• Zalo

Chàng trai liệt toàn thân tình nguyện hiến đầu để được sống trên cơ thể người khác

Sức khỏeThứ Tư, 10/08/2016 15:14:00 +07:00Google News

Biết tin bệnh viện Việt Đức nghiên cứu về kế hoạch thực hiện một ca ghép đầu người, chàng thanh niên 28 tuổi, bị liệt toàn thân đã vượt chặng đường dài từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để xin tình nguyện hiến đầu.

Đó là trường hợp của anh Phạm Sỹ Long (ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sáng 10/8, nhờ sự giúp đỡ của nhóm Thiện Từ Tâm ở Hà Tĩnh, anh Long đã có mặt tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi là Trung tâm) để xin được ghép đầu mình vào thân của người chết não khác.

Anh Long cho biết, 12 năm trước, trong một lần trèo cây cùng bạn rồi ngã từ trên cao xuống đất, anh bị chấn thương đốt sống cổ và bị liệt hoàn toàn.

Mới đây, khi đọc được thông tin ca ghép đầu đầu tiên trên thế giới sẽ được thực hiện vào năm 2017 và Việt Nam đang lên kế hoạch học hỏi, áp dụng nếu kỹ thuật này thực hiện thành công, anh Long đã viết tâm thư và nay đã đến tận Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để trình bày nguyện vọng được hiến đầu cho y học.

13950909_1392896364058177_556060611_o

GS.TS Trịnh Hồng Sơn và các cán bộ của Trung tâm điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người chụp ảnh cùng anh Phạm Sỹ Long 

Về trường hợp của anh Long, đại diện Trung tâm cho biết do vấn đề kỹ thuật ghép đầu người chưa được thực hiện trên thế giới và cũng chưa biết có thành công hay không. Trong khi đó, ở nước ta số trường hợp chết não hiến mô, tạng để cứu sống người khác còn chưa nhiều, hiện cũng chưa có trường hợp nào đăng ký hiến thân nếu ca ghép đầu được thực hiện.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ: "Trung tâm rất đồng cảm với ý nguyện của anh Long, nhưng hiện nay ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới cũng chưa được thực hiện. Nếu sau này thế giới ghép được thì Việt Nam chúng ta sẵn sàng học tập, chuyển giao công nghệ để có thể thực hiện các ca ghép trong tương lai, mang lại cơ hội cứu sống tận cùng cho người bệnh".

"Ở trường hợp của anh Long, chúng ta phải hiểu cho đúng vấn đề, chúng tôi rất hiểu rằng anh muốn hiến đầu để cống hiến cho y học, nhưng trên thực tế, một người bị liệt nhưng cái đầu còn tỉnh táo, khi đầu được ghép vào một thân thể khác thì người 'hiến đầu' thực ra lại người được nhận, ở đây là nhận thân thể, chứ không phải là người hiến.

Và trong trường hợp này, gọi là ghép thân người thì đúng hơn. Chính vì sự hiểu lầm này có thể làm thay đổi bản chất câu chuyện, dù rằng mục đích tốt là muốn giúp người bệnh khiến người bệnh đầy hy vọng mà chưa thực hiện được", ông Phúc giải thích.

Video: 7 người Việt Nam tình nguyện ghép đầu

Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn