14h ngày 28/7, theo ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo tại nhiều nơi ở Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên tím. Đây là ngưỡng rất xấu, cảnh báo sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, người có mắc bệnh lý hô hấp mãn tính không nên ra ngoài.
Điển hình là các khu vực: Ô Chợ Dừa (AQI là 255), Nguyễn Chế Nghĩa (240), Ba Đình (234), Bà Triệu (230), Kim Liên – Đống Đa (216)…
Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở thủ đô đạt ngưỡng đỏ, gần chuyển sang tím, gồm: Trung Hòa (189), Phạm Văn Đồng (170), Trần Hưng Đạo (163), Hàng Đậu (160) và Nam Từ Liêm (152).
Trang Airvisual xếp hạng Hà Nội vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố trên thế giới tính đến 14h hôm nay với AQI là 163, nồng độ bụi mịn là 88.5 µg/m³. Đơn vị đo tính theo Mỹ.
Lúc 7h47 sáng nay, Hà Nội có chỉ số AQI ở mức 173, ô nhiễm nhất thế giới ở thời điểm đó, xếp trên cả Chile, Trung Quốc và Indonesia...
Chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ra ngoài, nhất là nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia môi trường, bên cạnh nguyên nhân khí thải thì một trong lý do gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là lượng người và phương tiện giao thông tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội.
Ngoài ra, thói quen tập trung đốt rơm rạ, lá khô vào mùa vụ cũng là nguyên nhân khiến chất lượng không khí ở Thủ đô bị giảm xuống.
Bình luận