• Zalo

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực

Đầu TưThứ Năm, 15/07/2021 08:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đầu tư công là chiếc bánh quan trọng của “cỗ xe tam mã” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh COVID-19, nhưng kết quả thực tế đang dưới mức kỳ vọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu tư công được coi là một trong những động lực giúp tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho nhà nước.

Theo giới chuyên gia, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một vấn đề nhiều năm chưa giải được của Việt Nam, nếu không được xử lý sớm chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến tăng trưởng.

Nghịch lý “có tiền không tiêu được”

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 6 tháng đầu 2021, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%; có 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực - 1

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành trong năm 2021, tuy nhiên đến nay khối lượng thi công của dự án mới chỉ đạt khoảng 44%. (Ảnh: VOV)

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu 2021 khá thấp, mới đạt 133.890,16 tỷ đồng, bằng 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm so với cùng kỳ 2020. Trong đó, vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%.

Trong gần nửa đầu năm 2021, mới có 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3% gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu. Đặc biệt, hiện có tới 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân là 0%.

Trong gần nửa đầu năm 2021, có tới 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 0%.

Ngoài chậm trễ giải ngân vốn, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021 thấp, theo phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương, là do đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% - 50% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng.

Thứ nữa, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao. Nhiều dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2021 đã hết thời hạn bố trí vốn theo quy định nhưng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chủ động trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn bố trí vốn….

Đặc biệt còn có lý do người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra, né tránh trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.

Với nguồn vốn ODA, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân.

Gỡ nút thắt, đẩy tăng trưởng

Theo giới phân tích, đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay. Đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực - 2

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tư điển hình về chậm tiến độ.

Việc chậm thực hiện dòng vốn này, sẽ gây ra nhiều hệ quả, trong đó tác động lớn nhất là ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, chậm vốn đầu tư công còn kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác tại những dự án, và gây lãng phí lớn khi ngân sách phải trả chi phí vốn cho nguồn tiền chưa được sử dụng.

Do đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tại phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.

Đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó 1,38 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có tính chất quả đấm thép, dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn liên vùng, có tác động lan tỏa; các dự án chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng vùng và cả nước.

Tuy vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Dũng lưu ý, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công.

Mục tiêu giải ngân đầu tư công 95 - 100% cho 2021

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 63 về thúc đẩy các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong số này, mục đích lớn nhất là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu là 60% kế hoạch.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng kinh tế chịu tác động tiêu cực - 3

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 hiện cũng gặp nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. (Ảnh: VOV)

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc về thuế, thủ tục thanh toán, rút vốn... đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Chính phủ chỉ đạo các bộ Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn