Chàng trai chuyên ‘chữa bệnh’ cho tư liệu Hán Nôm cổ

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 16/02/2021 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

Dù là người trẻ nhưng chàng trai 8X Bùi Tiến Phúc đã có hơn 10 năm nghiên cứu, trở thành “bác sĩ sách” phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ.

Hán Nôm Đường đầu tiên tại Việt Nam

Bùi Tiến Phúc, chàng trai 31 tuổi đến từ Quận 12, TP.HCM được biết đến là người thành lập Hán Nôm Đường đầu tiên ở Việt Nam. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn gọi anh với nickname là “bác sĩ sách” bởi công việc của anh là “cứu, chữa” những tư liệu quý, sách cổ, văn bia viết bằng chữ Hán Nôm đã cũ, hỏng, nát… phục dựng lại nguyên bản. Việc làm giúp ích rất nhiều cho công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, quý giá của Việt Nam qua các tư liệu cổ.

Chàng trai chuyên ‘chữa bệnh’ cho tư liệu Hán Nôm cổ - 1

Một tấm bia được sao in nguyên bản trên giấy dó.

Vốn là sinh viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), trong khoảng thời gian còn ngồi trên giảng đường Tiến Phúc đã được đi thực tế các ngôi đền, ngôi chùa cổ xưa, khiến tình yêu Hán Nôm và văn tự cổ thấm dần trong anh. Việc đọc được cổ văn, hiểu được nội dung khiến anh càng quý những giá trị của chúng mà từ đó muốn gắn bó lâu dài với nghề “cứu sách”.

Tiến Phúc cho biết, anh đến với Hán Nôm vì đam mê nghiên cứu ngôn ngữ. Những ngày đầu đi học anh khá tủi thân bởi ngành học kén người, ít sự quan tâm. Ở trường sinh viên đông nhưng với bộ môn của mình, anh luôn thấy lẻ loi mỗi khi nhắc đến chuyên môn. Nhiều lúc anh cũng thấy buồn vì rất nhiều ý kiến cho rằng ngành học không có tương lai, khó xin việc. Nhưng càng nghiên cứu anh lại càng say mê.

Nhiều lúc nản vì một mình, lẻ loi nhưng nhờ những ngày dài vùi mình trong thư viện, phòng nghiên cứu ngôn ngữ ở đại học, tôi đã tìm được thế giới mình yêu thích, dù đôi lần nhìn đi ngoảnh lại, vùng đất đó thật vắng những người có thể đồng hành cùng tôi”, Phúc chia sẻ.

Sau khi ra trường, Tiến Phúc được Thư viện Huệ Quang - nơi lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc mời làm việc, đào tạo trong công việc sưu tầm tài liệu Phật giáo viết bằng chữ Hán Nôm. Cộng tác, đồng hành cùng thư viện một thời gian anh nhận ra ở Việt Nam chưa có ngành tu bổ sách, những gì anh học được đều dựa trên kinh nghiệm của người đi trước, anh muốn học một cách bài bản để làm tốt hơn. Năm 2014, Phúc quyết định xin học bổng làm Nghiên cứu sinh tại Đài Loan ngành Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa.

Tháng 12 năm ngoái, Tiến Phúc về nước để hiện thực hóa ước mơ trở thành một “bác sĩ sách” chuyên nghiệp. Anh xem mình là người thầy thuốc, chuyên "chữa bệnh" cho sách, chẩn đoán tình trạng bệnh, giải mã xem tình trạng bên trong tư liệu rồi bắt đầu chữa những "vết thương".

Hán Nôm Đường ra đời, anh đã phục dựng hàng trăm tư liệu Hán Nôm quý, phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn văn hóa và học thuật Việt Nam. Anh còn tư vấn cách chăm sóc, bảo quản cho chủ nhân những cuốn sách trăm tuổi.

Anh Phúc cho biết, công đoạn khó nhất là phải đưa tác phẩm về đúng nguyên trạng ban đầu. Có những bức tranh bị rách, gấp khúc, chủ cũ dùng băng keo dán lại, anh phải mất công sức nhiên cứu cách phục dựng và mất rất nhiều thời gian để chạy chữa, phục chế lại nguyên gốc một cách tỉ mỉ, khoa học. 

Chàng trai chuyên ‘chữa bệnh’ cho tư liệu Hán Nôm cổ - 2

Một tấm bia phiên bản trên giấy hoàn chỉnh với kích cỡ, tỷ lệ y như thật.

Hán Nôm giúp se duyên

Nhờ đến với Hán Nôm mà Tiến Phúc nên duyên với vợ anh - chị Trần Bội Tuyền, người Đài Loan. Chính tình yêu với những tư liệu cổ đã thôi thúc anh và vợ trở lại quê nhà Việt Nam thành lập nên Hán Nôm Đường để tiếp tục công việc “viết tiếp” cuộc đời cho những trang giấy cũ.

Anh tâm sự: “Hán Nôm đã kết nối hai con người, mang hai dòng máu nhưng chung một tình yêu tư liệu cổ, nó đã khiến tôi không còn cô độc trong hành trình dài này nữa. Điều tôi mong muốn là tương lai sẽ có nhiều bạn trẻ biết và theo học nghề này. Tuy nhiên ngoài tính cẩn thận, tỉ mỉ và một chút khéo tay, thì cần các bạn trẻ có niềm đam mê và yêu di sản”.

Dù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, áp lực và còn rất mới ở Việt Nam, nhưng bằng niềm đam mê học thuật, cống hiến cho nền văn hóa nước nhà, Phúc cùng vợ động viên nhau nỗ lực hết mình xây dựng Hán Nôm Đường, để ngày càng có nhiều tư liệu Hán Nôm cổ, sách quý được “sống lại".  

Chàng trai chuyên ‘chữa bệnh’ cho tư liệu Hán Nôm cổ - 3

Anh Phúc cùng vợ Trần Bội Tuyền đang dán keo để bồi giấy dó bảo quản cho tư liệu. Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng đường quét keo.

Tiếng lành đồn xa, anh đã được Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời hợp tác mở lớp hướng dẫn tu bổ phục hồi tranh thủy mặc. Ngoài sách, Tiến Phúc còn tu bổ tranh giấy, tranh lụa cổ, phục dựng bia cổ trên giấy... 

Trong tương lai, Bùi Tiến Phúc sẽ phát triển Hán Nôm Đường thành “bệnh viện sách” và truyền nghề cho những người có đam mê với công việc này.

Nhìn những cuốn sách Hán Nôm cổ như một “kho báu” đã bị thời gian làm cho hoen cũ, Tiến Phúc càng hiểu được giá trị văn hóa xưa mà cha ông để lại cần được gìn giữ và bảo tồn cho đời sau.

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn