4/1, một ngày đặc biệt với ngoại hạng Anh khi Chelsea chính thức thất bại, lần đầu tiên kể từ trận thua 0-3 trên sân của Arsenal. Gần 4 tháng (chính xác là 102 ngày), Chelsea mới chịu rời sân mà không có 3 điểm trong tay.
Video: Tottenham 2-0 Chelsea
Trong khoảng thời gian đó, thầy trò HLV Antonio Conte đã tái hiện hình ảnh một "độc cô cầu bại" khi toàn thắng 13 trận đấu liên tiếp. Từ Manchester United, Manchester City đến Tottenham, Leicester City, tất cả đều đã "quy hàng" dưới gót sắt Chelsea theo cách tâm phục khẩu phục.
Chelsea chiến thắng và băng băng về trước như một mũi lao với chỉ một mục tiêu duy nhất: Giành lại danh hiệu Premier League sau một mùa giải để rơi vào tay Leicester.
Tuy nhiên, nếu Chelsea cứ thắng, thắng và thắng mọi trận đấu như vậy, họ sẽ trở thành "đội quân viễn tưởng" như trong các bộ phim hoạt hình dành cho thiếu niên. Chẳng có điều gì là vĩnh cửu - nhân loại đã tốn không ít tiền bạc, công sức, thời gian với những công trình để rút ra kết luận cay đắng đó. Không có sự vĩnh cửu, và chẳng có đội bóng nào thắng lợi mãi mãi.
Do đó, Chelsea kiểu gì cũng thua, vấn đề là thua vào lúc nào, trước đối thủ nào mà thôi. "Chúng tôi đã lường trước thất bại trước Tottenham" - Antonio Conte thẳng thắn thừa nhận, dù "thật không dễ dàng để chấp nhận thất bại sau chuỗi trận ấn tượng như vậy".
Chelsea đã thất bại, đã mỏi mệt sau quãng thời gian "leo núi" miệt mài ở giai đoạn Giáng sinh và đầu Năm mới. Người hâm mộ hẳn sẽ tiếc nuối khi kỷ lục chỉ còn cách toàn đội đúng một nấc thang, khoảng cách 8 điểm với Liverpool chỉ còn cách đúng một trận đấu.
Chiến thắng là rất tốt, nhưng chẳng phải vấn đề nếu Chelsea thất bại. Bởi với đội bóng chủ sân Stamford Bridge, một thất bại ở thời điểm này là rất cần thiết.
Thứ nhất, Chelsea không mạnh, và cũng chẳng phải thực thể hoàn mỹ như ca ngợi của giới truyền thông. Hệ thống chiến thuật 3-4-3 có rất nhiều bất cập mà những đối thủ của Chelsea chưa đủ uy lực cũng như thời gian để khai thác tối đa.
Trong một ngày đẹp trời, Diego Costa cùng các đồng đội có thể khỏa lấp các khoảng trống, nhưng trong một ngày xấu trời trước đối thủ như Tottenham thì không.
Tự hào với hàng thủ hiếm khi thủng lưới từ những tình huống không chiến, song Chelsea đã để Dele Alli chọc thủng lưới từ hai quả đánh đầu được dàn xếp giống hệt nhau. Ai đó đã nói: "Bạn không thể tránh khỏi sai lầm, nhưng mắc hai sai lầm giống hệt nhau thì đó là lỗi của bạn". Victor Moses và Cesar Azpilicueta đã mắc những lỗi như vậy.
Bạn không thể tránh khỏi sai lầm, nhưng mắc hai sai lầm giống hệt nhau thì đó là lỗi của bạn.
Người ta bán tín bán nghi về điểm yếu của Chelsea, và tất cả chỉ trở nên rõ ràng khi nửa xanh thành London thất thủ. Một thất bại sẽ giúp Chelsea phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề.
Một "nốt trầm" sẽ giúp Conte kìm học trò lại sau chuỗi phong độ cùng những "nốt thăng". Chelsea có quyền chững lại để thay đổi khi mùa giải vẫn còn rất dài.
Thứ hai, trận thua này buộc Chelsea phải suy nghĩ lại về vấn đề lực lượng. Có thật sự Chelsea đã đủ mạnh, đủ dày, đủ chu toàn để chinh chiến trong 18 trận đấu còn lại của mùa giải (chưa kể FA Cup) mà không gặp bất cứ rủi ro nào? 90 phút đêm qua, Tottenham đã giúp Chelsea tìm ra câu trả lời.
Thứ ba, cũng là lí do quan trọng nhất: Chelsea cần thất bại để "tận diệt" bài toán mang tên "kỷ lục". Người ta có xu hướng sợ thua, không quen thua khi đã thắng quá nhiều, người ta có xu hướng "cóng chân" khi tất cả đã rất gần kỷ lục. Tư tưởng "chỉ cần chút nữa là được" là liều thuốc độc với bất cứ đội bóng nào, kể cả Chelsea.
Còn nhớ, một Chelsea hừng hực khí thế dưới thời Jose Mourinho (đã có chuỗi bất bại khá dài) đã gục ngã đau đớn trước Newcastle và Tottenham. Để rồi sau đó, Chelsea hồi phục trở lại và băng băng về đích. Giờ đây, đội bóng của Antonio Conte chẳng phải "độc cô cầu bại" hay binh đoàn bách chiến bách thắng với những kỷ lục giống như chiếc áo khoe mẽ được nữa.
Chelsea chỉ là đội bóng bình thường với những thất bại bình thường. Muốn hóa vĩ đại, họ phải chứng tỏ khả năng vượt qua khó khăn, vượt qua những khoảnh khắc đau đớn và khó chấp nhận như chính lúc này.
Không còn áp lực phải "thắng như máy", Chelsea sẽ chơi bóng với đôi chân thanh thoát và nhẹ nhàng hơn. Cái giá của thất bại nằm ở chỗ đó.
Sau khi mất chuỗi chiến thắng trên sân của White Hart Lane, Man City đã tụt dốc không phanh trước khi rơi khỏi top 4. Tiếp tục "nốt trầm" để sa sút như Man City, hay cất lên "nốt thăng" như chính họ đã từng ở mùa giải 2014/2015, Chelsea sẽ tìm câu trả lời trong những trận đấu tiếp theo.
Bình luận