• Zalo

Chế độ ăn thực dưỡng có chữa được ung thư?

Dinh dưỡngThứ Hai, 13/01/2020 14:56:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia khẳng định, không có chuyện ăn uống theo phương pháp thực dưỡng có thể chữa được ung thư.

Nghĩ sai, trả giá bằng cả tính mạng

Những ngày qua, dư luận xôn xao về trường hợp người phụ nữ 59 tuổi, ở Hà Nội thiệt mạng sau 2 tháng ăn thực dưỡng. Người này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường cách đây 2 năm, được chỉ định dùng thuốc điều trị.

Gần đây bà ngừng uống thuốc, chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng lan truyền trên mạng. Suốt 2 tháng bà chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, sữa hạt và ngồi thiền. Hậu quả bà bị suy kiệt nặng, sụt 7kg, nhiễm toan chuyển hóa nặng, men gan lên tới hàng nghìn đơn vị/lít. 

Chưa biết chế độ ăn thực dưỡng trên “hiệu quả” đến đâu, nhưng phương pháp này đang lan truyền trên mạng nhanh chóng. Thậm chí, có người còn “thổi phồng” công dụng khi cho rằng, phương pháp ăn thực dưỡng giống như “phương thuốc thần kỳ”, có thể chữa được cả bệnh ung thư nhờ việc "bỏ đói" các tế bào ung thư.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, về cơ bản các thành phần thực phẩm trong thực dưỡng như ngũ cốc nguyên cám và rau củ là tốt cho sức khỏe.

Nguyên tắc ăn các thực phẩm càng ít chế biến càng tốt cũng là đúng. Nhưng để nói chế độ ăn này có thể tự chữa hay kiểm soát được ung thư, hay các bệnh mạn tính là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

“Nhiều người cho rằng, chế độ thực dưỡng là 'bỏ đói tế bào ung thư', qua đó có thể điều trị khỏi ung thư là quan điểm sai lầm. Mọi người đều cần cơ thể khỏe mạnh thì mới tạo hệ thống miễn dịch tốt, đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư. 

Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, mà chỉ ăn các loại thực phẩm thực dưỡng như gạo lứt, muối mè, sữa hạt, thì sẽ gầy sút, suy kiệt; không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…”, TS Sơn nói.

Chế độ ăn thực dưỡng có chữa được ung thư? - 1

Chuyên gia khẳng định, chưa có một chứng minh lâm sàng nào về việc ăn thực dưỡng sẽ "bỏ đói" được tế bào ung thư. (Ảnh: Thucduong)

Cũng theo TS Sơn, chế độ thực dưỡng không những không có lợi, mà còn gây hại cho bệnh nhân đang điều trị ung thư. Bởi tình trạng dinh dưỡng kém và giảm cân có thể gây ra sự chậm trễ trong kế hoạch điều trị cho người bệnh. Bệnh nhân càng tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ biến chứng, giảm chất lượng sống và thiệt mạng sớm hơn.

Hiện chưa có bằng chứng lâm sàng nào chứng minh chế độ ăn thực dưỡng là hữu ích cho những người mắc bệnh ung thư hoặc một số các bệnh khác. Tự ý dựa vào thực dưỡng để điều trị bệnh, xem nó như là phương pháp duy nhất và né tránh những khuyến cáo hoặc phác đồ điều trị từ bác sĩ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho bệnh nhân ung thư”, TS Sơn cảnh báo.

Giảm cân phải khoa học

Theo Viện trường Viện Y học ứng dụng – Trương Hồng Sơn, nhiều tổ chức y khoa và dinh dưỡng uy tín trên thế giới hiện nay đều cho rằng, chế độ ăn giảm cân khoa học là chế độ ăn hạn chế năng lượng ăn vào dựa trên chính chuyển hóa cơ bản của mỗi người.

Ví dụ, chuyển hóa cơ bản của phụ nữ bình thường khoảng từ 1100 đến 1300 kcal. Trong khi nhu cầu hàng ngày cần khoảng 2000k/cal, thì một người giảm cân cần ăn với năng lượng nằm trong khoảng từ 1300 đến 2000kcalo/ngày.

Trong đó, việc cân bằng giữa các nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng bao gồm đạm, chất béo và chất bột đường, rau xanh hoa quả và sữa là rất cần thiết vì sẽ giúp cơ thể không bị thiếu hụt quá nhiều vi chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc tăng cường tập thể dục phù hợp để tăng tiêu hao năng lượng cũng nên được chú trọng. Đây là cách giảm cân truyền thống, hiệu quả tuy chậm nhưng chắc chắn và bền vững.

TS Sơn cũng cho biết, hiện khoa học dinh dưỡng ngày càng phát triển, có nhiều lý thuyết mới được hình thành, nên cũng tạo ra nhiều chế độ giảm cân mới.

Một số chế độ ăn giảm cân mới có cơ sở mâu thuẫn với cách giảm cân truyền thống, nhưng lại cho kết quả kinh ngạc. như ăn Atkins (hạn chế tinh bột, tăng chất béo); nhịn ăn gián đoạn (ăn vào một thời gian cụ thể, các giờ khác nhịn ăn tuyệt đối); chế độ ăn WW (Weight Watcher); chế độ ăn Keto (ăn nghiêng về protein, hạn chế tính bột) ...

Thực tế, có những chế độ ăn được chứng minh là có cơ sở lý thuyết khoa học, an toàn và hiệu quả nhưng chỉ trong thời gian ngắn hạn mà chưa được chứng minh ở mức dài hạn.

“Do đó, với các chế độ ăn đặc thù khắc nghiệt như vậy chỉ nên áp dụng thời gian ngắn, sau đó mọi người nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục điều độ mới là điều quan trọng trong giảm cân bền vững”, TS Sơn nhấn mạnh.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn