Bị chửi rủa, lăng nhục không phải cảm giác dễ chịu dành cho bất cứ ai. Phải đón nhận sự thóa mạ bởi hàng chục, thậm chí hàng trăm người trước sự chứng kiến của hàng triệu người lại càng là "màn tra tấn" tinh thần khủng khiếp hơn nữa. Trọng tài Nguyễn Hiền Triết cùng CLB Hà Nội đã trải qua những cảm giác khó tả như vậy trong một chiều "giông bão" trên sân Lạch Tray.
Tình yêu không phải lí do
Nhiều người nói vui: "Sức nóng từ những trận thư hùng giữa Hải Phòng - Hà Nội mà đứng thứ nhì thì không trận nào dám xếp thứ nhất". Quả thật, tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Hải Phòng luôn tạo nên thứ gia vị nồng say, lấp đầy những khán đài yên ắng, hiu quạnh luôn ám ảnh ban tổ chức V-League.
Một quan chức VFF từng nói: "Đi xem bóng đá thôi, có cần đông vậy không?". Lời nhận xét được cổ động viên Hải Phòng in lên băng rôn. Xem bóng đá phải nhiệt, phải đông như vậy mới "đã".
Tình yêu bóng đá vốn dĩ là điều đáng quý, nhưng cách thể hiện tình yêu đôi khi khiến người ta hiểu một cách méo mó, sai lệch về bản chất của nó. Tình yêu chỉ đẹp khi nó song hành cùng lí trí, nhiệt huyết chỉ đẹp khi nó được bao bọc bởi sự kiềm chế, cảm thông.
Sau tình huống thổi phạt đền cho CLB Hà Nội (Lê Văn Phú phạm lỗi với Quang Hải), trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã phải đón nhận một bi kịch từ khắp các khán đài.
Những lời chửi bới, sỉ vả không cất lên bởi những cá nhân đơn lẻ. Tệ hơn, nó được bắt nhịp, được hòa ca bởi một đám đông cổ động viên, tạo thành một màn "làm nhục" tinh thần khiến không chỉ trọng tài Triết, mà người hâm mộ cả nước cũng phải nghe thấy trong sự kinh ngạc xen lẫn rùng mình. Một hành vi tước đoạt danh dự con người, đã đi ra ngoài mọi giới hạn cho phép của bóng đá.
Video: Cổ động viên Hải Phòng "đại náo" Lạch Tray bằng những tiếng chửi
Những tiếng chửi không dừng lại trên sân, mà nó còn tiếp tục ám ảnh nạn nhân từ khung cửa sổ của phòng họp báo, đến mức cả HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội) và Trương Việt Hoàng (Hải Phòng) phải bỏ dở công việc để ra về.
Một cảnh tượng chưa từng có ở bất cứ nền bóng đá chân chính, chuyên nghiệp nào, một hành động "không thể bao biện, không nên xuất hiện" - theo lời của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng, một khoảnh khắc có thể khắc "vết nhơ" khó rửa với nỗ lực chuyển mình của bóng đá Việt Nam.
Video: Cổ động viên "bao vây" phòng họp báo để chửi trọng tài và CLB Hà Nội
Có người cho rằng, chửi trọng tài để thể hiện sự ức chế, mất niềm tin vào V-League, vào giới "cầm cân nảy mực" của thể thao nước nhà. Nhưng có phải ức chế là có quyền chửi bới, tước đoạt danh dự người khác? Như vậy, sân Lạch Tray có khác gì quán "bún mắng, cháo chửi" ở Hà Nội từng được đưa lên kênh truyền hình CNN.
Người khác lại đánh giá: Khán giả bỏ tiền vào sân, đóng góp cho CLB thì có quyền làm gì cũng được? Không lẽ cứ bỏ tiền ra là được vùi dập người khác khi danh dự, phẩm giá con người là thứ không thể đong đếm được. Danh dự con người rẻ mạt và dễ dàng bị chà đạp với sự hưởng ứng từ đám đông như vậy sao?
Đằng sau mỗi tiếng chửi
Chẳng điều gì có thể tạo ra khi giữa cổ động viên và cầu thủ, trọng tài không còn có sự tôn trọng đúng mực. Dù ai chiến thắng trong cuộc tranh luận được nâng tầm chửi rủa, bóng đá cũng là đối tượng thất bại khi tính ăn thua, được mất đã vùi lấp tất cả giá trị nhân văn, giải trí tinh thần cốt lõi của nó.
Mọi vấn đề, khúc mắc chẳng thể giải quyết chỉ sau một cơn nhục mạ. Người chửi bới hả hê, thỏa mãn trong phút chốc, còn nạn nhân cùng người thân phải đón nhận vết thương tinh thần khó lành sau những phút giây phải sống dưới áp lực kinh hoàng.
Hình ảnh bị hoen ố, cả cộng đồng cổ động viên bị đánh giá chỉ với hành động của vài cá nhân, CLB Hải Phòng cũng có thể chịu thiệt bởi những án phạt từ ban tổ chức - những đòn giáng nặng nề khi thầy trò HLV Trương Việt Hoàng chưa thể hiện phong độ ổn định như mùa giải năm ngoái.
Tận sâu trong tim, cổ động viên Hải Phòng có muốn như vậy?
Bóng đá mang con người đến gần nhau hơn, hay tạo ra một sân chơi chia rẽ quan điểm, vùng miền, khiến con người phải dằn vặt nhau bằng những nỗi đau không ai mong muốn?
Đó là những câu hỏi sẽ còn khiến tất cả đau đầu, bởi chừng nào V-League còn tồn tại những "sân khấu làm nhục" phản cảm như vậy, giải đấu chuyên nghiệp sẽ chỉ là giấc mơ hoang đường trong trái tim của những người yêu bóng đá chân chính.
Bình luận