Thủ tướng và Chính phủ đã rất quyết liệt, sát sao, song tình trạng ách tắc, "không chịu tiêu tiền" ở các dự án đầu tư công vẫn diễn ra ở nhiều bộ ngành, địa phương, gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế.
Nhiều dự án ách tắc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án đầu tư công vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh còn ở mức cao. Cụ thể, 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó nhóm A là 45 dự án, nhóm B là 529 dự án, nhóm C là 1.293 dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí đầu tư, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Còn các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Hôm 15/6 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu lên vấn đề của Sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Cường cũng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại các dự án.
Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015, việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Đồng Nai thông tin hoàn thành trong năm 2020.
Dự án này được đánh giá là một dự án kinh tế lớn, là một cảng trung chuyển hàng không và là thủ phủ hàng không của cả nước nhằm mục đích thu hút khách quá cảnh và các chuyến bay trung chuyển tại đây để thu lợi về kinh tế. Khả năng đóng góp phát triển kinh tế của sân bay Long Thành là rất lớn, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership của Úc thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 - 5% GDP cả nước.
Tuy nhiên, đến nay, đã quá nửa năm 2021, dự án mới thu hồi được hơn 1.200 ha trên tổng số 2.532 ha (đạt 50,7%). Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng khi dự án này chậm tiến độ sẽ gây lãng phí tiền của và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Một dự án trọng điểm khác cũng đang gây xôn xao dư luận vì tiến độ “rùa bò”, đó là dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, trong 7 dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công, chỉ có 2 dự án đáp ứng tiến độ, 1 dự án mới khởi công hồi tháng 5, 4 dự án còn lại chậm so với kế hoạch từ 0,5 - 2% gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Tại Quảng Nam, dự án hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị huyện Núi Thành được triển khai từ tháng 5/2020 và dự kiến đến cuối tháng 4/2021 hoàn thành. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 215,95 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Italy 90% và còn lại nguồn đối ứng của ngân sách tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay, quá trình thi công chậm trễ đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong thời gian dài bởi bụi bẩn và tiếng ồn.
Nhiều người dân bức xúc khi chưa biết đến khi nào dự án này mới được đi vào hoạt động. Mốc thời gian dự kiến hoàn thành được một lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam tiết lộ là cuối năm nay.
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông cấp bách khác cũng đang rơi vào tình trạng chưa biết bao giờ mới về đích.
Điển hình là trong số 10 dự án đường bộ quan trọng cấp bách thực hiện theo Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 3 dự án hoàn thành. Còn lại, 7 dự án đang tổ chức thi công, nhiều công trình chậm tiến độ.
Cụ thể, dự án thành phần 3 (dài 21km) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25 do Sở GTVT Gia Lai làm chủ đầu tư được khởi công tháng 7/2020, kỳ vọng hoàn thành trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án đến nay vẫn đang rất chậm, việc hoàn thành như kỳ vọng là bất khả thi. Tính đến hết tháng 5/2021, khối lượng thi công 4 gói thầu xây lắp của dự án mới đạt khoảng 52,3%, chậm 31,8% so với kế hoạch.
Tương tự, dự án thành phần 1 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25 (dài 5,4km) do Sở GTVT Phú Yên làm chủ đầu tư cũng đang chậm tiến độ khi sản lượng mới đạt khoảng 46,8%, chậm 14,5% so với kế hoạch.
Một dự án đường bộ cấp bách khác do địa phương làm chủ đầu tư cũng đang chậm tiến độ là công trình đầu tư QL27 đoạn tránh Liên Khương dài 6,2km. Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành trong tháng 12/2020. Sau đó, Bộ GTVT đã phải gia hạn lần 1, tiến độ hoàn thành vào ngày 30/6/2021. Tuy nhiên, đến nay, dù chỉ có 1 gói thầu xây lắp nhưng khối lượng thi công dự án mới đạt khoảng 76,5%.
Tại khu vực Tây Nam bộ, dự án nâng cấp, mở rộng QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn dài 43,8km (tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng) được triển khai thi công từ đầu năm 2020, tiến độ đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng để hoàn thành trong tháng 6/2021. Khối lượng thi công 6 gói thầu xây lắp của dự án tính đến cuối tháng 5/2021 đạt khoảng 89,3%.
Những địa phương, bộ ngành "đội sổ" về tốc độ giải ngân
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2021, có tới 37/50 bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 20% vốn kế hoạch như: Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, KH&CN, Nội vụ, TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật...16/63 địa phương cũng trong tình trạng tương tự, đó là: Bắc Kạn, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Quảng Bình...
Có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu và có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.
Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư công đã thanh toán đạt hơn 153.400 tỷ đồng (đạt 26% kế hoạch năm), gồm cả vốn năm trước chuyển sang. Riêng phần vốn năm nay, đã thanh toán hơn 133.800 tỷ đồng (đạt 29% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước 4%). Trong đó, vốn nước ngoài mới giải ngân gần 3.800 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước 3%).
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỷ lệ giải ngân như trên là rất thấp, thấp hơn hẳn tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020. Nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.
Nói về tình trạng chậm giải ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm nay, Hà Nội được giao 7 dự án với kế hoạch vốn được giao là 7840 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp phát là 6.244 tỷ đồng và vốn vay lại là 596, 2 tỷ đồng. Đến hết tháng 5, giá trị giải ngân vốn ODA là 551 tỷ đồng, đạt 7,03% kế hoạch.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 khiến chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam khó khăn, các thiết bị cho các dự án như đầu máy, toa xe của gói thầu số 6 dự án Tuyến đường sắt số 3, hoặc gói thầu số 1 dự án Nhà máy nước thải Yên Xá đều phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản nên có sự chậm trễ.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị số 3 gặp vướng mắc về điều chỉnh thời gian, kinh phí của các gói thầu do thời gian thực hiện của dự án kéo dài bởi nhiều nguyên nhân…
Trong khi đó, đã gần hết nửa năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Đà Nẵng mới đạt 25,5%. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài đạt rất thấp, khoảng 5%. Năm 2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng được bố trí hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện hàng chục dự án, công trình trọng điểm. Thế nhưng, đã gần nửa năm 2021, nguồn vốn do Ban này quản lý đầu tư mới chỉ giải ngân được khoảng 15% so với vốn được giao.
Không chỉ các địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành cũng diễn ra khá chậm chạp. Đặc biệt, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Hiện mới có 5/13 bộ, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Số giải ngân tập trung chủ yếu ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đạt 18,59%), Bộ Giao thông Vận tải (đạt 14,46%). Đáng lưu ý, có đến 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.
“Đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế. Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm vẫn ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Thực tế minh chứng, đầu tư công đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nếu đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Và các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước.
Mới đây, tại Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của ngành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, đến ngày 30/9/2021, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn đầu tư từ năm 2021 được giao (trừ các dự án khởi động mới năm 2021 đang chờ bổ sung vốn sau khi được Thủ tướng quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) sẽ chuyển vốn sang dự án có mức giải ngân tốt còn thiếu vốn.
Bộ Xây dựng sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu chủ đầu tư về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Vụ Kế hoạch - Tài chính là cơ quan thường trực đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chủ trì, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai và giải ngân vốn đầu tư nhất là đối với các dự án chậm tiến độ, có tỷ lệ giải ngân thấp; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công việc giải ngân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 6 tháng đầu năm, có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (29,02%). Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: TP.Hải Phòng (76,2%), Thái Bình (64,4%), Thái Nguyên (60%), Nam Định (59,8%), Quảng Ninh (59,6%), Thanh Hóa (57,9%), Hưng Yên (54,6%), Kiểm toán Nhà nước (51,7%)...
Bình luận