AP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rasheed Ahmad cho biết ông Abdul Qadeer Khan qua đời tại bệnh viện ở Islamabad, và không nêu thêm thông tin chi tiết.
Ông Khan là người góp phần đưa Pakistan trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân vào đầu những năm 1970.
Những năm gần đây, ông gần như không xuất hiện trước công chúng. Nhiều chính trị gia và nhà khoa học đồng nghiệp của ông Khan đã gửi lời tri ân sau khi có tin ông qua đời.
Thủ tướng Imran Khan gọi ông là “biểu tượng quốc gia”. Đây là "người giúp chúng ta được an toàn trước một nước láng giềng hạt nhân lớn hơn, hung hăng hơn. Đối với người dân Pakistan, ông ấy là một biểu tượng quốc gia”, thủ tướng Pakistan nói.
Nhà khoa học Samar Mubarakmand cho rằng Khan là báu vật quốc gia, người đã bất chấp sự ngăn chặn của phương Tây đối với chương trình hạt nhân của Pakistan.
“Phương Tây không thể tưởng tượng được rằng Pakistan sẽ tạo ra bước đột phá nào, nhưng cuối cùng họ phải công nhận tiến sĩ Khan đã đạt được thành tựu trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân của đất nước này”, ông nói.
Trước khi trở về Pakistan vào những năm 1970, ông Khan từng làm việc tại một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Hà Lan.
Sau khi trở về quê nhà, ông bị cáo buộc đánh cắp công nghệ làm giàu uranium từ cơ sở ở Hà Lan để phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên của Pakistan.
Vào năm 1974, ông đề xuất khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan sau khi nước láng giềng Ấn Độ tiến hành “vụ nổ hạt nhân hòa bình” đầu tiên.
Ông liên hệ với thủ tướng Pakistan khi đó là Zulfikar Ali Bhutto, đề nghị cung cấp công nghệ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan. Một trong những câu nói nổi tiếng của Khan là: "Chúng tôi (người Pakistan) sẽ ăn cỏ, thậm chí chịu đói, nhưng chúng tôi sẽ có bom hạt nhân của riêng mình".
Kể từ đó, Pakistan đã không ngừng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân để chạy đua với Ấn Độ. Cả hai đều trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi tiến hành thử nghiệm "ăn miếng trả miếng" vào năm 1998. Chương trình hạt nhân của Pakistan và vai trò của ông Khan trở thành tâm điểm chỉ trích. Ông bị Mỹ buộc tội bí mật trao đổi công nghệ hạt nhân cho Iran và Triều Tiên trong những năm 1990.
Tuy nhiên, tại quê nhà ở Pakistan, Khan từng được coi là anh hùng và là cha đẻ của chương trình bom hạt nhân.
Bình luận