Thành lập doanh nghiệp chỉ để bán hóa đơn khống
Tính đến ngày 17/5/2024, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,78 tỷ hóa đơn, trong đó 2,16 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,62 tỷ hóa đơn không mã. Đại diện Tổng cục Thuế đánh giá, việc triển khai HĐĐT làm đã làm thay đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giúp tiết kiệm chi phí cho DN, cho xã hội.
Mặc dù được ghi nhận và đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho DN và xã hội, song thời gian qua vẫn còn tình trạng một số DN, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của việc thành lập DN theo quy định để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính.
Một số vụ việc mua bán hóa đơn phức tạp có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều DN thuộc nhiều địa phương trên toàn quốc đã phát giác đưa ra xét xử.
Điển hình ngày 19/12/2023, tòa án xét xử 100 người trong đường dây mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lớn nhất cả nước. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú tại TP.HCM), lao động tự do. Tú thuê “đàn em” mua 646 DN qua hình thức online, chi phí 50 - 60 triệu đồng/DN. Qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn GTGT.
Trong 22 tháng hoạt động, Tú bị cáo buộc bán 1.025.712 hóa đơn GTGT khống cho 88.053 DN, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng, hưởng lợi 0,7-1,5% doanh số. Tính theo tổng số hóa đơn đã bán, Tú bị cáo buộc thu về hơn 294 tỷ đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tú 7 năm tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Hay gần đây nhất, ngày 12/4/2024, vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước và đối tượng Đỗ Hữu Ca về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng được coi là “trùm hóa đơn” Trương Xuân Đước lãnh 2 năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ và 7 năm về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 9 năm tù.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã quản lý điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm kiếm lời bất chính. Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Ngành Thuế đã nhận diện các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm trong lĩnh vực thuế và phối hợp rất hiệu quả với cơ quan Công an và các cơ quan liên quan trong đấu tranh gian lận hóa đơn thuế
Bình luận