"Việc phá vỡ các hiệp ước về giải trừ vũ khí là điều không thể chấp nhận", ông Gorbachev nói trong cuộc phỏng vấn với Interfax, nhấn mạnh động thái mới đây của Tổng thống Trump là sai lầm sẽ làm suy yếu tất cả nỗ lực trong quá khứ của các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ trong việc tiến tới giải trừ hạt nhân.
Các quan chức hàng đầu của Nga cũng cùng chung quan điểm với "cha đẻ" của Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) khi cho rằng Washington đã quá thiếu thận trọng khi đưa ra quyết định này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cảnh báo động thái của Mỹ sẽ gây những xáo trộn và hỗn loạn về vũ khí hạt nhân.
"Bây giờ các đồng minh phương Tây của Mỹ phải đối mặt với lựa chọn: Hoặc bắt tay để đi chung với Mỹ, điều có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh mới hoặc đứng về lợi ích chung hay ít nhất là vì bản năng tự bảo vệ mình", ông Kosachev nói.
Phản ứng của các bên
Đức mới đây cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF.
"Hiệp ước đã tồn tại 30 năm là trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 21/10, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc tới hậu quả đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai sau quyết định rút khỏi INF.
Anh lại có quan điểm ngược lại khi tuyên bố ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF.
"Mỹ là đồng minh thân cận và lâu dài của Anh, vì thế tất nhiên chúng tôi triệt để ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước để gửi đi thông điệp tới Nga rằng nên tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước mà họ đã ký kết", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho hay.
Ông Williamson khẳng định chính Nga đã vi phạm hiệp ước và biến INF trở thành "trò cười".
Trong khi đó, ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới với sự tham gia của các quốc gia khác ngoài Nga và Mỹ.
"Quyết định này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại, vốn đã tồn tại một cách èo uột ngay từ những ngày đầu", ông này cho hay.
Theo ông Zhao, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.
Bình luận về nguyên nhân khiến Mỹ đưa ra quyết định này, ông Zhao cho rằng Washington đang lo ngại về kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhắc tới Trung Quốc khi đề cập tới lý do ông rút khỏi INF trong cuộc phỏng vấn với báo giới hôm 21/10.
"Trừ khi Nga và Trung Quốc tới và nói hãy thông minh lên và không ai trong chúng ta phát triển loại vũ khí này. Nhưng giờ thì Nga đang làm điều đó, Trung Quốc cũng đang làm điều đó và chỉ có chúng ta tôn trọng hiệp ước, đó là điều không thể chấp nhận được", ông Trump nói.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ năm 2017, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói rằng khoảng 95% lực lượng tên lửa của Trung Quốc sẽ vi phạm Hiệp ước INF nếu họ là một bên trong hiệp ước.
"Thực tế này rất quan trọng bởi Mỹ không thể có năng lực tương đương vì Washington luôn tuân thủ nghiêm ngặt INF", ông này cho hay.
Bình luận