Trong một thị trường quy mô còn nhỏ như Việt Nam, ít có dòng xe nào lại có nhiều thăng trầm như Chevrolet Captiva. Khi mới ra mắt, dòng xe này là cả một hiện tượng gây sốt với kiểu dáng hiện đại và gần như không có đối thủ.
Sau một thời gian có phần ngủ quên trong chiến thắng, Captiva lần lượt bị các đối thủ như Ford Everest, Toyota Fortuner bỏ xa và ít nhiều đánh mất giá trị của chính mình.
Và trong nỗ lực khôi phục lại hình ảnh với khách hàng, Chevrolet Captiva mới được tung ra thị trường với giá bán “tự tin” hơn trước cùng những trang bị và khả năng vận hành khác biệt.
Chevrolet Captiva mới đổi "ruột" nhiều hơn "vỏ". Ảnh Bobi
Song hành cùng chúng tôi trên cung đường Hà Nội – Lạng Sơn –Thác Bản Giốc – TP Cao Bằng – Mèo Vạc – Lũng Cú – TP Hà Giang – Tuyên Quang – Hà Nội là chiếc Captiva LTZ số tự động, phiên bản cao cấp nhất của mẫu xe này.
Chế độ lái bán tự động giúp xe leo dốc và đổ đèo tốt hơn hẳn so với bản trước.
Tuy nhiên, trong quá trình đi và có thời gian tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi dần nhận ra những chi tiết khác biệt so với trước như đèn pha dạng chiếu và cụm đèn hậu sử dụng công nghệ LED, cụm đèn sương mù kiểu mới hay sự thay đổi trong thiết kế cản trước và đuôi xe. Nếu những thay đổi này không chỉ giúp xe trở nên hiện đại hơn mà còn tăng đáng kể hiệu quả chiếu sáng khi vận hành trên những cung đường núi.
Mức độ uống xăng khi đi trên cung đường núi cũng giảm nhiều so với trước.
Ở phiên bản này, sự thay đổi quan trọng không nằm ở “vỏ” mà tập trung ở “ruột” với nhiều tiện nghi và trang thiết bị điện tử hỗ trợ cả về khả năng vận hành lẫn sử dụng.
Đây cũng là nét mới cho thấy GM đang tìm cách thay đổi chiến lược bán hàng và trang bị cho mẫu SUV duy nhất của mình tại Việt Nam ngang ngửa hoặc nhình hơn một số đối thủ về tính năng và tiện nghi.
Nội thất được bổ sung thêm nhiều tiện nghi và tính năng.
Hệ thống giải trí với ổ CD 6 đĩa 6 loa có hỗ trợ MP3, AUX, USB… và lần đầu tiên Captiva được trang bị hệ thống điều khiển âm thanh và kết nối điện thoại bluetooth trên tay lái.
Thay đổi về nội thất ghi điểm đáng kể cho Captiva mới.
Hộp số này cho phép hành trình thường xuyên leo đèo, đổ dốc của chúng tôi trở nên an toàn hơn. Khi leo dốc, hoặc vượt qua những đoạn đường xấu đầy sỏi đá, xe vận hành khỏe hơn và không có cảm giác hụt hơi như phiên bản trước. Lúc đổ đèo, việc hãm phanh bằng chế độ số tay cũng đảm bảo hệ thống phanh không bị nóng và xe vận hành ổn định hơn.
Bên cạnh đó, khả năng vận hành của xe được hỗ trợ rất nhiều nhờ các trang bị khác vốn được coi là xa xỉ trước đây như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống ổn định thân xe điện tử ESP, hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ xuống dốc HDC…
Sự thay đổi của mẫu xe này khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
So với bản trước, xe còn có thêm chìa khóa thông minh cùng hệ thống khởi động bằng công tắc kèm tính năng khóa cửa tự động sau khi chìa khóa theo người ra khỏi xe (sau khoảng 8 giây) cũng như tính năng khóa cửa tự động sau khi xe đạt tốc độ 20km/h.
Từng có cơ hội trải nghiệm gần hết các phiên bản khác nhau của Chevrolet Captiva nên chúng tôi không khỏi “giật mình” trước sự thay đổi của phiên bản mới này. Bên cạnh khả năng vận hành mạnh mẽ và ổn định trên cung đường núi, khả năng cách âm của xe cũng được cải thiện rất nhiều, ngay cả khi đi trên những con đường xấu, nhiều sỏi đá.
Độ bám đường của xe tốt hơn hẳn so với trước, giúp xe vận hành ổn định trên những cung đường cheo leo trên đỉnh núi thuộc hai tỉnh phía Bắc là Cao Bằng và Hà Giang. Dù có phải liên tục thay đổi độ cao khi lên và xuống dốc trên cung đường chạy từ Thác Bản Giốc, thuộc tỉnh Cao Bằng sang điểm cao nhất của đất nước, Lũng Cú – Hà Giang, chúng tôi gần như không có cảm giác giác bồng bềnh và chỉ có đôi chút ù tai do tăng giảm áp suất không khí.
Do đi chủ yếu trên cung đường núi nên cảm nhận về sức mạnh của động cơ Ecotec dung tích 2.4L phun xăng đa điểm với công suất lý thuyết 154 mã lực trên đường bằng nơi đô thị không nhiều.
Dù vậy, chúng tôi cũng ít nhiều có cơ hội kiểm tra gia tốc xe trên đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn. Do đường đông và có hạn chế tốc độ nên chúng tôi thì thử cảm giác tăng tốc từ vị trí xuất phát lên mức 80 km/h. So với phiên bản trước, khả năng gia tốc được cải thiện khá nhiều, cảm giác hơi hụt chân ga khi vượt không còn. Khả năng phanh gấp cũng tốt hơn trước.
Sau 3 ngày “hành xác” trên 1.200 km, mức xăng tiêu thụ trung bình của xe khiến chúng tôi khá ngạc nhiên khi chỉ ở mức gần 10,5 lít/100 km.
Xét một cách tổng thể, Captiva mới hấp dẫn hơn hẳn phiên bản trước và là lựa chọn không tồi cho khách hàng mê SUV 7 chỗ với ngân sách trên dưới 1 tỷ đồng.
Thông số kỹ thuật của Chevrolet Captiva LTZ 2013:
Chiều dài: 4673mmChiều rộng: 1868mm
Chiều cao: 1756mm
Trọng lượng không tải 1.823kg
Dung tích bình xăng: 65 lít
Bán kính vòng quay: 5,94m
Độ cao gầm xe 165mm
Động cơ: Ecotec dung tích 2.4L phun xăng đa điểm cho công suất tối đa 154 mã lực
Hộp số tự động 6 cấp
Dẫn động cầu trước
Momen xoắn cực đại: 230 Nm
Tốc độ tối đa: 181km/h
Giá bán: từ 929 triệu đồng>
Bình luận