"Chật vật" vì đại dịch
Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào cảnh doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...
Đơn cử, theo đại diện của Hệ thống rạp chiếu phim CGV Việt Nam (thuộc CJ Group), việc phải đóng cửa rạp do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động tiêu cực lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Việc kinh doanh rạp chiếu phim, chi phí thuê mặt bằng khá cao, do vị trí rạp thường được đặt trong các trung tâm thương mại có tiếng. Do đó, trước quyết định phải tạm đóng cửa chuỗi rạp chiếu phim thì vấn đề khó khăn nhất là chi phí mặt bằng.
"Tuy rạp phim là loại hình kinh doanh chính của doanh nghiệp, nhưng đối với chúng tôi, việc đóng cửa là hành động cần thiết để cùng chung tay hạn chế dịch bệnh COVID-19. CGV hi vọng khi dịch được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, rạp phim sẽ tiếp tục là loại hình giải trí được khán giả lựa chọn", đại diện truyền thông của CGV cho hay.
Trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đang lao đao vì tác động gián tiếp liên quan đến dịch COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất tôn cán thép cho biết, hiện công ty đang "bế tắc" do mọi kế hoạch sản xuất bị trì hoãn.
"Tôn cuộn được chúng tôi đặt và nhập hàng 100% từ nhà máy ở Sơn Đông (Trung Quốc), sau khi nhập, chúng tôi đưa về nhà máy để ép và sơ chế. Tuy nhiên, hiện nay các cửa khẩu đóng cửa, dẫn đến không nhập được hàng, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, nhà máy phải dừng hoạt động.
Công nhân thất nghiệp, dây chuyền sản xuất phải dập điện (mỗi lần dập điện để khởi động lại hết 70 triệu đồng - PV). Ngoài ra, nhiều nhà phân phối đã ký hợp đồng, bây giờ chúng tôi không có hàng thì phải đền bù hợp đồng 10%. Nếu tính về giá trị lợi nhuận, tới thời điểm này chúng tôi mất đi khoảng 70 tỷ đồng", vị này nói.
Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều công ty chuyên xuất khẩu nông sản cũng đang "khốn đốn", tìm cách xoay xở.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản ở Bình Thuận cũng phải trì hoãn nhiều kế hoạch do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
"Chúng tôi là đơn vị trồng dưa lưới công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Vì mới thành lập, nên chúng tôi phải tập làm quen, cũng như tìm cách đưa công nghệ này đến gần với bà con. Tuy nhiên, khi đang trong thời gian lên chương trình thực hiện, dịch bệnh bùng phát khiến tất cả phải trì hoãn", vị Giám đốc cho biết.
Tìm phương án xoay xở
Theo nhiều ý kiến nhận định, lợi nhuận của kinh doanh rạp chiếu phim khó có thể bù đắp trong ngắn hạn. Tùy vào quy mô, vị trí, số lượng phòng chiếu, cách thiết kế và công nghệ mà mỗi cụm rạp sẽ có chi phí đầu tư ban đầu khoảng 2-7 triệu USD, thời gian thu hồi vốn từ 3-6 năm, thậm chí lâu hơn.
Do đó, việc đột ngột phải đóng cửa tất cả các rạp ở 2 thành phố lớn (TP.Hà Nội và TP.HCM) dường như là "cú điểm huyệt" đối với những nhà kinh doanh công nghệ chiếu phim.
Theo đại diện của CGV Việt Nam, để giải quyết tình hình trước mắt, công ty đang thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí, đầu tư vào nội dung trên các kênh online của CGV như Youtube, Facebook để giữ mối liên hệ giữa khách hàng xuyên suốt mùa dịch.
"Ngoài những việc trên, chúng tôi sẽ dồn nhân lực nghiên cứu các chương trình và nội dung hấp dẫn nhằm chào đón khán giả quay trở lại sau mùa dịch. Chúng tôi tin rằng với những hành động quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, chúng ta sẽ sớm cùng nhau quay trở lại nhịp sống bình thường", đại diện CGV nói.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết, đang cố gắng tìm những hướng đi mới, để công ty thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng.
"Quả thật đây là lần đầu tiên chúng tôi rơi vào khó khăn như này. Nguyên liệu ở Trung Quốc không thể nhập về, nguồn nguyên liệu tại nhà máy lại không đủ để sản xuất sản phẩm hoàn thiện. Cho nên hiện tại, chúng tôi tập trung vào phương án duy trì hệ thống khách hàng", Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhôm thép ở Bắc Ninh nói.
Vị này cũng "bật mí" thêm, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hệ thống bán lẻ, kể cả những đơn hàng nhỏ. Đồng thời, hạ giá 50% giá trị mặt hàng để "giữ chân" khách hàng qua mùa dịch.
"Phương án của chúng tôi hiện này là bằng mọi cách để tạo mối quan hệ, duy trì quan hệ lâu dài với khách hàng. Trước đây, tôn cuộn chúng tôi bán giá 21.000 đồng/kg, nhưng giờ chúng tôi chỉ bán giá 10.000 - 11.000 đồng/kg để "giữ chân" khách hàng.
Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi vẫn sát cánh cùng họ, thì hết mùa dịch không lý do gì họ lại rời bỏ chúng tôi. Đồng thời, việc thu hàng giá rẻ hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại cũng là một cách đầu tư lãi đậm đối với những khách hàng có tiền mặt như hiện nay".
Tương tự, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, Giám đốc Công ty Eden Farm Nguyễn Văn Đức cho rằng, thời điểm này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp "lên dây cót" tập trung tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.
Dù những kế hoạch đã lên sẵn bị trì hoãn, song công ty không hề xuống tinh thần, trái lại sẽ cố gắng để bứt phá hơn.
"Một điều may mắn, Eden Farm chúng tôi trồng dưa lưới công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nên việc đổ hàng đi các siêu thị hiện nay vẫn diễn ra bình thường. Chỉ là những chương trình lớn bị tạm hoãn.
Hiện tại, thay vì chờ thực hiện các chương trình đã lên sẵn nhưng không thể thực hiện, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bồi dưỡng kiến thức cho bà con nông dân. Tôi tin, một sản phẩm chất lượng sẽ luôn thu hút khách hàng dù ở bất cứ thị trường nào", ông Đức nhấn mạnh.
Bình luận