• Zalo

Chặng đường dài của ca sĩ chuyển giới BB Phụng

Văn hóa - Giải trí Thứ Năm, 29/12/2011 07:07:00 +07:00Google News

BB Phụng không là cái tên xa lạ trong làng giải trí Việt. Nhiều năm trước, khi còn lấy nghệ danh Y Phụng, BB Phụng đã tạo được tiếng vang.

BB Phụng không là cái tên xa lạ trong làng giải trí Việt. Nhiều năm trước, khi còn lấy nghệ danh Y Phụng, BB Phụng đã tạo được tiếng vang. BB Phụng cũng không phải là ca sĩ chuyển giới đầu tiên của làng giải trí, đã có Ái Xuân, Cindy Thái Tài…

Nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi thân phận là một câu chuyện khác nhau. Đặc biệt là với những người như BB Phụng. Hành trình để đi tìm lại chính mình không đơn giản chỉ là hãy cứ đi rồi sẽ đến.

1. Tháng Chạp, dễ xao xác lòng người. Có lẽ vì vậy, mà câu chuyện giữa tôi và BB Phụng gần gũi hơn là buổi trao đổi giữa nhà báo và nhân vật. BB Phụng dáng người cao, hình thể rất chuẩn, mặc áo sơ mi đen, quần jeans xanh, đi giầy cao gót, đeo kính mát bản to. Khuôn mặt được trang điểm cẩn thận, mái tóc được chăm chút cầu kỳ…

Nữ ca sĩ BB Phụng 

BB Phụng vừa kết thúc live show đầu tiên của chị ở sân khấu 126  với tên gọi "15 năm - một chặng đường". Live show tạo được tiếng vang lớn, thấy chị có vẻ vui mừng lẫn phấn khích. Sau live show, chị phải đi miền Tây giải quyết công việc. Khuya về lại Sài Gòn, thì trong ngày đấy đã ngồi với tôi.

Phụng dân Sài Gòn gốc, nhà ở ngay quận 1, là con út trong gia đình có 10 anh chị em. Bố Phụng có cái gara ôtô, nên đời sống kinh tế tương đối dư giả.

Phụng kể, cả nhà cưng Phụng như cưng trứng mỏng. Phụng muốn gì được nấy. Hỏi Phụng là, năm bao nhiêu tuổi, Phụng bắt đầu nhận ra giới tính thật của mình. Phụng trả lời, Phụng không để ý đến chuyện đó đâu. Bởi lẽ, mọi thứ diễn tiến theo đúng nguyên tắc của tự nhiên. Mà ngày trước, mẹ Phụng thương Phụng, nên mỗi lần bà may hay sắm cho mình cái áo mới, bao giờ cũng kiếm cho Phụng một cái áo y chang vậy.

Chuyện này cũng lạ, bởi trước khi gặp BB Phụng, tôi đã ngồi với rất nhiều người chuyển giới khác. Người nào cũng có một tuổi thơ buồn chán và khép kín.

Thế nên, chuyện giới tính Phụng không quan tâm là điều may mắn của Phụng. Phụng chơi với bạn bè trong khu phố cũng vậy, hoàn toàn không có sự nghi kị, cũng chẳng có gì là xa cách.

"Không lẽ, khi Phụng đi học, bạn bè Phụng không cảm thấy khác lạ đối với Phụng?", tôi hỏi. "Khác lạ gì đâu, Phụng là con gái mà. Từ nhỏ, Phụng đã là con gái rồi. Còn cái chuyện con gái trong một cơ thể con trai, thì có gì quan trọng đâu", Phụng đáp.

Phụng học đến năm lớp 10 thì nghỉ hẳn. Phụng nghỉ học chỉ đơn giản là bởi, tự dưng Phụng thích kiếm tiền. Tôi nhớ, có lần ca sĩ chuyển giới Cindy Thái Tài nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng, tạo hóa bất công với những người như Cindy Thái Tài, nên bù lại, tạo hóa cho họ khả năng kiếm tiền rất tốt. Mang chuyện này ra hỏi Phụng, Phụng cười cười gật đầu thay cho lời đáp.

Phụng nghỉ học, đi phụ ở một tiệm làm tóc, kiểu vừa học nghề vừa làm kiếm thêm. Vậy mà, khách hàng của Phụng lại rất đông. Phụng khéo tay hồi nào chính Phụng cũng không biết đến.

Như khi Phụng đi bưng bê ở quán ăn. Cứ đi ra đi vô khu chế biến thức ăn, để ý đầu bếp chính pha chế một chút. Đến khi bếp chính đùng đùng xin nghỉ làm, bà chủ năn nỉ đến khản giọng, bếp chính vẫn một mực giữ nguyên ý định. Ai cũng hiểu, đầu bếp chính quan trọng với một quán ăn đến mức nào. Bà chủ tâm sự với Phụng về sự băn khoăn này, Phụng đề nghị: "Hay cô để con thử coi sao!". Và, Phụng đã làm rất tốt. Quán vẫn không mất khách, Phụng có thêm nghề mới.

Hình như với những người như Phụng, chuyện nữ công gia chánh như may vá, thêu thùa, nấu ăn, vấn tóc… là những chuyện thuộc về thiên bẩm. Thấy ai làm cũng tốt.

Năm gần hai mươi tuổi, Phụng rời Sài Gòn, theo đoàn hát.

2. Đoàn hát của Phụng là đoàn tạp kỹ, chuyên dựng bạt ở những bãi đất trống biểu diễn ca nhạc miễn phí có kèm theo vài trò chơi trúng thưởng. Có nơi, gọi những đoàn hát ấy là hội chợ lôtô, một hình thức giải trí rất phổ biến tại miền Nam.

Ở đoàn, Phụng mới bắt đầu cảm nhận được sự tủi phận của những người trót sinh ra kiếp "phận liễu mình tùng". Phụng nhỏ tuổi hơn, nên Phụng gọi những người giống mình là chị.

Phụng kể, có chị khi bị gia đình phát hiện chuyện chỉ mê đàn ông, không mê phụ nữ, bố chị giận đánh chị nhiều đến mức bấn loạn. Thấy những trận đòn không làm chị tỉnh người, ông nghi chị bị ma ám nên mời thầy pháp về trục ma. Thầy pháp trục ma theo cách quái đản, trói ngược hai chân chị treo lủng lẳng ở cành cây trước nhà và… đánh.

Hàng xóm thương chị, lén cắt dây. Chị bỏ trốn theo đoàn hát, xin làm chân bán vé lôtô mỗi đêm để kiếm tiền sinh sống.

Một chị khác, gia đình cấm cửa khi biết chị là dân đồng tính. Chị về với đoàn hát như là cùng đường kiếm tìm hy vọng. Chị chi tiêu dè sẻn, có được đồng nào là chắt chiu đồng ấy, để rồi khi có được kha khá tiền, chị nhờ Phụng mang về gửi cho mẹ chị uống thuốc. Chị không dám về căn nhà của mình nữa, chị sợ ba mẹ chị đau lòng, sợ hàng xóm đàm tiếu, sợ cả những tủi hổ của thân phận mình…

 

Trở lại chuyện của Phụng. Phụng theo đoàn hát ít lâu, thì được lên kép chính. Mỗi đoàn hát bao giờ cũng cần một kép chính, người có thể níu khán giả lại cho đoàn. Phụng được bầu show của đoàn cưng đến mức, bố trí phòng cho Phụng ở riêng, có người nấu ăn riêng…

Phụng đi suốt, đi từ miền Tây cho đến cao nguyên, từ miền Nam ngược xuôi ra miền Trung. Đi biền biệt, một hai năm mới về nhà một lần. Về lần nào, mẹ Phụng cũng ôm chầm lấy Phụng khóc nức nở. Thời đó, lấy đâu ra cái điện thoại di động để liên lạc hỏi thăm.

Duy có lần, Phụng theo đoàn diễn ở thành phố Đà Nẵng, Phụng có mời mẹ Phụng ra nghe Phụng hát. Đó là lần duy nhất người đàn bà ấy thấy con mình biểu diễn trên sân khấu. Để rồi vài tháng sau, khi Phụng đang diễn ở Huế thì nhận được tin mẹ mất.

Phụng nói là thời điểm ấy, Phụng đã mua được điện thoại di động. Nhưng sóng chập chờn, lúc có lúc không. 4 giờ sáng, điện thoại đổ chuông báo có cuộc gọi, màn hình hiện lên số điện thoại nhà của Phụng. Phụng đã lo sợ… Sóng yếu, nghe câu được câu mất, Phụng chân không chạy tất tả ra một quãng xa mới nghe được chị mình nói "Phụng ơi, má mất rồi". Có nỗi buồn lặng theo cỏ ướt dưới chân. Phụng về Sài Gòn, mẹ Phụng đã nằm trong áo quan, nhưng chưa đậy nắp. Bà muốn được nhìn thấy Phụng lần cuối, dẫu chỉ là cảm nhận trong tâm linh.

"Rồi khi nào thì Phụng đi tìm lại chính mình?", tôi hỏi. "Phụng nhớ là khoảng năm 1998", Phụng trả lời.

Những người trong giới của Phụng đồn rằng, ở Thái Lan y học của họ tiên tiến có thể giải phẫu để đàn ông thành phụ nữ. Phụng dò hỏi thông tin, rồi quyết định sang Thái.

Nữ ca sĩ chuyển giới Ái Xuân làm hướng dẫn viên cho Phụng. Trước đó, Ái Xuân đã một mình lặn lội sang Thái để đi tìm lại chính mình. Đi cùng Phụng và Ái Xuân, còn có một người khác.

Không ai trong số họ biết tiếng Thái hoặc tiếng Anh, mà Băng Cốc thì mênh mông lắm. Ái Xuân cũng chỉ biết đến Băng Cốc, lấy phòng khách sạn và dắt Phụng cùng chị bạn kia đến bệnh viện.

Đầu tiên là tiêm hoóc-môn, rồi mới bắt đầu giải phẫu. Bác sĩ không gây mê, chỉ gây tê. Phụng cảm nhận được da thịt mình bị xé, tách rời theo từng đường dao phẫu thuật. Mổ xẻ da thịt nào mà không đau đớn, nhưng hy vọng vào một ngày được làm phụ nữ đủ sức để át đi những đớn đau đó.

Tuy nhiên, như vậy đã hết đâu. Phụng kể rằng, không phải ai cũng may mắn như Phụng. Có những người sau khi chuyển giới, đã mất đi hoàn toàn ham muốn chăn gối. Họ sống như cây cỏ, họ bức xúc, họ ức chế, họ biến thành con người khác. Đây chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với người quyết định nhờ đến phẫu thuật để chuyển giới.

Ít nhiều bạn bè của Phụng lâm vào bi kịch đó. Họ nói với Phụng thương lắm, họ bảo, chỉ cần cho họ lại cảm giác ham muốn một ngày thôi, rồi họ chết cũng được. Nhưng, ước mơ nào không để lại những nuối tiếc. Bởi khi không thể làm được việc gì đó, thì người ta mới cần đến sự viện trợ của điều ước.

Tôi không biết lần đầu tiên trong phòng tắm, sau khi vết thương đã lành lặn, với một cơ thể đã là phụ nữ hoàn toàn, Phụng sẽ như thế nào. Phụng mỉm cười, rất mãn nguyện. Phụng nói, cứ như trong giấc mơ, hạnh phúc không thể nào kể xiết.

Với những vị bác sĩ đã giúp những người như Phụng chuyển giới, họ trở thành ân nhân lớn nhất của cuộc đời. Họ như là người tái sinh cho Phụng thêm một lần nữa. Mọi thứ, không chỉ đơn thuần là bỏ tiền ra phẫu thuật rồi thôi.

3. Chúng tôi bắt đầu nói với nhau về tình yêu đầu đời của Phụng. Phụng còn nhớ tên của người đàn ông ấy, nhưng thôi, nhắc tên để làm gì khi mà có khả năng anh đã có vợ, có con. Người đàn ông ở Kênh Cùng, thành phố Cần Thơ.

Lần đó, Phụng diễn ở Cần Thơ. Khi Phụng đang trình diễn, anh ấy lên tặng hoa. Sau buổi diễn, anh mời Phụng đi ăn. Chuyện thương yêu diễn ra chỉ đơn giản có vậy.

Phụng, một khi đã yêu là yêu đến cuồng nhiệt. Yêu đến mức không biết mình là ai, yêu bao nhiêu thì ghen cũng khủng khiếp bấy nhiêu. Người đàn ông ấy cũng yêu Phụng. Yêu đến độ, xách va ly, bỏ nhà theo Phụng. Phụng diễn ở đâu, là có mặt anh ở đó.

Yêu được gần hai năm thì mẹ anh tìm đến đoàn. Hôm đó, Phụng cùng anh đi chơi ở Rạch Giá (Kiên Giang). Bà tâm sự với một người chị cùng đoàn của Phụng là, con trai bà đã hứa hôn ở quê. Họ hàng hai bên đã giáp mặt nhau tính chuyện cưới xin, giờ anh bỏ nhà theo Phụng, họ không biết ăn nói với bên đàng gái ra sao.

Phụng nghe chị cùng đoàn kể lại. Phụng hiểu là Phụng nên làm gì. Thật ra, khi mới yêu anh, Phụng đã nghĩ đến điều này. Nhưng, nghĩ là một chuyện, đề nghị chia tay lại là chuyện khác. Có ai buộc lòng phải chia tay người yêu mà không đau đớn.

 Phụng nói với anh, thôi anh về nhà đi. Em theo đoàn đi diễn chỗ này chỗ kia hoài, mà anh đi theo, không tiện. Ngày người đàn ông rời đoàn về quê, Phụng buồn mất ngủ quên ăn. Lúc nào, hình ảnh của anh cũng hiển hiện trong Phụng. Phụng nhớ đến cồn cào, Phụng muốn gặp anh đến mức quỵ ngã. Dẫu vậy, Phụng biết anh cần có một mái ấm thực sự. Phụng, không thể cho anh điều đơn giản ấy.

Sau này, Phụng có yêu một người nữa. Người ấy là con trai độc trong nhà, yêu cũng nhiều năm. Như một kịch bản được lặp lại, Phụng là người chủ động chia tay. Để rồi đến nay đã chia tay được ba năm, nhưng đến ngày giỗ của ba má Phụng, anh vẫn cặm cụi chạy xe từ Tiền Giang lên Sài Gòn, thắp cho ba má Phụng một nén nhang, để gặp Phụng nói những lời thăm hỏi.

Phụng tâm sự rằng, Phụng chưa một lần đặt chân đến nhà của người yêu. Đơn giản thôi, Phụng biết là người yêu Phụng chấp nhận Phụng không có nghĩa là gia đình người yêu của Phụng cũng thương Phụng. Và Phụng không muốn họ phải khó xử.

Hỏi Phụng, giờ Phụng có yêu ai không (!?). Phụng trả lời, giờ Phụng chỉ đi hát thôi, không nghĩ gì đến tình cảm nữa.

Có khi, đổ vỡ hai lần đã khiến Phụng không còn nghĩ nhiều đến cái hạnh phúc mà mình luôn luôn khát khao.

Ca sĩ Hoàng Đăng Khoa, người giúp Phụng rất nhiều trong việc ca hát, nói với tôi rằng, anh muốn xây dựng hình tượng của Phụng là một ca sĩ thực thụ, hút khán giả bằng giọng hát. Chứ anh không muốn, khi Phụng xuất hiện trên sân khấu, Phụng chỉ gây tò mò cho khán giản vì Phụng là ca sĩ chuyển giới.

Tôi có nói với Hoàng Đăng Khoa rằng, đôi khi cảm giác của anh vậy thôi. Vì tôi đã nghe Phụng hát, Phụng hát rất hay. Hơn nữa, chỉ riêng việc đủ sức cho chặng đường đi tìm lại chính mình, BB Phụng đã tạo được thiện cảm trong lòng người hâm mộ.

Cuộc đời, lắm lúc như trò đổ xúc xắc. May mắn thì đạt được số điểm cao. Xui rủi, thì ngậm ngùi với số điểm thấp.

Mấy ai đủ sức để đổ lại một ván xúc xắc như BB Phụng (?!). Dẫu, nụ cười của chị thấp thoáng có nỗi buồn

Ngô Nguyệt Hữu/ANTG

Bình luận
vtcnews.vn