• Zalo

Châu Âu 'tiến thoái lưỡng nan' với các lò phản ứng hạt nhân

Thời sự quốc tếThứ Tư, 17/08/2022 15:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Năng lượng hạt nhân được cho là giải pháp giúp châu Âu “xanh hơn” và giảm sự phụ thuộc vào dầu khí Nga, tuy nhiên Nga có ảnh hưởng không nhỏ ngay cả ở lĩnh vực này.

Đầu tháng 8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thể hiện sự lo ngại sau khi Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzya.

Giám đốc IAEA Rafael Grossi cảnh báo về "nguy cơ rất thật của một thảm họa hạt nhân, có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và môi trường ở Ukraine và hơn thế nữa". Nhà máy nằm ở khu vực do Nga kiểm soát, đã nhiều lần trở thành tâm điểm trong các cuộc giao tranh, cũng như nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl.

Cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu lần đầu tiên ​​một cuộc xung đột vũ trang diễn ra gần các nhà máy điện hạt nhân như vậy.

Lò phản ứng hạt nhân không được thiết kế để chống chịu với các cuộc chiến. Để hoạt động an toàn, nhà máy cũng cần được cung cấp điện liên tục và có các nhân viên chuyên môn cao thường xuyên giám sát. Khi chiến tranh xảy ra, cả hai yếu tố này đều không được đảm bảo.

Châu Âu 'tiến thoái lưỡng nan' với các lò phản ứng hạt nhân - 1

Nhà máy điện hạt nhân Ignalina ở Litva. (Ảnh: Wikipedia)

Châu Âu lo ngại

Gần đây, NATO thông qua chiến lược đánh giá Nga là "mối đe dọa” ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Phản ứng với tình hình mới, NATO đang tăng cường khả năng răn đe thông qua một nỗ lực tái vũ trang lớn. Họ dự đoán những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, và trong trường hợp này, tình huống xấu nhất sẽ là một cuộc xung đột giữa Nga và một thành viên NATO.

Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia sau một thời gian dài giữ thái độ trung lập, giờ đây cũng đang tìm kiếm một chỗ đứng dưới sự “che chở” của NATO. Theo chuyên gia Karola Klatt viết trên EU Observer, mối quan tâm về sự an toàn các nhà máy điện hạt nhân có thể là một phần lý do.

Phần Lan bắt đầu hoạt động thử nghiệm đối với nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Olkiluoto 3 hồi tháng 3. Năng lượng hạt nhân được kỳ vọng sẽ không chỉ giúp nhiều nước châu Âu có thể sớm loại bỏ sản xuất nhiệt điện than mà còn giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng.

Tại Anh, chiến lược năng lượng đầy tham vọng của thủ tướng Boris Johnson bao gồm dự kiến ​​xây dựng 8 lò phản ứng hạt nhân mới vào năm 2030. Đây là dự định theo bước chân của Pháp, quốc gia được biết đến với sự độc lập về năng lượng nhờ có 56 lò phản ứng hạt nhân.

Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Pháp cũng đang hoạt động không tốt lắm.

Trong báo cáo quốc gia về Chỉ số Quản trị Bền vững (SGI) tại Pháp, do Bertelsmann Stiftung, một tổ chức Đức thực hiện năm 2021, các tác giả cho rằng “phép màu hạt nhân” của Pháp chủ yếu là nhờ các nhóm vận động hành lang quyền lực. Trong một báo cáo mới khác, sẽ được công bố vào mùa thu, các tác giả chỉ trích các thủ tục cấp phép phức tạp cho năng lượng tái tạo và việc các nhóm lợi ích phản đối, ngăn cản các loại năng lượng khác ngoài hạt nhân.

Trong khi đó, khoảng 29 trong số 56 lò phản ứng tại Pháp hiện đang ngừng hoạt động để bảo trì theo quy định hoặc do hư hỏng và ăn mòn. Trung bình, các lò phản ứng đã hoạt động hơn 36 năm và do đó rất dễ bị hỏng do thời gian.

Châu Âu 'tiến thoái lưỡng nan' với các lò phản ứng hạt nhân - 2

Một trong những nhà máy điện hạt nhân của Pháp. (Ảnh: Asia Times)

“Cái bóng” của Nga

Trong các hoạt động kinh doanh cũng như vận động hành lang toàn cầu rằng năng lượng hạt nhân là một giải pháp thay thế xanh, ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp đã hợp tác chặt chẽ với tập đoàn nhà nước Nga Rosatom, theo chuyên gia.

Gần đây vào tháng 12/2021, Framatom, một công ty con của nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân và tiện ích của Pháp Electricité de France, cùng Rosatom, đã có thêm thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn.

Ngoài Pháp, Nga cũng có mức độ ảnh hưởng đối với các thị trường năng lượng hạt nhân của phương Tây. Những điều này được chỉ ra trong nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Columbia.

Theo nghiên cứu, Nga có lò phản ứng hạt nhân ở 18 quốc gia EU: 2 ở Bulgaria, 6 ở Cộng hòa Séc, 2 ở Phần Lan, 4 ở Hungary và 4 ở Slovakia.

Năm lò phản ứng do Nga thiết kế nữa đang được xây dựng vào năm 2021: 1 ở Phần Lan, 2 ở Hungary và 2 ở Slovakia, mặc dù Phần Lan gần đây đã thông báo kết thúc xây dựng lò phản ứng với Rosatom tại Hanhikivi.

Trong bối cảnh này, các nước châu Âu đứng trước lựa chọn “tiến thoái lưỡng nan” của việc có hay không loại Nga khỏi chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân.

Cộng hòa Séc, trong nỗ lực đi theo các tiêu chuẩn châu Âu trong việc mở rộng năng lượng tái tạo, đã cùng với Pháp kêu gọi phân loại hạt nhân là năng lượng sạch để thúc đẩy đầu tư xây dựng lò phản ứng mới.

Nhưng theo báo cáo quốc gia về SGI tại Séc, các chuyên gia cho rằng: "Cần thận trọng khi lựa chọn các đối tác quốc tế cần thiết để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới. Chi phí, an toàn và các liên minh quốc tế phải được cân bằng cẩn thận và tính toán trong kế hoạch”.

Bởi vì Nga đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất nhiên liệu hạt nhân, ngay cả những quốc gia không có lò phản ứng do Nga thiết kế cũng khó có thể độc lập, theo chuyên gia. Cố gắng điều chỉnh để loại bỏ thành phần và dịch vụ của Nga trong các lò phản ứng này cũng gần như không thể thực hiện được vì điều này phụ thuộc đáng kể vào nhà sản xuất.

Điều này cũng có thể giải thích tại sao tập đoàn quốc doanh Nga Rosatom vẫn chưa bị EU trừng phạt và tại sao các công ty hạt nhân như Framatom vẫn chưa ngừng quan hệ kinh doanh với Nga.

Như vậy đối với hầu hết các nước châu Âu, việc cải thiện khả năng phục hồi của nguồn cung cấp năng lượng, và đạt được khả năng tự cung cấp năng lượng, khó có thể thực hiện bằng cách mở rộng lĩnh vực năng lượng hạt nhân hoặc kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng. Mối quan hệ kinh tế với Rosatom và sự phụ thuộc của ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu vào công nghệ hạt nhân và việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Nga quá chặt chẽ.

Điều này dẫn đến việc NATO cũng sẽ phải suy nghĩ về những rủi ro với năng lượng hạt nhân, khi đánh giá mối đe dọa quân sự đối với châu Âu, chuyên gia nhận định.

Phương Anh(Nguồn: EU Observer )
Bình luận
vtcnews.vn