• Zalo

Cha mẹ đừng ngại làm những trò 'nhí nhố, hồn nhiên' cùng con

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 12/04/2022 10:13:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Con trẻ sẽ vui lắm khi được bố mẹ - người thân nhất hỏi rằng “con khỏe chứ”, thay vì bố mẹ buông lời trách móc, mắng mỏ chỉ vì chúng bỗng thay đổi lạ thường.

Thời gian gần đây tình trạng trẻ em trong độ tuổi học đường tự tử do trầm cảm, áp lực học tập liên tiếp xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Những vụ việc thương tâm cũng là hồi chuông cảnh báo để cả gia đình và nhà trường cùng nhìn nhận lại cách giáo dục, chăm sóc, từ đó đó quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của con.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, cả xã hội đang phải trải qua những tác động của hậu COVID - đại dịch chưa từng có trong lịch sử và để lại những cú sốc với toàn thể xã hội mà ngay cả các nhà quản lý xã hội cũng chưa thể lường trước được về giai đoạn hậu COVID-19.

Cha mẹ đừng ngại làm những trò 'nhí nhố, hồn nhiên' cùng con - 1

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, hiện nay cả xã hội đang phải trải qua những tác động của hậu Covid, trong đó có cả tác động về mặt tâm lý.

Với trẻ nhỏ, trẻ ở độ tuổi vị thành niên khi dần trở lại trạng thái bình thường mới, đi học trở lại, chuyên gia Đinh Đoàn cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, các trường học cần lộ trình rõ ràng, như tuần đầu nên cho học sinh vui chơi là chủ yếu, tuần tiếp theo học kỹ năng sống và tiếp đó là học kiến thức bình thường.

“Đặc biệt, thời điểm này, các trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại học. Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt một người học bằng 2 bình thường, học bù kiến thức quá nhiều không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng. Tôi cho rằng, việc này là không cần thiết, vì việc học là việc cả đời. Lời khuyên của tôi là, mỗi giai đoạn học tập của con trẻ nên đặt một mục tiêu cụ thể sẽ hợp lý hơn”, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

Một trong những câu chuyện được xã hội đặt ra sau nhiều sự việc đau lòng là phải chăng, trẻ đang phải chịu quá nhiều áp lực, trong đó có cả áp lực về thành tích học tập nhưng lại không thể chia sẻ cùng ai?

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, thực tế trong cuộc sống rất cần thành tích. Bất cứ công việc, hành động nào đi chăng nữa, đã làm đều cần có mục tiêu: “Chúng ta chỉ đả kích “bệnh thành tích” khi thành tích đó bị làm cho lệch lạc, những thành tích được chỉ định sẵn, nhiều khi không có thật. Trong giáo dục, chúng ta có thể thấy rất nhiều thành tích được đặt ra, thông qua việc thống kê về kết quả học tập của học sinh, đánh giá của phụ huynh, học sinh về nhà trường, điều tra xã hội học phụ huynh, học sinh cho rằng thầy cô đủ phẩm chất, nhà trường đủ tiêu chuẩn...

Tôi cho rằng, chúng ta không sợ thành tích mà nên cần thành tích nhưng phải là thành tích thật, thành tích đặt ra theo năng lực thật của nhà trường, năng lực thực sự của học sinh. Trên thực tế, không chỉ về học lực, đạo đức mà nhà trường có thể đặt ra các thành tích khác đạt được trong quá trình hoạt động ngoại khóa hay hoạt động nhằm trang bị kỹ năng sống của học sinh,... mang tính khách quan, tránh những thành tích mà tự thân nhà trường cũng tự tạo ra được”, ông Đinh Đoàn phân tích.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đả kích bệnh thành tích trong giáo dục không có nghĩa là “học thế nào cũng được”. Áp lực và thành tích là thứ quan trọng để thúc đẩy chúng ta đi lên, làm động lực để con người lao động, cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, không được lười biếng, từ đó đạt được những thành tựu, thành công trong cuộc sống, không được sợ áp lực. Còn sống thì luôn có áp lực, chỉ là làm sao để cố gắng không cho áp lực đó trở nên quá lớn để rồi không chịu đựng được và buông tay.

Để bảo trẻ khỏi những tổn thương tâm lý dẫn đến những hành động tự làm tổn hại bản thân như tự sát, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, cần tạo ra tình yêu với trẻ.

“Nếu một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư bỗng dưng mặt vô hồn, ánh mắt thiếu sức sống, chúng ta là phụ huynh có thể đủ tinh tế để nhận ra chúng đang có gì đó không ổn chứ không cần đến những dấu hiệu lâm sàng.

Khi đó, con trẻ sẽ vui lắm khi được bố mẹ - người thân nhất của chúng hỏi rằng “con khỏe chứ”, thay vì bố mẹ lại buông những lời trách móc, mắng mỏ cho con trẻ chỉ vì chúng bỗng thay đổi lạ thường, không được xuất chúng, không được lạc quan, vui tươi như mọi ngày. 

Theo tôi, đừng bắt trẻ em lớn lên bằng chúng ta mà phải hạ thấp chúng ta bằng trẻ. Người nước ngoài khi nói chuyện với trẻ con thường cúi hoặc ngồi xuống để thủ thỉ, nói chuyện thân mật, yêu thương”, chuyên gia nhấn mạnh.

Để trẻ gần gũi, mở lòng hơn, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên bố mẹ đừng ngại khi “nhí nhố, vui tươi, hồn nhiên cùng trẻ con”. Bởi thứ đi theo con trẻ chính là kỷ niệm đẹp, ký ức từ những lần cha mẹ chơi đùa, đi du lịch cùng con, đáp chuyến bay sớm nhất để trở về với con sau khi đi công tác. Biến tình yêu thương từ lời nói thành hành động cụ thể. Đó là ký ức tươi đẹp để trẻ em trưởng thành. Để cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phải tạo ra những niềm vui, niềm vui kiểu của con trẻ chứ không phải niềm vui của người lớn.

“Có câu nói nổi tiếng rằng “nhún càng sâu thì nhảy càng cao”. Đây là kinh nghiệm sống rất quý báu và hữu ích. Trong gia đình, nhiều khi chúng ta biết cách nhún mình, hạ mình để đề cao con mình lên trong từng hành động nhỏ của cuộc sống. Thay vì tẩy chay mạng xã hội, hãy chuyển hóa và tận dụng mảng tích cực của chúng, đẩy thông tin lên các kênh để trò chuyện với nhau. Khi cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng, đó là cách để phòng trách trầm cảm hiệu quả nhất", chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên.

Nguyễn Trang(VOV.VN)
Bình luận