'Cha đẻ' bảng xếp hạng các quốc gia lần đầu chia sẻ cùng sinh viên Việt Nam

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 11/11/2022 21:58:24 +07:00
(VTC News) -

Trong lần đầu tới Việt Nam, GS David Reibstein, 'cha đẻ' bảng xếp hạng các quốc gia chia sẻ với sinh viên VinUni về về cách xây dựng, nâng cao thương hiệu quốc gia.

Ngày 11/11, Đại học VinUni tổ chức Hội thảo “Marketing địa điểm và xây dựng thương hiệu cho điểm đến hướng tới phát triển bền vững” với sự tham gia của các đối tác học thuật từ Đại học Pennsylvania, Đại học Massachusettes Boston và Đại học Hồng Kông.

Diễn giả đặc biệt trong hội thảo lần này là GS David Reibstein, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, giáo sư Đại học Pennsylvania. 

Ông được thế giới biết đến là người thành lập nên bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia (Nation Branding) và U.S. News & World Report’s. Bảng xếp hạng này có dữ liệu của 195 quốc gia và kết quả hàng năm được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới WEF. Kết quả xếp hạng này có quan hệ trực tiếp đến mức độ hấp dẫn đầu tư, du lịch và xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới.

'Cha đẻ' bảng xếp hạng các quốc gia lần đầu chia sẻ cùng sinh viên Việt Nam - 1

GS David Reibstein chia sẻ cùng sinh viên VinUni.

Lần đầu tiên được tới Việt Nam thông qua lời mời của Đại học VinUni, GS David không khỏi vui mừng và ngạc nhiên.

“Tôi vui vì được mời đến chia sẻ với các bạn sinh viên. Còn điều làm tôi ngạc nhiên là lời mời đó xuất phát từ một trường đại học ở Việt Nam. Bởi chỉ có những đơn vị nào thực sự rất trăn trở về việc định danh và khát vọng muốn phát triển thương hiệu quốc gia thì họ mới tìm đến tôi. Qua đó để thấy VinUni, xa hơn là Vingroup đang thực sự quan tâm đến phát triển đất nước”, ông nói, chia sẻ thêm rằng các bạn sinh viên thật may mắn khi được VinUni đầu tư, cho tiếp cận những vấn đề tầm vĩ mô ngay từ khi trên ghế nhà trường - điều mà không phải trường đại học nào cũng làm được.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ rằng, ông rất sẵn lòng nếu được Chính phủ Việt Nam mời tư vấn, bởi trước đó, ông đã từng làm tư vấn cho nhiều quốc gia trên thế giới ở lĩnh vực này như Hạ viện của Vương Quốc Anh, Chile, Brazil, Ả rập… “Tôi hi vọng lần làm việc với VinUni, Vingroup và các bạn sinh viên lần này sẽ là khởi đầu, kỳ vọng được trình bày trước Chính phủ Việt Nam”, ông David nói.

Chia sẻ về bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia, GS David Reibstein cho biết: “Để đưa ra được các chỉ số đánh giá và xếp hạng chuẩn, chúng tôi khảo sát hơn 20.000 người các quốc gia, trong đó khoảng 17.000 người dân bình thường, còn lại là các chủ doanh nghiệp, những người đưa ra quyết định kinh doanh hoặc các nhà hoạch định chính sách). Việc đo lường nhận thức của nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau đảm bảo tính công bằng và đánh giá thực tế quốc gia đó”.

Bảng xếp hạng gồm 78 tiêu chí, chia thành 10 nhóm phân loại nhỏ. Các chỉ tiêu này chủ yếu xây dựng dựa trên tỷ trọng GDP của mỗi quốc gia, bình quân thu nhập đầu người để đánh giá sức mạnh thương hiệu quốc gia đó. Các chỉ số cũng dựa trên GDP/người, đánh giá tương quan mức độ tác động của các tiêu chí về kinh tế, khởi nghiệp, môi trường, chính sách… lên GDP/người của quốc gia đó.

Trước câu hỏi về việc giáo dục và đào tạo có giúp nâng thương hiệu quốc gia, vị giáo sư cho rằng, giáo dục là một trong những trọng số quan trọng khi đánh giá các quốc gia, đặc biệt là giáo dục đại học.

“Với vai trò vừa là giảng viên, vừa là nhà nghiên cứu khoa học tôi rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục. Đương nhiên các trường đại học cũng đóng vai trò trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông nói và ví dụ, khi nhắc đến giáo dục Mỹ, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những trường như: Đại học Havard, MIT, Cambrige… hay nhắc đến Vương Quốc Anh là Đại học Oxford, Học viện Hoàng gia Anh… Đây là những trường đại học có lịch sử lâu đời, sinh viên và giảng viên đến từ nhiều quốc gia, đa dân tộc, đa văn hoá.

GS David lưu ý: “Hãy nhớ, mỗi sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ là một đại sứ truyền thông, văn hoá giúp đưa tên tuổi trường đi khắp nơi trên thế giới. Các trường đại học của Việt Nam cũng có thể làm thương hiệu quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu của mình như nhiều trường nổi tiếng trên thế giới.  Bản thân các trường cần quốc tế hoá cộng đồng sinh viên. VinUni đã, đang làm được điều này, đây là điều rất tốt và hướng đi đúng. Tôi nghĩ rằng, cần nhân rộng hơn nữa”.

'Cha đẻ' bảng xếp hạng các quốc gia lần đầu chia sẻ cùng sinh viên Việt Nam - 2

Chia sẻ sâu hơn với các bạn sinh viên VinUni về xếp hạng của Việt Nam, GS David Reibstein cho biết, theo đánh giá mới nhất năm 2022, nước ta đang ở vị trí 47 trong số 85 quốc gia được xếp hạng, đánh giá. Một số tiêu chí điển hình của Việt Nam như: tiêu chí cởi mở, môi trường kinh doanh đứng thứ 40, mục đích xã hội thứ 78, mức độ mạo hiểm 44…).

“Việt Nam đang ở vị trí tầm trung của bảng xếp hạng, một thứ hạng không quá tồi. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam tôi  đã nhận thấy có thể do truyền thông hình ảnh quốc gia với bạn bè quốc tế chưa được thực sự chú trọng. Do đó thứ hạng có phần hơi khiếm tốn so với nội lực đất nước”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông lý giải, Việt Nam là đất nước an toàn, ẩm thực phong phú, có bề dày văn hoá truyền thống, quân sự hùng mạnh, mức độ hài lòng của người dân với cuộc sống cao… “có lẽ thứ hạng sẽ cao hơn nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu ra thế giới”.

Ví dụ như Hàn Quốc, cách đây 30 năm, thế giới chưa chú ý nhiều đến đất nước này. Tuy nhiên, với sự phát triển về khoa học công nghệ, đến nay, thương hiệu lớn nhất của người dân Hàn Quốc là SAMSUNG. Họ xuất khẩu thiết bị di động, điện tử, đồ gia dụng đi khắp thế giới, khiến các quốc gia khác phải chú ý nhiều hơn. Đó cũng là một cách giúp tăng sức mạnh, xếp hạng thương hiệu quốc gia.

Hay khi nhắc đến nước Đức, chúng ta sẽ nghĩ đến ngành sản xuất công nghệ ôtô với nhiều thương hiệu đình đáy, Thuỵ Sỹ nổi tiếng với những chiếc đồng hồ đắt đỏ… Áp dụng công thức này vào Việt Nam, GS David cho rằng, bên cạnh việc truyền thông hình ảnh, nước ta cần chú trọng thêm đến xây dựng nhiều thương hiệu, sản phẩm chất lượng, khiến thế giới chú ý nhiều hơn.

“Thông điệp tôi muốn gửi đến cách bạn sinh viên Việt Nam là “muốn thay đổi thương hiệu quốc gia, điều đầu tiên đất nước các bạn cần làm là thay đổi hình ảnh và thay đổi nhận thức của mọi người về một Việt Nam phát triển”, ông nói.

Đặc biệt, GS David chia sẻ kinh nghiệm, nếu muốn thương hiệu quốc gia ở thứ hạng cao, thì thăng hạng từng nhóm đánh giá trong số 78 tiêu chí, điều đó giúp các nước thăng hạng tăng dần. Trong đó, quan trọng nhất là Chính phủ các nước quan tâm tăng trưởng kinh tế, GDP/người, môi trường đầu tư, tinh thần khởi nghiệp…

Chia sẻ về những dự định sắp tới ở Việt Nam, GS David Reinbstein cho biết, ông sẽ cùng Đại học VinUni thực hiện công trình nghiên cứu về chủ đề thương hiệu thành phố (City Branding), khảo sát đánh giá của thế giới nhìn nhận Việt Nam thế nào và xây dựng thương hiệu Việt Nam ra sao.

Liên quan đến nội dung này, TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni cho biết, với mục tiêu “đưa thế giới đến Việt Nam, đưa Việt Nam đến với thế giới”, ngoài Giáo sư David Reibstein, VinUni đã, đang và sẽ tiếp tục mời những diễn giả nổi tiếng trên thế giới tham gia các hội thảo, buổi nói chuyện, nhằm trao đổi, thảo luận về cách thức làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của đầu tư du lịch, giáo dục, sống làm việc và học tập.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn