Từ ngày 21-25/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), triển lãm tranh nghệ thuật mang tên “Phố” với hơn 50 bức tranh vẽ phố ấn tượng.
Đó là 50 câu chuyện tình yêu, đam mê mang tên phố của họa sỹ trẻ Nguyễn Anh Minh, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa dành cho những người trẻ về cách nhìn lạc quan với mọi biến đổi trong cuộc sống.
Thông điệp “Phố” của họa sỹ 8x
Không khó để nhận ra “Phố” là một đề tài khá quen thuộc trong hội họa, âm nhạc. Và chính họa sĩ Nguyễn Anh Minh cũng thừa nhận “Phố” gắn liền với những tên tuổi đã thành danh như họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Bình Chương…
Sự khác biệt trong “Phố” của Nguyễn Minh nổi bật ở tư duy, góc nhìn của một người trẻ thuộc thế hệ 8X: Khác biệt ở cách tạo hình, màu sắc. Và, mỗi bức tranh ẩn chứa một câu chuyện riêng biệt. Đó là câu chuyện của tuổi thơ, mà bất kỳ ai khi thực sự để lòng mình quyện hòa cùng sắc màu, đường nét ấy đều có thể tìm thấy những duyên cớ gợi về nơi họ đã đi qua, đã gắn bó, trưởng thành và yêu mến.
Cơn lốc đô thị hóa khiến mọi không gian sống biến đổi chóng mặt. “Phố”của Nguyễn Anh Minh cũng gợi ra câu chuyện về sự biến đổi ấy, song không khai thác sâu và nặng nề những gì được/ mất trong đó, mà toát lên tinh thần lạc quan, với thông điệp: Mỗi người cần học cách đón nhận mọi sự thay đổi xung quanh, mọi biến động của cuộc đời mình bằng sự an nhiên trong tâm hồn.
Năm 2013, khi đang còn là học viên năm cuối của lớp cao học trường Mĩ thuật Việt Nam, khi Nguyễn Anh Minh ngồi uống nước bên đường Khuất Duy Tiến, nhìn qua gầm cầu của tuyến đường trên cao - anh nhận ra “sự thoi thóp” của những ngôi nhà đang bị phá dỡ, đền bù để thay thế vào đó là cây cầu mới, con đường mới.
“Một cảm giác chơi vơi đến tiếc nuối ập đến. Nhưng ngay lập tức tôi cũng nhận ra vẻ đẹp của các mảng miếng giữa các má cầu, chân cầu, tôi nhận ra sự thú vị bởi sự nhấp nhô của mái ngói đang chuẩn bị mất đi và khoảng sáng bầu trời phía trên những mái nhà đó. Một vẻ đẹp lãng mạn trong quy luật thay đổi tất yếu có tính thời sự nhưng lại trữ tình", họa sĩ Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Và anh đã khái quát những câu chuyện về phố về làng, về cây, về những hình tượng trong tranh của mình - khái quát cả trong cách tạo hình, pha trộn giữa đồ họa và hội họa, đôi khi kiệm màu, đôi khi lại điểm sắc với sự tung tẩy - tùy theo cảm xúc, tùy theo từng câu chuyện của phố, của làng, của tuổi thơ.
Ấn tượng “Phố" của Nguyễn Minh trong các họa sĩ lão làng
Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: "Phố của Nguyễn Minh là một giai điệu của lô xô, nhấp nhô, cao thấp, ngắn dài, to nhỏ của những hình cơ bản, những kỷ hà, vuông, tam giác, hình thang cân, lệch, chữ nhật đứng, nằm… Những nhà ấy, những mái ấy, tường ấy, ô cửa ấy chồng lấn, chen chúc, sau trước, phải trái, bao bọc, ôm ấp, đan cài, nấp vào nhau, nép bên nhau, ẩn vào nhau, đồng hiện với nhau, chia sẻ cùng nhau, nương tựa bên nhau”.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, triển lãm "Phố” của Nguyễn Anh Minh gợi đến một bố cục nhà - phố - ngõ, và cấu trúc lại những phố, những đường, những ngõ ngách đã quen mắt thành một kiểu phố khác, lạ mắt hơn. Bố cục khúc chiết chính phụ, tương phản rõ, lệch phải trái hoặc trên dưới, tương phản của những mảng phố dày đặc và những khoảng trống lớn, tương phản của những cột điện bơ vơ, vươn dài đã tạo ra hiệu quả thẩm mỹ khác biệt.
“Các gương mặt phố ấy của Minh có lẽ vừa đủ đẹp mà vẫn vừa đủ chừa lại một khoảng duyên dáng để tưởng tượng và mơ mộng nên phố Minh đều không có người nhưng vẫn thấy thấp thoáng những gương mặt người, thân phận người đâu đó ẩn hiện trong thân phận phố, hình hài phố ấy”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.
Cùng có mặt tại buổi khai mạc của triển lãm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Nguyễn Minh đã tạo ra một tinh thần phố của những giấc mơ về phố. Đó là sự thanh bình và sự hòa đồng giữa kiến trúc, thiên nhiên và tinh thần con người. Những mảng màu trong, sáng, nhẹ và nhiều mơ hồ đã phá đi kết cấu cứng của bê tông và tính “ logic toán học” của kiến trúc đô thị cùng với những vòm cây nhiều cảm xúc. Nền tảng của sáng tạo này bắt nguồn từ ý thức và cảm quan của Nguyễn Minh về phố”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong ý thức và cảm quan đó của họa sĩ Nguyễn Anh Minh là sự ám ảnh của thiên nhiên và đời sống làng quê Việt truyền thống, khi mà Nguyễn Anh Minh là một họa sỹ trẻ sinh ra và lớn nên trong thời đại công nghiệp và đô thị hóa nhưng “giọng nói” và “hơi thở” của làng quê Việt luôn dội vào tâm hồn anh.
Mặc dầu luyến tiếc quá khứ, chứng kiến những đổi thay chóng mặt là tâm trạng của nhiều người trong đó có cả họa sĩ trẻ Nguyễn Anh Minh.Tuy nhiên, Nguyễn Anh Minh lại không muốn thể hiện điều đó trong các tác phẩm của mình, mà ngược lại, anh gửi gắm thông điệp về một cách nhìn lạc quan hơn đối với sự biến đổi tất yếu ấy: Một phố làng có đan xen mới - cũ, truyền thống - hiện đại, trữ tình và rất lãng mạn.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, với triển lãm này, "họa sĩ Nguyễn Anh Minh đã bày tỏ sự điềm tĩnh và lạc quan của thế hệ mình khi đối diện trước những đổ vỡ tất yếu của quan niệm cũ về truyền thống và hiện đại, thực và ảo, khác hay mới cùng với trục thời gian thản nhiên đi xuyên qua thực tại mà chẳng đợi bất kỳ ai".
Bình luận