Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV;
Vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Cùng VTC News nhìn lại chân dung ông Trần Bắc Hà, người từng được mệnh danh là 'ông trùm tài chính' Việt Nam:
Ông Trần Bắc Hà sinh ngày 19/8/1956 tại Ân Thanh, Hoài Ân, Bình Định. Ông Hà bắt đầu vào làm việc tại BIDV vào tháng 2/1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.
Tháng 10/1999, ông là Phó tổng giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV. Ngày 19/8/2016, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV. Từ đó đến nay, BIDV chưa có chủ tịch HĐQT mà chỉ có một Ủy viên phụ trách HĐQT là ông Trần Anh Tuấn. Tuy nhiên, theo quy định, ông Trần Anh Tuấn cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Những phát ngôn gây sốc
Không chỉ là một đại gia "khét tiếng" trên thương trường, ông Trần Bắc Hà còn nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc của mình.
Dấu ấn khó phai tại BIDV
Dấu ấn sâm đậm nhất của ông Trần Bắc Hà đầu tiên phải kể đến công lao của ông trong việc niêm yết BIDV lên sàn chứng khoán. Từ khi ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm Chủ tịch BIDV, ngân hàng này đã có những sự thay đổi to lớn, trong đó có việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Trước đó, trong hai ngày 23-24/5/2015, BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
Mặc dù trong suốt 8 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trần Bắc Hà, BIDV vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về lợi nhuận và dư nợ tín dụng, tài sản nhưng lượng nợ xấu thì lại là điểm nhấn không mấy tích cực của ngân hàng này.
Theo Vietnamfinance, năm 2014, lượng nợ xấu tại VAMC của BIDV chỉ là 7.152 tỷ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng 1.064 tỷ đồng), trong khi đó, nợ xấu nội bảng là 9.056 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2015, nợ xấu BIDV bất ngờ “bộc phát”. Lượng nợ xấu tại VAMC của BIDV tính đến hết ngày 31/12/2015 lên đến 20.836 tỷ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng gần 1.999 tỷ), tăng gần gấp 3 lần chỉ sau một năm, đưa BIDV trở thành “quán quân” nợ xấu tại VAMC thời điểm đó. Nợ xấu nội bảng cùng thời điểm là 10.053 tỷ đồng.
Sang đến năm 2016, nợ xấu tại VAMC của BIDV tiếp tục tăng lên 21.131 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đã trích lập dự phòng 5.654 tỷ đồng nên lượng nợ xấu tại VAMC chưa xử lý “chỉ” còn 15.476 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng lên mức 14.428 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một trong những dấu ấn không vui của ông Trần Bắc Hà khi còn giữ chức Chủ tịch BIDV đó là khoản nợ khủng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2015, HAG có có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG với khoảng hơn 10.655 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ông Trần Bắc Hà vẫn luôn lạc quan về khoản nợ "khủng" này khi cho rằng, việc BIDV cho HAG vay là có tài sản đảm bảo.
Lùm xùm nghi dính vào đại án Phạm Công Danh
Năm 2013, thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt từng làm xôn xao dư luận hồi bấy giờ và khiến cho thị trường chứng khoán một phen chao đảo. Thị trường chứng khoán khi đó giảm mạnh, gần 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) đã “bốc hơi” do vốn hóa hai sàn Hà Nội, TP.HCM giảm. Khi nhận được tin đó, ông Hà vẫn đang chủ trì một cuộc họp tại BIDV.
Về việc có liên quan đến đại án Phạm Công Danh, BIDV khi đó được cho là đã giải ngân 4.700 tỷ đồng từ những hồ sơ khống mà Phạm Công Danh đã lập ra. Điều này đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 2.550 tỷ đồng. Cùng thời điểm đó, Bộ Công an đã khởi tố thêm 3 cán bộ của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định để điều tra về các sai phạm liên quan.
Theo nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an, năm 2013, Phạm Công Danh cần vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank nhằm tất toán hơn 1.600 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh sở giao dịch 2 và BIDV Chi nhánh Hải Vân.
Trước đó, ngày 27/2/2012, Phạm Công Danh có giấy đề nghị vay 2.000 tỷ đồng gửi BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 (quận 1). Kèm theo là những giấy tờ liên quan như phương án vay, hồ sơ vay.
Video: Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Long An treo cổ tự tử
Tài sản thế chấp trong hồ sơ vay gồm 5 lô đất tại dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng). Cả 5 lô đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 5 công ty do nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) làm chủ.
Sau khi thẩm định, BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 đồng ý cho vay 1.700 tỷ đồng. Quyết định này được trình lên HĐQT BIDV.
Đến ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời đối với dự án nói trên.
Đến 6/4/2012, ông Đoàn Ánh Sáng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 ký hợp đồng tín dụng cho Phạm Công Danh vay số tiền 1.700 tỷ đồng. Thời hạn vay của hợp đồng này kéo dài đến cuối năm 2012.
Ba ngày sau khi được ký duyệt, Phạm Công Danh bắt đầu lập bảng kê rút vốn. Thời điểm này bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 phê duyệt và giải ngân số tiền 1.700 tỷ đồng.
Bình luận