Mới đây Trung tâm Y tế cộng đồng TP. Osaka (Nhật Bản) đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam vì cho rằng mặt hàng có chứa chất cấm ở nước này.
Cụ thể, 18.168 lọ tương ớt Chin-su của công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm và lỗi ghi nhãn phụ. Hàm lượng axit benzoic có trong tương ớt Chin-su được Nhật công bố vi phạm lần lượt là 0,41g/kg, 0,44g/kg và 0,45g/kg, do Nhật không cho phép sử dụng chất này trong sản phẩm tương ớt. Song cũng trong thông báo trên, chính quyền Osaka khẳng định chất phụ gia trên vẫn an toàn với người sử dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế, hai chất phụ gia này vẫn được phép dùng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Hiện tại, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%), còn axit benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%.
PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội- cho biết đây là hai chất phụ gia được phép sử dụng, và được sử dụng tương đối phổ biến ở Việt Nam để bảo quản thực phẩm như nước ngọt, bánh kẹo, tương ớt... "Cần phải khẳng định rõ chất này không bị cấm ở Việt Nam để tránh gây hoang mang", ông Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần phân biệt rõ hai khái niệm "chất không gây hại" và "chất được phép sử dụng".
"Được phép sử dụng không có nghĩa là được sử dụng thoải mái, sử dụng dưới nồng độ hạn chế, bởi vì nó là chất bảo quản và sẽ có tác hại cho cơ thể. Chất này được sử dụng để hạn chế, ức chế được sự sinh sôi của vi khuẩn trong thực phẩm. Bên cạnh đó, nhờ các chất này nếu như sau quá trình đóng hộp, đóng lọ nếu có hiện tượng vi sinh vật có xâm nhập thì cũng không ăn hỏng thực phẩm", ông Thịnh nói.
Tại Việt Nam, phụ gia thực phẩm axit benzoic được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Theo Masan, tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp này sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.
“Hiện chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan”, Masan cho biết.
Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ, Masan khẳng định chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.
“Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”, Masan khẳng định.
Theo đại diện Masan, hiện nay doanh nghiệp này không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng bị thu hồi. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam vì trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ".
“Theo chúng tôi đánh giá, nhà nhập khẩu, Công ty Javis Co., Ltd. đã bị thiệt hại thu hồi hàng vì đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của Masan hoặc hàng hoá không rõ nguồn gốc và do lỗi ghi nhãn phụ không đầy đủ.
Chúng tôi cũng sẽ có văn bản báo cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước về sự việc và tiến trình giải quyết để có sự hỗ trợ kịp thời”, Masan cho biết.
"Axit benzoic cũng có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin su bị Nhật thu hồi, thì lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế. Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn", bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nói trên VNExpress.
Bình luận