Vào tháng 4/2007, nước Đức chấn động trước vụ nữ cảnh sát 22 tuổi Michèle Kiesewetter bị sát hại tại thành phố Heilbronn.
Cô Kiesewetter đang nghỉ trưa cùng đồng nghiệp trên xe thì bị hai kẻ lạ mặt bắn chết từ phía sau, người đồng nghiệp đi cùng cô bị thương nặng. Manh mối duy nhất là dấu vết DNA siêu nhỏ được tìm thấy trên bảng điều khiển ghế sau xe. Sau khi tiến hành kiểm tra, các điều tra viên ngạc nhiên khi phát hiện mẫu DNA này trùng khớp với hiện trường của hai vụ giết người xảy ra từ nhiều năm trước. Chủ của mẫu DNA được giới truyền thông Đức gọi là ‘Nữ vô diện’.
Sự việc này mở màn cho một trong những cuộc truy lùng tội phạm lớn nhất trong lịch sử nước Đức.
Càng điều tra, dường như những cảnh sát theo dấu Nữ vô diện càng dấn thân vào nhiều vụ án hơn. Dấu vết của cô ta xuất hiện tại một loạt vụ phạm tội trên khắp miền nam nước Đức. Thậm chí, quy mô vụ án đã lan ra khắp châu Âu khi DNA của kẻ sát nhân hàng loạt này có liên quan tới gần 10 vụ đột nhập và trộm xuyên biên giới ở Áo và Pháp.
Vậy ai là người phụ nữ có DNA được tìm thấy tại hàng chục hiện trường trộm cắp, hành hung và giết người cách nhau tới hàng trăm km và hơn 10 năm? Cô ta đã thực hiện điều đó như thế nào, và liệu đây có phải nhân vật tầm cỡ của một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia?
Hơn 100 cảnh sát và công tố viên phục vụ ba đội điều tra riêng biệt trên khắp nước Đức, được hỗ trợ các sĩ quan ở Áo và Pháp, đã đang tham gia vào nỗ lực điên cuồng tìm kiếm lời giải cho câu hỏi đó trong suốt 15 năm.
Bà trùm tội phạm liên quốc gia?
Trong 15 năm, cảnh sát Đức ghi nhận tổng cộng hơn 40 tội ác có liên quan đến Nữ vô diện ở ba quốc gia.
Nạn nhân đầu tiên của Nữ vô diện là bà Lieselotte Schlenger, 62 tuổi, sống tại thành phố Idar-Oberstein, Đức. Vào ngày 23/5/1993, hàng xóm phát hiện Schlenger chết vì bị siết cổ bởi sợi dây vốn dùng để buộc bó hoa trong phòng khách của bà.
Trên vành tách trà trong nhà bếp của Schlenger, cảnh sát tìm thấy dấu vết DNA thuộc về một phụ nữ chưa xác định. Tài sản chỉ thất thoát một số tiền mặt không lớn. Ông Günter Horn, công tố viên phụ trách điều tra vụ việc, cho biết DNA là manh mối duy nhất của vụ giết người này. Cuối cùng, vụ án đã bị bỏ ngỏ.
Năm 2001, DNA tương tự lại xuất hiện trên thi thể của nhà buôn đồ cổ 61 tuổi Joseph Walzenbach tại thành phố Freiburg, Tây Nam nước Đức. Ông chết vì bị siết cổ trong cửa hàng của mình. Thủ phạm đã lục lọi cửa hàng và lấy gần 230 USD tiền mặt. DNA của Nữ vô diện cũng được tìm thấy trên các vật dụng trong cửa hàng và tay nắm cửa.
Cảnh sát nhận thấy hai vụ giết người có nhiều điểm tương đồng: đều sử dụng biện pháp siết cổ, số tiền mặt bị đánh cắp nhỏ, cả hai vụ giết người đều được thực hiện trong nhà mà không có dấu hiệu đột nhập.
Trong vài năm sau đó, DNA của người phụ nữ bí ẩn này tiếp tục xuất hiện tại các hiện trường vụ án khác trên các nước châu Âu.
5 tháng sau vụ Walzenbach, dấu vết của kẻ phạm tội được tìm thấy trên một ống tiêm heroin bị vứt bỏ gần thành phố Bad Kreuznach. Vì vậy, có giả thuyết cho rằng Nữ vô diện là kẻ nghiện ma túy, phạm tội để tiếp tục mua thứ hàng cấm này. Nhưng nếu thủ phạm sử dụng ma túy, cô ta cũng vô cùng cẩn thận không bao giờ để lại dấu vân tay của mình.
Đêm ngày 24/10/2001, hai tuần sau khi ống tiêm được tìm thấy, DNA của người phụ nữ này lại được phát hiện trên chiếc bánh quy cắn dở tại trong nơi tạm trú của một đoàn lữ hành vừa bị trộm ở ngoại ô vùng Mainz, cách Bad Kreuznach không xa.
Ngày 1/1/2003, bóng dáng Nữ vô diện lại xuất hiện trong vụ đột nhập vào một văn phòng ở thành phố Dietzenbach.
Tháng 12/2003, DNA của cô được tìm thấy trên nắp bình xăng của một chiếc ô tô bị đánh cắp ở Heilbronn.
Năm 2005, một quán bar ở Karlsruhe bị cướp, cảnh sát thu được mẫu DNA trên hai chai bia và một ly rượu rỗng.
Năm 2006, Nữ vô diện tái xuất ở Besançon, Pháp. DNA của cô xuất hiện trên khẩu súng lục dùng trong một vụ cướp. Trường hợp tương tự lặp lại trong gần 10 vụ đột nhập tại các cửa hàng, văn phòng và một số vụ trộm xe hơi ở Áo.
Tại một số hiện trường vụ án, dấu vết DNA của các nhiều kẻ được cho là đồng phạm của Nữ vô diện cũng được tìm thấy. Tuy nhiên, ở mỗi vụ phạm tội cô ta lại có đồng phạm khác nhau. Cảnh sát bắt giữ được ít nhất 3 nghi phạm, đến từ Slovakia, Serbia và Moldova. Nhưng không một ai tiết lộ thông tin về người phụ nữ này.
Cuộc điều tra lịch sử
Cảnh sát đã dành hơn 16.000 giờ để tìm Nữ vô diện – người được cho là một tội phạm nguy hiểm hàng đầu. Phần thưởng trị giá tới hơn 117 nghìn USD được đưa ra cho người cung cấp thông tin hữu ích. Hàng trăm phụ nữ ở miền Nam nước Đức, Pháp, thậm chí cả Bỉ và Ý đã bị lấy mẫu nước bọt để đối chiếu DNA.
Vô số giả thuyết, phỏng đoán về nữ tội phạm được đưa ra. Từ đó, các nhà điều tra phải vật lộn để xây dựng một bức tranh mạch lạc về chuỗi vụ việc liên quan đến người phụ nữ bí ẩn này: Từ vụ việc ống tiêm Heroin, có thể suy ra cô ta có sử dụng ma túy; các vụ đột nhập đều là ngẫu nhiên; số tiền bị lấy đi thường không lớn.
Theo công tố viên Günter Horn, vị trí các vụ phạm tội cho thấy Nữ vô diện trú tại miền Nam nước Đức. Ông suy đoán rằng cô ta có thể là thành viên của một băng nhóm trộm cắp có tổ chức từ Đông Âu. Dựa trên suy đoán đó, cảnh sát đã thẩm vấn gắt gao các nghi phạm bắt giữ được từ những vụ việc liên quan đến nữ tội phạm. Tuy nhiên, không một ai đưa ra lời khai hữu ích.
Không bỏ cuộc, các chuyên gia ADN tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm của gần 3.000 phụ nữ vô gia cư, phụ nữ sử dụng ma túy và phụ nữ có tiền án phạm tội nghiêm trọng. Nhưng không một người nào trong số đó phù hợp.
Sau nhiều nỗ lực, tất cả thông tin về Nữ vô diện mà nhóm điều tra có được vẫn vỏn vẹn chỉ là giới tính.
Họ không thể đi xa hơn do những giới hạn nghiêm ngặt đối với hồ sơ DNA được lưu giữ ở Đức. Theo đó, chỉ có thông tin chi tiết về các cá nhân có tiền án nghiêm trọng mới được thêm vào cơ sở dữ liệu. Ít nhất, họ cũng biết thêm rằng Nữ vô diện chưa từng có tiền án, tiền sự.
Chân tướng thật của “nữ tội phạm nguy hiểm”
Những nghi ngờ về cuộc điều tra lịch sử kéo dài 15 năm chỉ bắt đầu sau khi cảnh sát Pháp xác minh danh tính thi thể cháy đen của một người đàn ông tị nạn. Khi lấy mẫu DNA, họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra kết quả trùng khớp với DNA của người phụ nữ bí ẩn đã khiến cảnh sát nhiều nước châu Âu đau đầu. Nhưng rõ ràng hai người này không thể là một, vì vậy các chuyên gia nghi ngờ rằng có thể các vật liệu được sử dụng trong quá trình xét nghiệm đã bị nhiễm bẩn.
Nghi ngờ đó đã mở ra phương hướng mới cho cuộc điều tra. Sau khi kiểm tra lại và truy vết các bằng chứng liên quan đến vụ Nữ vô diện, cuối cùng, chân tướng vụ việc cũng sáng tỏ.
Cảnh sát và công chúng đều ngỡ ngàng khi biết người phụ nữ bí ẩn bị truy tìm bấy lâu hóa ra là một người hoàn toàn vô tội. Cô là nhân viên làm việc trong nhà máy đóng gói tăm bông của một công ty y tế của Đức. Do sơ suất, cô đã làm nhiễm bẩn một loạt bông băng và khiến DNA của mình lưu lại trên lô hàng này, dẫn đến sai sót trong quá trình xét nghiệm DNA.
Ông Josef Schneider, đại diện cảnh sát Đức, thừa nhận các đội điều tra nước này đã tham gia vào một trong những cuộc truy đuổi vô nghĩa dài nhất, và khó hiểu nhất, trong lịch sử tội phạm.
"Đây là một chuyện vô cùng đáng xấu hổ", ông Schneider nói.
Ông Stefan König, từ hiệp hội Luật sư Berlin, nhận xét rằng vụ việc này đã phô bày những rủi ro trong việc điều tra dựa vào bằng chứng DNA.
“Mẫu DNA trên hiện trường vụ án không thể cho thấy nó xuất hiện ở đó như thế nào. Đây là lý do chính đáng để ngừng việc kết tội chỉ dựa vào bằng chứng DNA", ông König cho biết.
Về những vụ giết người bị đổ lỗi cho Nữ vô diện, các thủ phạm giết hại cảnh sát Kiesewetter được tìm ra vào năm 2011. Chúng là một nhóm cướp hai thành viên, cả hai đều tự sát sau một vụ cướp ngân hàng bất thành. Cảnh sát tìm thấy bằng chứng là súng của cô Kiesewetter trong số đồ đạc thu được. Bộ đôi này đã sát hại 9 người khác trước đó.
Cảnh sát vẫn chưa xác định được thủ phạm giết hại bà Lieselotte Schlenger.
Bình luận