Đã có không ít cái chết thương tâm xảy ra với người đi xe máy do lỗi sai của chính họ, dẫn đến tai nạn với ô tô. Vụ gần nhất xảy ra tối 8/5, trên cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), một phụ nữ lái xe máy ngược chiều trên làn đường dành cho ô tô đã chết thảm khi xảy ra va chạm với chiếc xe bán tải.
Cũng trên đường cao tốc này, gần 2 năm trước, vào tối 16/8/2020, một chiếc ô tô tải va phải xe máy đi ngược chiều khiến nó văng ra xa, còn thiếu nữ điều khiển xe máy mãi mãi ra đi ở tuổi 18.
Tối 8/6/2019, một nam thanh niên đi xe máy chết tại chỗ khi bị ô tô đâm phải tại lối ra cầu vượt Tây Mỗ, đại lộ Thăng Long. Nạn nhân cũng chạy ngược chiều trên làn đường chỉ dành cho ô tô.
Khi đọc tin về những vụ tai nạn như vậy, tôi không chỉ đau lòng vì có thêm những cái chết lãng xẹt mà còn rất thông cảm, rất thương cho tài xế ô tô dù tuân thủ luật giao thông vẫn gặp hạn vì lỗi của người khác.
Mặc dù các văn bản pháp luật cấm xe máy lưu thông trên cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô nhưng cánh tài xế chạy những cung đường này đều không xa lạ với tình trạng đó. Những chiếc xe máy ngông nghênh chiếm đường, thậm chí đi ngược chiều trở thành nỗi ám ảnh của tài xế ô tô, bởi nếu va chạm xảy ra khi xe đang chạy ở tốc độ cao thì hậu quả luôn vô cùng thảm khốc.
Khi đó, dù không hề đi sai, người lái ô tô ở Việt Nam vẫn gặp vô số rắc rối, phiền toái. Xe của họ bị gọi là “xe gây tai nạn” và tài xế sẽ phải ngừng công việc của mình để làm việc với cơ quan điều tra, phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục pháp lý, thậm chí mất tiền bạc để chạy chọt, lo lót nhằm tránh rắc rối kéo dài.
Đó là chưa kể sự quấy nhiễu của gia đình nạn nhân. Không chỉ tài xế mà cả gia đình đều căng thẳng tột độ cho đến khi sự việc được giải quyết. Tài xế ô tô là nạn nhân, nhưng lại thường bị đổi xử như thể họ là thủ phạm gây tai nạn.
Ở nhiều nước phương Tây, người đi vào đường cấm nếu vi phạm luật giao thông dẫn đến cái chết của chính mình thì gia đình không thể “bắt vạ” người lái ô tô, thậm chí chết rồi vẫn bị lấy bảo hiểm ra bồi thường cho những thiệt hại của chủ ô tô nếu xe đó hư hỏng. Còn ở ta, chưa biết đúng sai ra sao, tài xế ô tô luôn là đối tượng bị “hành”. Người đi bộ hay điều khiển xe thô sơ, xe máy cứ được mặc định là bên yếu thế, nên cơ quan chức năng thường xử trí theo hướng “túm” lấy ông đi ô tô đã, sai đúng tính sau. Và trong thời gian chờ mọi sự ngã ngũ thì tài xế ô tô đã lãnh đủ những thiệt hại về vật chất, tinh thần và thời gian.
Cách hành xử đó không khác gì dung túng cho vi phạm, khiến mỗi ngày luôn có nhiều kẻ nghênh ngang đi xe máy vào đường cao tốc dành riêng cho ô tô, có kẻ còn không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, cả người đi bộ cũng dắt díu nhau đứng trong làn đường cao tốc nơi bao nhiêu ô tô đang lao vun vút để… bắt xe về quê cho tiện.
Với tâm lý “được bảo hộ”, họ yên tâm rằng “bọn đi ô tô phải cẩn thận tránh mình”. Cánh tài xế ô tô rất sợ họ, cố gắng tránh né nên không thể đi với tốc độ cho phép, và nhiều lúc tránh cũng không nổi. Hậu quả là người thì mất mạng, người gặp rắc rối một cách oan ức.
Cách giải quyết theo hướng bênh vực người đi xe máy, đi bộ khi có va chạm với ô tô không phải là nhân văn mà chính là vô nhân đạo. Chừng nào còn có tâm lý “ai đi ô tô người ấy phải chịu trách nhiệm” thì còn có những cái chết như đã kể trên.
Thay vì thế, phải xử nghiêm để những kẻ cố tình đi vào đường cấm thấm thía rằng đó là hành động hoàn toàn sai trái và nguy hiểm, rất dễ khiến mình mất mạng và nếu chết cũng không được bồi thường gì.
Thậm chí, luật pháp cần phải hoàn thiện theo hướng ai sai người ấy chịu trách nhiệm về hậu quả, người đi xe máy sai luật khiến bản thân thiệt mạng có thể còn phải bồi thường cho người đi ô tô nếu vụ tai nạn đó khiến ô tô hư hỏng. Có như thế mới mong giảm thiểu những cái chết lãng xẹt. Và đó mới là pháp luật nhân văn.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận