(VTC News) - Đã từ lâu, World Cup trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu dành cho người hâm mộ mỗi khi hè đến vào các năm chẵn.
World Cup không chỉ là giấc mơ của những cầu thủ, những ngôi sao bậc nhất thế giới mà nó còn là niềm ao ước của đông đảo người hâm mộ trên toàn cầu. Phải đến 4 năm, những đệ tử của môn túc cầu giáo mới được ăn bóng đá, ngủ bóng đá suốt 1 tháng ròng. Đặc biệt họ còn được xem những đội tuyển, những đội bóng được coi là hiện thân cho một đất nước, một dân tộc thi đấu - điều mà những anh lính đi đánh thuê ở Champions League không tài nào có được.
World Cup 2014 không được người Việt Nam đón chờ |
Nằm trong trào lưu ấy, xã hội Việt Nam cũng "nghiêng ngả" vì World Cup. Rất nhiều công việc thường nhật bị đình đốn lại vì ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Những đứa con được phép ngủ muộn hơn một chút. Những ông chồng được thoải mái tụ tập cùng chiến hữu. Những nhân viên cũng được dịp mắt nhắm mắt mở đi làm mà chẳng sợ sếp la mắng.
Đến ngay như V-League, giải đấu số 1 của nước ta cũng phải nghe ngóng World Cup để mà đá. Thường thì cứ vào thời gian tổ chức vòng chung kết bóng đá thế giới, Ban tổ chức sẽ cho các cầu thủ nghỉ, vừa là để tận hưởng niềm vui 4 năm/lần, vừa là để "tránh nhiệt", mất khán giả. Rõ ràng là bởi, so với bữa tiệc thịnh soạn ở World Cup thì V-League chẳng thấm vào đâu để mà kéo khán giả tới sân.
Nhưng tất cả những "xô đẩy", chao đảo tưởng chừng rất riêng, rất đặc biệt mỗi khi World Cup khởi tranh ấy lại không diễn ra, hoặc diễn ra một cách thầm lặng vào năm nay. World Cup 2014 vẫn được FIFA dự đoán là có tới 1 tỷ người theo dõi trận chung kết, nhưng có lẽ 1 tỷ người ấy nằm ở đâu đó, chứ không phải nằm ở Việt Nam.
Những quán trà đá, những quán cafe - nơi tập trung của rất nhiều "HLV nghiệp dư" chẳng rộn ràng gì với cái ngày World Cup khởi tranh. Cũng như khai mạc SEA Games 27 một năm về trước, có vẻ như người hâm mộ Việt Nam đang dần thờ ơ với những sự kiện thể thao lớn của thế giới.
Vì sao lại có hiện tượng này? Trong khi cả toàn cầu đang sốt lên từng giờ chờ ngày World Cup khai mạc?
Thứ nhất, có lẽ nằm ở nhu cầu xem của giới trẻ Việt Nam - bộ phận nòng cốt của bất cứ một dịp World Cup nào. So với những năm trước, giới trẻ bây giờ thích xem những chương trình giải trí hơn. Nhu cầu của họ là những gì đó vui vui, hay hay, gây cười, và ít phải suy nghĩ. Đó có thể là những chương trình ca nhạc, những chương trình thời trang, hoặc những chương trình hài - mà những chương trình này bây giờ kênh nào cũng có, thậm chí là quanh năm.
So với xu hướng chung của giới trẻ như vậy, World Cup rõ ràng là một cái gì đó khô khan và khó hiểu hơn nhiều. Nếu không phải là một đệ tử chân chính của túc cầu giáo, sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được tại sao 22 gã đàn ông cứ phải hùng hục đuổi theo 1 trái bóng trong suốt 90 phút để làm gì? Niềm vui, sự hưng phấn, và cảm xúc vỡ òa sẽ đến từ đâu?
Thứ hai, việc thờ ơ với World Cup, nằm ở chuyện bóng đá - môn thể thao vua đã không còn đến được đông đảo người hâm mộ như cách đây chục năm nữa. Nếu như trước đây, người xem chỉ cần một chiếc tivi và 1 chiếc angten là có thể thoải mái xem bóng đá thì bây giờ, họ phải làm quen với truyền hình trả tiền, với truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số - những dạng truyền hình không phổ biến ở vùng nông thôn, hoặc với những người không có điều kiện.
Những kênh chiếu thể thao thường xuyên không phải là những kênh có thể xem đại chúng, và theo thời gian, người xem mất dần thói quen thưởng thức thể thao. Và World Cup cũng nằm trong dòng chảy ấy. 4 năm mới được xem 1 lần, rõ ràng đó là quá ít để người ta có thể ăn ngủ vì nó.
Cuối cùng, điều khiến người dân Việt Nam thờ ơ với World Cup năm nay có lẽ cũng vì chính nó. Hiếm có giải đấu nào nhiều ngôi sao phải ngồi ngoài đến vậy (Falcao, Ribery...) Đó còn là nơi mà vô số những người giỏi khác như Ronaldo, Messi, Rooney... thường xuyên chơi không đúng sức.
So với Champions League được xem 1 năm/lần, World Cup chẳng thể nào sánh được về độ hấp dẫn. Đó là còn chưa kể, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cũng chưa chắc quy tụ được hết ngôi sao bóng đá, khi vẫn còn đó những tấm gương như Ryan Giggs, George Best, Eric Cantona... chưa biết World Cup là gì.
Và nếu như vậy thì làm sao trách được những người chẳng biết khai mạc World Cup 2014 là hôm nào!
Phan Nguyên
Bình luận