Tờ Politico dẫn lời một quan chức chính phủ Ukraine cho biết, các phi công nước này đã đến Ba Lan để tiếp nhận số chiến đấu cơ vừa được châu Âu viện trợ, hầu hết số máy bay này đều do Liên Xô chế tạo.
Việc châu Âu chuyển giao thêm máy bay chiến đấu cho Ukraine diễn ra trong bối cảnh các mũi tấn công của lực lượng Nga đang gia tăng sức ép lên xung quanh thủ đô Kiev. Ngoài máy bay, châu Âu và các nước đồng minh còn viện trợ cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không vác vai và các loại vũ khí sát thương khác.
Hiện vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tặng máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng theo Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết thì kế hoạch này có sự phối hợp giữa nhiều quốc gia.
Dù ông Borrell không nói rõ nhưng khả năng lớn số chiến đấu cơ này sẽ đến từ các nước vẫn còn đang sử dụng một số mẫu chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo ở đông Âu bởi các nước tây Âu không có trong trang bị máy bay Liên Xô.
Một số quốc gia liên quan đến kế hoạch này không ngay lập tức xác nhận thông tin. Đại diện từ Ba Lan và Slovakia từ chối xác nhận thông tin của tờ Politico. Trong khi đó, Thủ tướng Bulgari Kiril Petkov nói nước ông từ chối yêu cầu máy bay chiến đấu của Ukraine.
Hiện tại không quân Ba Lan và Slovakia vẫn biên chế số lượng đáng kể chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo, tương tự như những chiếc máy bay đang được sử dụng bởi không quân Ukraine. Điều này giúp các phi công không mất thời gian chuyển loại khi tiếp nhận máy bay mới.
>>Ba Lan, Bulgaria từ chối yêu cầu viện trợ chiến đấu cơ của Ukraine
Trong một bài đăng mới đây trên mạng xã hội Twitter ngày 28/2, Quốc hội Ukraine cho biết, châu Âu cam kết viện trợ cho nước này 70 chiến đấu cơ mới, trong đó gồm 28 tiêm kích MiG-29 từ Ba Lan, 12 chiếc từ Slovakia và 16 chiếc từ Bulgaria. Ngoài ra có thêm 12 cường kích Su-25 từ Bulgaria.
Thông tin châu Âu sẽ viện trợ số lượng lớn máy bay cho Ukraine xuất hiện ngay sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu hứa hẹn cũng cấp một loạt vũ khí mới nhằm hỗ trợ Kiev chống lại các hành động quân sự từ phía Nga.
Do quân đội Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ vùng trời Ukraine nên quá trình chuyển giao vũ khí sẽ diễn ra bằng đường bộ thông qua các nước đông Âu.
Ba Lan, Estonia và Latvia là một số trong những nước đông Âu có hành động đầu tiên khi gửi đạn dược, tên lửa chống tăng Javelin, nhiên liệu và vật tư y tế tới biên giới Ukraine để chuyển giao cho các lực lượng Ukraine.
Đáp lại các động thái của châu Âu khi tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/3 cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Nga khẳng định Moskva sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.
Bình luận