nga thu lai bao nhieu? hinh anh 1

Người hâm mộ Croatia ăn uống tại Nga trong khi chờ trận chung kết ngày 15/7. (Ảnh: Reuters) 

Suốt một tháng diễn ra giải bóng đá lớn nhất hành tinh, số khách du lịch nước ngoài đến Moscow tăng 60%, đưa tổng lượng khách đến Nga suốt thời gian diễn ra World Cup lên đến 3 triệu người.

3 triệu khách du lịch nước ngoài này có thể xem là con số khủng, nằm ngoài kỳ vọng ban đầu, bởi nó gấp 2 lần so với ước tính của giới chức Nga và gấp 6 lần so với dự đoán của các công ty tư vấn thị trường.

Cụ thể, đất nước xứ Bạch Dương dự tính chỉ có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Nga để theo dõi giải đấu. Trong khi đó, những công ty tư vấn thị trường lại ước con số này thấp hơn nhiều, với 500.000 lượt khách trong một tháng hè.

Ông Timour Guguberidze, tổng giám đốc một trung tâm thương mại ở Moscow, phấn khởi: "Tôi thấy du khách đến dịp World Cup chi tiêu nhiều gấp 2 lần so với du khách viếng thăm thủ đô lúc bình thường".

Theo tính toán, số lượng khách nước ngoài sẽ khiến doanh thu từ du lịch rất có ý nghĩa với nền kinh tế Nga. Bởi trung bình mỗi cổ động viên tiêu 5.000 - 8.000 USD cho đồ ăn, thức uống, khách sạn, giải trí và quà lưu niệm tại Nga. Như vậy, chỉ riêng hoạt động du lịch, sau một tháng World Cup, Nga có thể thu lại 15 - 24 tỷ USD.

Không chỉ khách du lịch nước ngoài, ngay cả người bản xứ Nga cũng quyết định không có kế hoạch hè mà dành thời gian cho World Cup. Khảo sát của trung tâm nghiên cứu Romir (Nga) cho thấy con số này là 23%, trong khi năm 2016 là 7%.

Tại sân vận động, chính người hâm mộ Nga là “chịu chi” nhất. Ước tính họ đã bỏ ra khoảng 12 triệu USD trong suốt thời gian này.

Vay tiêu dùng phát triển mạnh

Du lịch phát triển mạnh mẽ kéo theo doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng ở Nga tăng mạnh thời gian qua, nhất là ở thị trường bia và nước giải khát. Rất nhiều khách du lịch và người hâm mộ đã đến các quán cà phê, quán rượu, đến mức nguồn cung cấp bia ở những nơi này rơi vào tình trạng cạn kiệt đáng báo động.

“Doanh thu từ việc bán bia, đồ uống không cồn và đồ ăn nhẹ tăng rõ rệt trong hai tuần đầu tiên của World Cup”, đại diện chuỗi siêu thị Perekrestok, một phần của tập đoàn bán lẻ X5 lớn nhất của Nga, cho hay.

Chi 12 ty USD cho World Cup, Nga thu lai bao nhieu? hinh anh 2

Các công ty cho vay tiêu dùng cũng "hốt bạc" nhờ người hâm mộ có nhu cầu chi tiêu cho các chuyến bay đến xem các trận đấu. (Ảnh: Reuters) 

Đại diện các quán rượu ở Nga cũng xác nhận: “Doanh số của chúng tôi đã tăng gấp 2 - 3 lần. Khi World Cup kết thúc, chúng tôi chắc chắn sẽ trở về mức cũ của một quán bar nhỏ yên tĩnh với nhạc nhè nhẹ kéo khách. Chúng tôi sẽ nhớ mãi giai đoạn này".

Bên cạnh những mặt hàng được chuộng vào mùa bóng đá là bia và thức ăn nhẹ, World Cup cũng đã thúc đẩy nhu cầu ở khoản cho vay tiêu dùng, nhất là ở các mặt hàng thiết bị điện tử, TV, điện thoại thông minh.

Kviku, một công ty cho vay bán lẻ trực tuyến, cho biết số lượng khách hàng của hãng đã tăng hơn hơn 25% trong tháng qua, khi mọi người vay tiền để mua các chuyến bay đến nơi diễn ra các trận đấu.

"Hầu hết người hâm mộ bóng đá đều rất năng động, sự kiện thể thao này khiến họ luôn có nhu cầu chi tiêu và phải đi vay thêm”, Nikita Lomakin, CEO của Kviku nói.

Nhu cầu vay để chi tiêu cho các thiết bị để theo dõi trận đấu cũng tăng mạnh. Cụ thể, M.Video-Eldorado, nhà bán lẻ hàng điện tử hàng đầu của Nga, cho hay doanh số từ TV và điện thoại thông minh của hãng đã tăng 20% ở thời điểm trước khi World Cup diễn ra. Nguyên nhân là khá đông người Nga chọn ở nhà xem bóng đá qua truyền hình nên dịch vụ này tăng mạnh.

Ngoài ra, việc mua hàng hóa liên quan World Cup cũng tăng đáng ngạc nhiên trong 8 giải đấu cuối cùng, theo Ativo.

Video: World Cup 2018 nhìn lại những con số ấn tượng

Ngành hàng nào gặp bất lợi?

Trong khi doanh thu từ hoạt động du lịch, khách sạn và ngành bán lẻ tăng mạnh thì chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền và giao dịch trên thị trường tài chính lại giảm.

Theo Reuters, vì lý do đó mà các doanh nghiệp này ít hào hứng khi giải bóng đá lớn nhất hành tinh này được tổ chức.

Cụ thể, theo các nhà phân tích, doanh số từ việc bán xe mới của các hãng chậm lại đến 11% từ tháng 6 năm nay, nguyên nhân là World Cup khiến họ phân tâm.

Ở thị trường tài chính, hoạt động giảm trên tất cả sàn giao dịch Moscow ngoài nền tảng trái phiếu, bởi các nhà giao dịch chuyển trọng tâm của họ sang hoạt động trực tiếp.

Việc tăng và giảm doanh thu ở một số ngành hàng là xu hướng phù hợp với mô hình của các quốc gia tổ chức sự kiện thể thao lớn, trong đó có World Cup.  Sự phản ánh này chỉ mang tính ngắn hạn, không đủ để tạo ra tác động lâu dài đối với nền kinh tế.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn