• Zalo

Chậm, hủy chuyến: Đừng đổ tất lỗi cho các hãng bay

Kinh tếThứ Hai, 14/07/2014 11:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến là trách nhiệm của rất nhiều bên".

(VTC News) - “Giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến là trách nhiệm của rất nhiều bên, nếu còn vô cảm bàng quan, coi đó là trách nhiệm của các hãng hàng không là không thể chấp nhận được”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp bàn biện pháp giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay 6 tăng vọt trong 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 11/7.

Lỗi không chỉ tại hãng hàng không


Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho hay, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không nội địa thực hiện 74.000 chuyến bay.

Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến gần 21%, tỷ lệ hủy chuyến 3,2% tăng tương ứng 5,2 điểm và 0,5 điểm so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 15%.

Điển hình là chuyến bay của Jetstar Pecific Airlines (JPA) xuất phát từ Cam Ranh ngày 10/7 dự định khởi hành lúc 11h trưa mà tới 7h30 tối cùng ngày mới cất cánh, chậm tới 8 tiếng đồng hồ.

vạ vật
Chậm chuyến, hành khách vạ vật ở sân bay 

Lý giải nguyên nhân chậm, hủy chuyến, ông Thanh nói rằng trong đó 98% là do lỗi kỹ thuật, hỏng hóc kéo dài nên dẫn tới tình trạng dồn chuyến, chậm bay; do tắc nghẽn tàu bay trong quá trình xếp khách; do thời gian quay đầu tàu bay thấp; do công suất khai thác cao, có máy bay hỏng thì không có máy bay thay thế hay các hãng thay đổi lịch bay...

Riêng với các hãng hàng không, theo ông Thanh, 72,7% là lỗi của các hãng trong quá trình khai thác.

Báo cáo của ông Thanh bị Bộ trưởng Thăng phản bác khi bộ trưởng nói rằng, về chủ quan 90% là lỗi của cơ quan quản lý.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải nhận thức được, dù là hãng nào Vietnam Airlines, VietJetAir hay JPA cũng đều mang thương hiệu hình ảnh Việt Nam, ta đều phải hổ thẹn với tình trạng chậm, hủy chuyến mới mong khắc phục được.

“Nếu còn vô cảm, bàng quan, coi đó là trách nhiệm của các hãng là không chấp nhận được. Trách nhiệm đầu tiên là Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Tổng công ty Quản lý bay, cảng vụ... rồi mới đến các hãng hãng không và các cục, vụ của bộ có liên quan” - ông nói.

“Đổ lỗi cho các hãng hàng không là chưa vì lợi ích của khách hàng, của người dân. Coi thường, thiếu tôn trọng, không vì lợi ích của khách hàng; bắt ‘thượng đế’ phải lang thang cơ nhỡ ở sân bay.

Xin lỗi nhiều lần, có lúc còn không xin lỗi, thái độ không tốt, coi đó là việc ở đâu như không phải việc của mình... Các bên cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mỗi đơn vị về tình trạng này”.

Bộ trưởng Thăng yêu cầu cần đưa ngay những tồn tại bất cập vào Luật Hàng không sửa đổi, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có việc chậm hủy chuyến và có chế tài xử lý cụ thể.

“Phải quy định rõ chậm từng nào thì sẽ rút giấy phép kinh doanh”, bộ trưởng Thăng cương quyết.

Bộ trưởng GTVT yêu cầu từng đơn vị phải xây dựng đề án nâng cao năng lực, trong đó Cục Hàng không phải xây dựng Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về hàng không.

Đối với các hãng hàng không, quan trọng nhất là phải nghĩ đến khách hàng. Nếu kinh doanh chộp giật sẽ làm mất niềm tin của khách hàng.

Ông Thăng cho rằng, các hãng đừng “tham bát bỏ mâm”, cần đưa lợi ích khách hàng lên thì mới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, giải quyết bài toán chậm, hủy chuyến là nhiệm vụ của rất nhiều bên: Quản lý nhà nước, các sân bay, các công ty mặt đất, công ty xăng dầu, Tổng công ty Quản lý bay... mà một mình hãng hàng không thì không thể làm được gì, đặc biệt là khi tất cả dịch vụ đều do các doanh nghiệp nhà nước độc quyền cung cấp.

Tình cảnh của các hãng Hàng không


Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJet chia sẻ bên lề cuộc họp: “Chúng tôi giống như chỉ bán vé và điều hành đội xe bus đường dài, còn thì bến xe làm cả: thủ tục xé vé, kiểm tra an ninh, dẫn khách lên xe, chất xếp hàng hóa, nạp xăng, đưa đồ ăn nước uống lên và hầu hết các việc khác.

Khách lên hết, đóng cửa xe xong thì sẽ phải xếp hàng chờ xuất bến, đường kẹt cũng phải chịu.

Các đơn vị dịch vụ làm nhanh thì hãng được nhờ, làm chậm thì đành chịu trận nghe khách than phiền.

Phần chúng tôi thì phải lo cho máy bay không bị hỏng hóc, sửa chữa bất thường mà phải dừng chuyến bay lại.

Nhiều người lại bảo: Bến xe chật chội thì anh giãn ra, chạy bớt chuyến đi.  Thử hỏi mỗi ngày tôi chỉ bớt 1 chuyến của mỗi máy bay thôi thì gần 3.000 khách không được bay, một năm hơn 1 triệu người không được bay giá vé thấp. Với lại, nhiều nhà ga sân bay ở ta vừa mới được dầu tư mới, hiện đại cho nên thời gian phục vụ cho một chuyến bay cũng nên hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Ví dụ nước ngoài người ta làm thời gian quay đầu máy bay 25 phút mà ta không mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu 30 – 35 phút để phấn đấu, lại theo chuẩn cũ 45 phút  đến 1 giờ thì hiệu quả vận hành các sân bay mới càng hạn chế, mỗi ngày đón được ít chuyến bay, nhà nước càng khó thu hồi vốn.

Tôi thì cho rằng, ngành Hàng không Việt Nam không thua kém ai, cái gì nước ngoài làm được thì ta phải quyết làm được.

Chính phủ đang đầu tư mạnh mẽ cho nâng cấp các sân bay mà các doanh nghiệp không nỗ lực để tăng năng lực, năng suất lên thì chưa hết trách nhiệm.

Chúng tôi sẽ phải nỗ lực có giải pháp, hãng hàng không và mỗi đơn vị một chút giải quyết cho nhu cầu đi lại của người dân cũng là tăng hiệu quả khai thác của sân bay.

Không thể vì lý do sân bay chật chội mà cắt bớt chuyến bay, trong khi nhu cầu đi lại của người dân lớn như thế”.

Chính vì vậy, để đảm bảo thời gian phục vụ các chuyến bay, bên cạnh những nỗ lực của hãng hàng không, đại diện VietJetAir kiến nghị cần đầu tư sớm các trang thiết bị mặt đất, ưu tiên các sân bay Vinh, Hải Phòng, Cam Ranh, Nội Bài, Tân Sơn Nhất; bổ sung sớm nhân sự phục vụ mặt đất; đầu tư cho hoạt động quản lý, điều hành bay...

Hãng kiến nghị tạo điều kiện được thuê mặt bằng phục vụ khách, chỗ làm việc cho nhân viên kỹ thuật ở sân bay, được tạo điều kiện về các thủ tục an ninh, hải quan, cảng vụ...

Cam kết tăng tỷ lệ đúng giờ

Tại cuộc họp, các hãng hàng không Vietjet Air, JPA cam kết nỗ lực giảm ngay số vụ chậm hủy chuyến để tỷ lệ bay đúng giờ đạt tới 85% - 95% từ nay tới tháng 9/2014.

Ông Khánh chia sẻ: “Với tinh thần quyết liệt của Bộ trưởng tại cuộc họp, tôi tin rằng tất cả các đơn vị phục vụ tại sân bay từ xăng dầu, vận chuyển khách, dịch vụ xe thang, hành lý, quản lý điều hành bay… sẽ hỗ trợ cùng các hãng hàng không giải cho được bài toán đúng giờ”.

Tùng Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn