Ông Trần Văn Liêng từng là người ứng cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính khóa 8 nhưng thất bại trước ông Cấn Văn Nghĩa, bất chấp ông Liêng là một doanh nhân, tham gia ứng cử với một đề án, chiến lược phát triển tài chính rõ ràng và mở ra những cơ hội lớn cho bóng đá nước nhà.
Chia sẻ với VTC News về việc ông Nghĩa từ chức, ông Trần Văn Liêng cho biết: “Đây là cơ hội để VFF sửa sai và VFF phải thành thật. Phải thành thật cho các ứng viên nói rõ những điều họ muốn nói. Nghĩa là họ phải trình bày đề án, chiến lược rõ ràng được chứng minh bằng những con số cụ thể và có sự phản biện từ các chuyên gia, cơ quan truyền thông”.
Cá nhân ông Liêng cũng khẳng định, ông sẽ tham gia ứng cử trở lại bởi ông vẫn tâm huyết với bóng đá Việt Nam cũng như đề án mà ông xây dựng trước đó.
“Tôi chia sẻ rất thật, không ai nghi ngờ về tâm huyết, sự nhiệt tình của ông Đoàn Nguyên Đức nhưng cách làm của ông vẫn là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Ví như việc ông Đức không trả lương cho HLV Park Hang Seo nữa nhưng lại giới thiệu ông Nguyễn Hoài Nam có thể trả lương hoặc vận động các đơn vị khác trả lương thay ông thì vẫn là chuyện VFF phụ thuộc vào một cá nhân. Bản thân ông Đức cũng là một cá nhân nhưng cuối cùng vẫn ra đi trong tiếc nuối.
Nguyên tắc cơ bản của tài chính là tính minh bạch và ổn định chứ không phải việc người có tiền vào làm và bung tiền.
Trở lại với cách làm huy động tài chính từ xã hội của tôi thực sự nó rất dễ dàng, chỉ cần làm thôi chứ không có gì khó khăn cả khi mà thành tích của đội tuyển đang tốt, khí thế bóng đá nước nhà ngày càng lên.
Tôi nhắc lại, đây là cơ hội để VFF sửa sai” – ông Trần Văn Liêng nói.
6 tháng trước, ông Trần Văn Liêng tham gia ứng cửa Phó chủ tịch VFF khóa 8 với đề án xây dựng app nhắn tin ủng hộ các đội tuyển. Ông đã rất kỳ vọng VFF có một cách tiếp cận mới trong khuynh hướng 4.0 rõ ràng.
“Chúng ta không thể nào làm theo cách cũ 20-30 năm trước đây. Vì thế, trong đề án tranh cử chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ của tôi, tôi muốn hàng triệu triệu người cùng tham gia vào bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên, tôi không bỏ qua giới tinh hoa, giới doanh nghiệp, bởi họ rất tốt nhưng tôi vẫn kỳ vọng một cậu học sinh có thể nhịn 1 bữa ăn sáng, nhắn 1 cái tin để gửi 5.000 đồng vào cú đá rất đẹp của Quang Hải. Cái app nào cho phép làm như vậy, chúng ta có dũng cảm làm hay không? Nếu VFF dũng cảm thì 10 năm, 15 năm nữa, tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ có một con đường rất sáng. Đó là kỳ vọng của tôi”, ông Liêng chia sẻ trước Đại hội VFF khóa 8.
Sự thất bại của những doanh nhân như ông Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam), ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam), và ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực) trước một cán bộ về hưu, không có chiến lược, đề án tranh cử gì và đặc biệt, còn đang vướng vào vụ nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất không có khả năng chi trả của Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình, dưới thời ông làm giám đốc như ông Cấn Văn Nghĩa là một bất ngờ. Thậm chí nhiều người còn khẳng định, đó là một thất bại của Đại hội VFF khóa 8.
Thực tế sau đó cho thấy, 6 tháng làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, ông Cấn Văn Nghĩa không mang về cho VFF một bản hợp đồng nào. Bản thân ông không thể chuyên tâm cho công việc tại VFF khi phải xử lý các vấn đề liên quan tới Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình mà Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện.
Cuối cùng, ông Cấn Văn Nghĩa phải đệ đơn xin từ chức và được Thường trực BCH VFF khóa 8 chấp thuận. VFF nhiều khả năng sẽ đại hội bất thường để tìm người thay thế ông Nghĩa trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn tạm thời nắm phần việc của ông Cấn Văn Nghĩa. Ngày 3/7 tới, Ban chấp hành VFF sẽ họp để thống nhất phương án bầu bổ sung Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ.
Bình luận