Trong phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi khó của các đại biểu nêu.
Về vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, Bộ trưởng Tân cho biết Bộ Nội vụ vẫn đang triển khai nội dung này. Tuy nhiên, ông Tân thừa nhận tốc độ làm còn chậm, và bản thân ông đã bị phê bình 2 lần vì chuyện này.
“Bộ Nội vụ đã phát văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương đăng ký, nhưng ít đăng ký quá. Cho đến khi chúng tôi nhận được 14 bộ và 22 địa phương thì mới chính thức cho triển khai được. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần”, Bộ trưởng Tân nói.
Hiện, 14 bộ và 22 đơn vị mới thực hiện được phân nửa. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sẽ sơ kết về 2 năm thực hiện đề án này.
Trong khi đó, đại biểu Võ Thị Như Hoa chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: "Hiện nay cán bộ công chức, viên chức đang phải tham gia rất nhiều các lớp đào tạo, bồi dưỡng sau khi được tuyển dụng. Từ một chuyên viên cho đến khi được quy hoạch bổ nhiệm vào chức vụ, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở công chức phải trải qua các lớp bồi dưỡng như: quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, lý luận chính trị trung cấp, cao cấp. Nhiều cử tri đặt dấu hỏi có hay không chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phân tán theo tiêu chuẩn trùng lặp nội dung như hiện nay là để nuôi các cơ sở đào tạo, nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực chưa gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương? Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng có thể chỉ đạo tổng rà soát để tích hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng nói trên để tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước chi trả cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng này hay không?"
Bộ trưởng Tân thừa nhận ý kiến này đúng một phần. Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương không tự đặt ra tiêu chuẩn nào ngoài quy định của Đảng và Nhà nước. Nhưng bây giờ, chứng chỉ nào phải thi, chứng chỉ nào bồi dưỡng, chứng chỉ nào có trước, sau khi bổ nhiệm thì cần phải bàn, để cụ thể điều kiện đủ để bổ nhiệm và điều kiện cần để thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu để giảm tối đa thủ tục, không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
"Việc bồi dưỡng, chúng ta phải làm thường xuyên. Không phải càng cho đi học để cơ sở có nguồn thu. Các cơ sở luôn được kiểm soát về mức thu, nguồn thu, nội dung, chương trình và đào tạo theo kế hoạch đào tạo đặt hàng của Nhà nước. Không có chuyện trường đào tạo bồi dưỡng thích thu bao nhiêu thì thu, dạy cái gì thì dạy", Bộ trưởng Tân khẳng định.
Chung tâm tư, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá về các lớp trung cấp chính trị "đang triển khai khắp nơi liệu có thực sự nâng cao chất lượng trình độ hiểu biết chính trị, niềm tin của của các cán bộ, viên chức vào hệ thống của chúng ta hay không?"
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết "sẽ báo cáo Trưởng ban tổ chức, đánh giá về đào tạo lý luận chính trị trong thời gian qua".
Bộ trưởng cũng thông tin thêm: "Bộ Chính trị cũng đã quy định thống nhất cơ sở đào tạo lý luận chính trị, chỉ cho phép một số nơi trong đó có các trường chính trị, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một số trường quân đội, công an. Trước đây, rất nhiều trường đào tạo, cấp chứng chỉ này. Qua thực hiện theo kết luận 43, những nơi sai phạm về vấn đề cấp văn bằng chứng chỉ gây rất khó khăn trong công tác cán bộ. Nên giờ sẽ tập trung cho đơn vị này. Tất nhiên, phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là vấn đề lý luận chính trị phù hợp với từng vị trí việc làm trong thời gian tới".
Bình luận