Kỳ 2 (kỳ cuối): Những câu chuyện kinh dị
Như đã nói ở kỳ trước, câu chuyện về hang cá thần của người Thái ở bản Chiềng Ban (Văn Nho, Bá Thước, Thanh Hóa) qua lời kể của bà Lường Thị Khoán đầy màu sắc liêu trai. Theo lời bà, bản thân bà đã tận mắt cặp “thần cá” khổng lồ, nặng mỗi con 1 tạ, biến thành hai vị quan, cưỡi ngựa đi trong bản.
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Thân, 67 tuổi, chồng bà Lường Thị Khoán, thì đúng là trong hang đá có cặp “thần cá”, nhưng không nặng đến 1 tạ, dài như đòn gánh, mà chỉ nặng tầm 40kg. Đây là cặp cá chúa, mà người dân hay đồn thổi đeo “khuyên tai vàng” vì ở vành tai của nó có vệt cong màu vàng nổi bật trên màu da đen sì như cột nhà cháy.
Hai “thần cá” đó rất ít ra khỏi hang, mà thường luẩn quẩn ở trong động sâu trong lòng núi. Phải là người có duyên lắm mới được chiêm ngưỡng cặp cá này. Việc cặp cá này có phải một đực, một cái hay không thì bản thân ông Thân cũng không biết. Chỉ biết rằng, cặp cá lúc nào cũng đi với nhau. Từ đời tổ, đời tông, từ bé tí xíu, lớn lên bên hang cá này, ông đã nghe các cụ kể về cặp cá, và nó đã to như vậy rồi.
Bí ẩn hang cá
Người Thái vùng tây Thanh Hóa gọi loài cá sống trong hang là cá dốc. Cá dốc là loài lớn rất chậm, và sống rất dai. Cả đời ông Thân, sống gần 70 tuổi, nhưng duy nhất một lần nhìn thấy một con cá tự chết, nổi lềnh bềnh ở chỗ đập nước. Lần đó cách đây đã 5 năm. Ông Thân và ông Hà Công Nố, vớt được nó, khi vừa nổi bụng ở miệng đập. Hai ông đặt lên cân thì thấy nó nặng tới 8kg.
Đồng bào Thái ở bản Chiềng Ban đối xử với con cá chết đó như một sinh mạng. Họ mổ gà, cúng bái, làm tang ma đàng hoàng. Thầy cúng được mời đến làm lễ suốt đêm, tiễn hồn thần cá về trời, rồi chôn “cá thần” ở mô đất giữa cánh đồng, cách hang cá một đoạn. Thi thoảng, ngày rằm, ngày lễ, người dân vẫn ra mộ “cá thần” thắp nhang. Nhiều du khách đến thăm hang cá, cũng tìm ra mộ cá thắp hương xin tài lộc, may mắn.
Xưa kia, loài cá này không chỉ có ở trong hang bản Chiềng Ban, mà sông suối cũng có. Loài cá này chính là cùng loại với cá thần ở suối cá Cẩm Lương nổi tiếng bên huyện Cẩm Thủy, cách Bá Thước vài chục cây số. Theo lời ông Thân, cá dốc nổi tiếng sống lâu và chúng chỉ sống ở những nơi nước trong vắt, sạch sẽ, chảy liên tục. Do đó, những con suối, nguồn nước chảy ra từ lòng suối vừa sạch, vừa mát lạnh rất phù hợp với chúng, nên chúng kéo đến trú ngụ rất đông.
Người Thái trong vùng cũng ăn thịt cá dốc, tức “cá thần”, nhưng tuyệt nhiên không ai dám ăn cá ở trong hang động này, vì những câu chuyện ghê rợn liên quan đến nó.
“Ngày xưa, người Pháp đến cai trị, xâm lược, giết người như ngóe. Họ chặt đầu ông Hà Văn Nho cùng mấy người yêu nước ở ngay miệng hang, nhưng họ cũng không dám ăn thịt loài cá ở trong hang đá này. Các cụ cũng kể rằng, từng có quan pháp đến bắt cá ăn, lập tức bị tâm thần, nên họ rất sợ” – ông Hà Văn Thân chỉ tay vào đập nước trước mặt, chặn nước từ chân núi kể với tôi.
Theo ông Thân, người Pháp đóng ở vùng này rất đông, cai quản cả vùng miền tây Thanh Hóa. Trên đỉnh núi Chiềng Ban, cách hang cá không xa có một sân bay quân sự, hiện vẫn còn dấu tích là bãi đất phẳng rộng lớn.
Các cụ kể, một quan pháp nổi điên vì ăn cá là có thật, tuy nhiên, người dân trong vùng không ghi chép lại, nên cũng không rõ tên. Vì câu chuyện đó, mà người Pháp rất tôn trọng hang cá. Dù họ giết người chứ không dám giết cá. Năm 1942, người Pháp xây một con đập ở miệng hang, cao khoảng 1,5m, biến miệng hang thành một vũng nước lớn, khiến bầy cá trong hang bơi ra nhiều hơn, vì có nhiều nước đọng. Từ đó mà cá thần cũng sinh sôi nảy nở nhiều hơn.
Sau này, để trữ được nước nhiều hơn làm nông nghiệp, nên chính quyền địa phương đã nâng cấp xây đập cao hơn. Vì thế, lòng hang biến mất dưới mặt nước.
Ngày nhỏ, khi chính quyền chưa xây đập cao thêm, ông Thân vẫn cùng thanh niên trong bản đi sâu vào trong hang xem cá. Khi đó, ở miệng hang, dòng suối sâu tầm 4-5m. Bơi hoặc chèo bè vào sâu tầm 25m, thì sẽ đến một khoang núi rộng, trần hang rất cao. Từ đó, dòng suối chảy dưới nền hang, kéo dài khoảng 2km xuyên sang bên kia núi, đến km số 8 thuộc địa phận xã Tân Kỳ. Điểm đó chính là đầu nguồn của suối ngầm.
Khi xây đập lên độ cao như hiện tại, toàn bộ phần miệng hang dài 25m đã chìm dưới nước. Người nào lặn khỏe, mới bơi vào trong được. Bản thân ông Thân, cùng một số thanh niên, cũng đã ngậm dây hơi bơi vào trong để kiểm tra động cá sâu trong lòng núi.
“Mấy năm trước, thấy cá ít ra, tôi liền lặn vào trong kiểm tra. Đoạn suối dẫn vào động, cá nhiều lắm, thi nhau rỉa vào người đến là nhột. Đến chỗ động lớn, thì cá dưới suối nhiều như trong chậu, cứ lúc nhúc. Tôi phải rẽ cá mới có chỗ để đặt chân. Yên tâm trong hang vẫn có rất nhiều cá, nên từ bấy tôi không vào nữa. Những ngày mưa lớn, nước chảy mạnh, thì cá trú trong hang. Dù nước chảy ào ào, tràn qua đập, nhưng cá không bao giờ ra khỏi đập” – ông Thân kể.
Video: Cụ bà người Thái kể chuyện kinh dị về hang cá thần
Những chuyện kinh dị
Nói về những chuyện kỳ bí ở hang cá, những cái chết tức tưởi, phát khùng do ăn thịt cá, thì kể cả ngày không hết, và bất cứ ai ở Chiềng Ban cũng biết một vài câu chuyện rùng rợn.
Gần đây nhất, là năm 2012, anh Hà Văn Bình, là thanh niên ngỗ ngược ở bản Chiềng Ban, không sợ cá thần, chờ đêm xuống mang chài vào quăng, tính kiếm vài con cá về đổi món.
Hôm đó, anh này đội đèn pin ở đầu, mang lưới đi quăng. Đêm sắp rằm, nên trăng sáng. Vừa quăng lưới, thì thấy cặp “thần cá” khổng lồ nhô đầu, bềnh lưng lên, đen như cột nhà cháy. Anh này sợ quá, vứt luôn lưới ở đó, bỏ chạy. Điều kinh dị, là ngay đêm đó anh ta nổi cơn điên, sáng sớm cứ lột hết quần áo chạy rông dọc đường. Từ đó đến nay, anh Bình hâm hâm dở dở, không bao giờ dám đến cửa hang cá nữa.
Chuyện bắt cá, ăn cá rồi mất mạng thì cũng rất nhiều. Ngược về nhiều năm trước, là năm 1982, tổng số 3 thanh niên, là ông Hà Văn Tùng, Hà Văn Đặng, Hà Văn Ấm, đều người làng Pọng, xã Văn Nho, đã đem mìn vào hang Chiềng Ban bắt cá.
Quả mìn tự chế nổ rung chuyển rừng núi. Cá chết nhiều vô kể. 3 thanh niên bắt nhét đầy mấy bao liền, vác về ăn dần. 3 ngày sau, cá vẫn lác đác nổi lên, thối um cả bản Chiềng Ban. Sau đó, cứ rải rác một, hai năm sau, 3 người đều chết một cách thảm khốc. Người thì tai nạn, người chết bệnh, khi tuổi mới trên dưới 30.
Ngược về năm Mậu Thân 1968, một đồng chí bộ đội, đóng quân ở đây, cũng đã quăng quả mìn xuống miệng hang. Cá chết 3 gánh. Bắt cá lên khỏi hang, thì anh này hộc máu mồm, nổi điên luôn. Khi đó, một số người kéo đến giúp anh khiêng cá đi chôn, rồi hương khói làm lễ để thoát kiếp nạn. Thế nhưng, cá chôn xong, thì lại nôn thốc nôn tháo ra máu, rồi chết bất đắc kỳ tử.
“Tôi ở đây bao năm rồi, hễ ai bắt cá thần ăn là đều nổi điên cởi quần áo chạy rông hết. Cứ ăn cá là nổi điên cởi quần áo mới lạ” – bà Lường Thị Khoán chen vào giữa câu chuyện của tôi với chồng bà, ông Hà Văn Thân.
Ngồi bên hang cá, nghe những câu chuyện kỳ bí, liêu trai kiểu này cả ngày không hết. Có thể, đó là sự trùng hợp, hoặc thêm mắm dặm muối, tuy nhiên, đó cũng là cách của dân gian, để bảo vệ những di sản cho muôn đời sau.
Video: Cảnh cá thần ở trong hang ra ăn
Bình luận