• Zalo

Chắc chắn đồng ý để tàu ngầm Trường Sa ra biển

Thời sựThứ Sáu, 25/04/2014 07:42:00 +07:00Google News

Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình bày tỏ quan điểm sẽ tạo điều kiện để tàu ngầm Trường Sa được ra biển thử nghiệm

Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình bày tỏ quan điểm sẽ tạo điều kiện để tàu ngầm Trường Sa được ra biển thử nghiệm.

Xung quanh vấn đề tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đang chờ được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cấp phép cho thử nghiệm ngoài biển Tiền Hải (Thái Bình), phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Mạnh Hiền, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thái Bình ngày 23/4/2014

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, ông Hiền tỏ ra khá cởi mở và cho rằng chắc chắn sẽ đồng ý để tàu ngầm Trường Sa được ra biển.

Giám đốc Sở KHCN cho biết: “Không có vấn đề gì về việc thử nghiệm này, đã làm ra sản phẩm thì cứ thử nghiệm chứ. Vấn đề là làm sao để đảm bảo an toàn cho ông Hòa là trên hết.”
Tàu ngầm được sơn đen, tên tàu và quốc kỳ được vẽ trên tháp điều khiển, thân tàu có dòng chữ ghi nơi chế tạo con tàu
Tàu ngầm được sơn đen, tên tàu và quốc kỳ được vẽ trên tháp điều khiển, thân tàu có dòng chữ ghi nơi chế tạo con tàu 
Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hòa, ông cho biết vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía tỉnh Thái Bình và vẫn đang chờ đợi.

Được biết, ông Hòa đã đưa đơn xin phép thử nghiệm lên các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình từ cuối tháng 3/2014, sau khi ông thử nghiệm khả năng di chuyển của tàu ngoài hồ nước tại khu công nghiệp gần xưởng sản xuất của ông.


Từ thời điểm đó cho tới nay đã 1 tháng nhưng vấn đề được phép hay không vẫn là một dấu hỏi. “Tàu đã trong trạng thái sẵn sàng, chỉ chờ một cái gật đầu là có thể ra biển” – ông Hòa chia sẻ.

Được biết, kế hoạch thử nghiệm cũng đã được ông Hòa nêu chi tiết trong hồ sơ gửi kèm đơn.

Theo đó, địa điểm sẽ được tiến hành tại vùng biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vùng biển được lựa chọn có độ sâu từ 20 – 30m.

Đoàn thử nghiệm hôm đó sẽ gồm ba tàu, tàu ngầm Trường Sa và hai tàu cá. Hai tàu cá sẽ đóng vai trò tàu cảnh báo. Một tàu đi trước, một tàu đi sau. Hai tàu này đều được trang bị máy tầm ngư để có thể theo dõi được tàu ngầm Trường Sa đang ở đâu trong khi lặn xuống nước, di chuyển hay dừng lại…

“Khi tàu lặn sẽ chỉ như một con cá lớn và máy tầm ngư có thể theo dõi được điều này. Sẽ không có gì nguy hiểm với những tàu thuyền xung quanh. Bản thân tôi cũng đã lựa chọn vùng biển vắng để thử nghiệm.” – Ông Nguyễn Quốc Hòa nhận định.

Ngoài ra, chủ nhân tàu Trường Sa cũng đã lên sẵn những phương án dự phòng trong trường hợp tàu gặp sự cố.

“Tôi có tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và có sự thay đổi nơi đặt bình oxy lỏng, bình dầu nguyên liệu để tăng tính an toàn cho tàu. Ngoài ra, con tàu còn được trang bị hệ thống xả khí để nổi nhanh chóng trong trường hợp tàu gặp trục trặc khi đang lặn. Tôi đã tính toán đầy đủ, để nếu xảy ra trường hợp xấu nhất thì cùng lắm mất tàu chứ không thể mất người.”

Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Tại vùng nước sâu khoảng 20m, các thợ lặn vẫn hoạt động bình thường, với con tàu này, mọi vết hàn, độ dày lớp vỏ, các chốt, vít đều được tính toán để chịu được áp suất nước ở độ sâu lớn hơn. Vì thế, con tàu hoàn toàn có thể yên tâm thử nghiệm lần này.”

Trước đó, hôm 22/4, chủ nhân của tàu cũng bày tỏ tâm nguyện: “Tôi mong rằng sẽ được sự cho phép trước ngày 30/4 để có thể thử nghiệm tàu vào đúng ngày kỷ niệm lịch sử này của dân tộc. Nếu được như vậy sẽ rất có ý nghĩa.”

» 'Tàu ngầm Trường Sa hoàn hảo, sẵn sàng ra biển'
» Chế tạo tàu ngầm: Sợ thất bại sao thành công được?
» Lý do tàu ngầm made in VietNam mang tên 'Trường Sa 01'

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn