Liên quan đến việc bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc - CEO Công ty CP Xây dựng Địa ốc Bất động sản Thiên Ân Phát (Công ty Thiên Ân Phát) bị bắt, ngày 15/11, VTC News nhận được đơn cầu cứu của hàng trăm khách hàng đang bị "ngâm" tiền tại dự án Happy Riverside Nguyễn Xiển 3 (Quận 9, TP.HCM) do nữ CEO này "vẽ" ra.
"Bánh vẽ" từ CEO lừa đảo
Theo đơn cầu cứu, khoảng tháng 7/2017, qua các kênh môi giới bất động sản, những khách hàng này biết đến dự án Happy Riverside Nguyễn Xiển 3 do Công ty Thiên Ân Phát làm chủ đầu tư với quảng cáo "đất nền giá rẻ, pháp lý minh bạch..."
Dự án có tổng diện tích 14.179,6m2, trong đó diện tích vườn là 3.139,1m2, diện tích đường giao thông là 2.333,9m2, diện tích đất ở là 8.706,6m2.
Tuy khẳng định với khách hàng đã "mua đứt" dự án từ tháng 7/2017 nhưng đến tháng 6/2018, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc mới có được hợp đồng ủy quyền từ chủ đất là bà Võ Thị Loan và ông Nguyễn Bảo Quốc.
Theo các hợp đồng ủy quyền số 27375 (ngày 25/7/2018), số 27374 (ngày 28/7/2018) và số 27387 (ngày 30/7/2018) tại Phòng Công chứng số 3 (Quận Thủ Đức, TP.HCM), bà Võ Thị Loan và ông Nguyễn Bảo Quốc ủy quyền cho Huỳnh Thị Hạnh Phúc và Trần Thanh Tú (chồng Phúc) các tài sản gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà ở số 3444/2004, với diện tích 11.057m2 đất thuộc thửa đất số 343, 344, 535, 536, 282, thửa đất số 280 (2.804m2) và thửa đất số 281 (31m2). Những phần đất này đều thuộc tờ bản đồ số 2 tại địa chỉ ấp Ích Thạnh (phường Trường Thạnh, Quận 9, TP.HCM).
Sau khi được ủy quyền, Phúc và Tú lập bản vẽ phân lô thành 161 nền đất trên những thửa đất mà bà Loan, ông Quốc đang đứng tên chủ sở hữu và đặt tên là Dự án Happy Riverside Nguyễn Xiển 3.
"Thời điểm đó, do tin tưởng Phúc, Tú và một số môi giới bất động sản là sẽ thực hiện dự án đúng quy định, đúng tiến độ, chúng tôi đã đồng ý ký hợp đồng đặt cọc nền đất và nộp (tiền mặt) theo phiếu thu do Phúc đặt ra. Hầu hết chúng tôi đã đóng 50% giá trị lô đất cho Phúc, có người nộp đến 70%", khách hàng mua dự án Happy Riverside Nguyễn Xiển 3 cho biết.
Đến cuối tháng 12/2018, khi được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Huỳnh Thị Hạnh Phúc và Trần Thanh Tú vội vã ký hợp đồng đặt cọc những thửa đất nêu trên cho ông Hoàng Mạnh Cường và bà Hoàng Thị Hồng (ngụ tại tỉnh Bình Phước) để nhận cọc 45 tỷ đồng.
Nhận thấy những lô đất mình đã mua bỗng bị bán cho cá nhân khác, các khách hàng này đồng loạt đòi Phúc trả lại tiền và gửi phản ánh đến cơ quan chức năng. Cũng thời điểm này, ông Cường và bà Hồng khởi kiện Phúc và Tú tại TAND quận 9.
Ngày 24/1/2019, TAND Quận 9 có quyết định số 01/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngày 25/1/2019, Chi cục Thi hành án dân sự Quận 9 có quyết định số 860/QĐ-CCTHADS về thi hành án chủ động với nội dung cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với những thửa đất được Huỳnh Thị Hạnh Phúc và Trần Thanh Tú đứng tên nêu trên.
"Chúng tôi thật sự không hiểu TAND Quận 9 và Chi cục Thi hành án Quận 9 có biết việc Phúc và Tú đã phân lô bán nền các khu đất này cho gần 200 người từ trước khi đặt cọc cho ông Cường, bà Hồng hay không mà vẫn xét xử dân sự và ra quyết định thi hành án chủ động?", các khách hàng đặt nghi vấn.
Hàng trăm tỷ đồng của khách hàng đi đâu?
Khi vụ việc chưa được giải quyết thì ngày 11/8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Huỳnh Thị Hạnh Phúc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra cho thấy, từ cuối năm 2017 đến năm 2019, Phúc ký hợp đồng đặt cọc nhận chuyển nhượng các thửa đất nông nghiệp rồi tự lập dự án khu dân cư, phân lô đất nền. Sau đó, bà này ký các hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất nền dưới dạng đất ở.
Bà Phúc bán đất, thu tiền cọc lên tới hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, trong khi số đất này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa thực hiện các thủ tục pháp lý như lập dự án, phân lô, tách thửa theo quy định.
Các dự án "bánh vẽ" của bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc gồm: Khu dân cư Nguyễn Xiển 1, 2 và 3, Long Thuận, Long Thạnh Mỹ, Bưng Ông Thoàn 2 (Quận 9), khu dân cư Linh Xuân (quận Thủ Đức).
Đến thời hạn phải trả các nền đất theo thỏa thuận trên hợp đồng cho các nhà đầu tư, Phúc không có đất trả vì đã mang đi đặt cọc để chuyển nhượng nhiều lần tiếp theo. Khi khách hàng tập trung đến công ty đòi tiền thì cả Phúc và Tú đều lẩn trốn.
Tuy nhiên, theo các khách hàng, trong vụ việc này có dấu hiệu cấu kết để tẩu tán tài sản từ nhiều người. Cụ thể, ngày 30/11/2018, Phúc thanh toán hơn 123 tỷ đồng tiền chuyển nhượng đất của Phúc cho bà Loan, ông Quốc tại biên bản xác nhận việc mua bán ngày 30/11/2018 giữa vợ chồng ông Quốc, bà Loan và vợ chồng Phúc, Tú.
Trong khi đó, thực chất hợp đồng chuyển nhượng chỉ có giá 50 tỷ đồng bao gồm toàn bộ 3 hợp đồng trên 3 thửa đất nông nghiệp sắp hết hạn sử dụng. Vì vậy, theo khách hàng, số tiền chênh lệch hơn 73 tỷ đồng liệu có phải được ông Quốc, bà Loan giúp Phúc và Tú tẩu tán?
"3 mảnh đất nêu trên đang bị cấm dịch chuyển để phục vụ điều tra, nhưng số tiền hàng trăm tỷ đồng của các bị hại, Phúc đã chuyển cho ai, chuyển đi đâu? Một mình Phúc có lừa được hàng trăm người với số tiền hàng trăm tỷ đồng không? Ai đã giúp sức cho Phúc vẽ ra dự án, lập hợp đồng và thu tiền? Vai trò của Trần Thanh Tú (chồng Phúc) và ông Quốc, bà Loan ( người chuyển nhượng đất nông nghiệp cho Phúc) là gì?", các khách hàng bức xúc.
Trong đơn cầu cứu, các khách hàng mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng thu hồi tài sản để trả lại cho những người đã đóng tiền.
"Sự việc đến ngày hôm nay đã khiến nhiều người trong chúng tôi tán gia bại sản. Có trường hợp anh A., tưởng đầu tư thuận lợi nên gom hết gần 2 tỷ đồng của vợ chồng đổ vào. Đến khi chuyện vỡ lở, không giải quyết được, vợ chồng cãi vã và buộc phải ly hôn. Anh A. hiện phải thuê nhà trọ để ở.
Vì vậy chúng tôi rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, thu hồi tài sản, điều tra có hay không việc tẩu tán tài sản để giúp khách hàng lấy lại tiền, bởi số tiền chúng tôi đổ vào hầu hết đều vay mượn", đơn cầu cứu của khách hàng ghi rõ.
Bình luận