Hôm nay 30/1/2020, kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Liên Xô-Nga.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động, sáng tạo, thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam, tăng cường đoàn kết và hợp tác trên cơ sở bình đẳng với các nước trong đồng minh, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các nước thuộc địa.
Trong các năm 1947, 1948, Chính phủ Việt Nam DCCH đã vận động thành lập được cơ quan đại diện tại Thái Lan và Myanmar, mở các văn phòng thông tin (Vietnam News Service) tại nhiều quốc gia châu Á cũng như phương Tây.
Chính phủ Việt Nam DCCH ngay từ những ngày đầu đã chú trọng đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao Liên Xô. Theo nhà sử học Nga A.A.Sokolov, cuộc gặp đầu tiên giữa đại diện 2 nước được diễn ra vào ngày 9/9/1947, giữa đại sứ Liên Xô tại Thụy Sĩ A.G.Kulazhenkov và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thành viên Chính phủ Việt Nam.
Năm 1948 và 1949, đã diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc giữa phái viên Chính phủ Việt Nam DCCH Lê Đức Quỳ và Trưởng Đại diện cơ quan ngoại giao Liên Xô tại Thái Lan S.S.Nemchina, tùy viên I.G.Usachev. Trong năm 1949, phía Liên Xô đã gửi cho Chính phủ Việt Nam nhiều tài liệu, văn hóa phẩm (sách, phim, máy chiếu phim…) phục vụ cho công tác học tập và tuyên truyền.
Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Chính phủ các nước trên thế giới, có đoạn:
"Trải qua mấy năm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân toàn thế giới đồng tình, ủng hộ. Chính phủ Việt Nam DCCH tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam DCCH là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”.
Theo ông S.S.Nemchina, ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã cử đại diện đến trao cho Cơ quan ngoại giao Liên Xô tại Bangkok bản Tuyên bố quan trọng này vào ngày 19/1 và yêu cầu chuyển gấp về Matxcơva. Có thể nói mối liên hệ giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Liên Xô đã được thông suốt từ đây.
Ngày 23/1/1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ.
Ngày 30/1/1950, Liên Xô chính thức công nhận nước Việt Nam DCCH.
Tiếp theo Liên Xô, một loạt nước như Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Rumani, Ba Lan, Hungari, Bungari…cũng đã công nhận nước ta.
Cũng đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô. Trong chuyến đi này, nước bạn Liên Xô đã hiểu thêm về tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và đồng ý chi viện cho Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chiến thắng ngoại giao năm 1950 đã chấm dứt tình trạng Việt Nam chiến đấu trong vòng vây và đánh dấu bước chuyển mới, đưa cuộc kháng chiến của ta vào giai đoạn Tổng phản công.
Ngày 10/3/1952, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Lương Bằng đã trình Quốc thư lên Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô N.M.Shvernik.
Ngày 4/11/1954, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô A.A.Lavrishev đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô-Nga, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 29/1 đã nói:
"Chúng ta đã bên nhau trong những năm tháng khó khăn của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do, chống lại quân xâm lược ngoại bang và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Quan hệ giữa Matxcơva và Hà Nội đã trải qua thử thách, được củng cố và tăng cường, có tính chất toàn diện và đặc biệt".
Bình luận