1. Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc cách đây mười tháng. Chính xác là ngày 23/1, khi U23 Việt Nam chạm trán U23 Qatar ở bán kết giải U23 châu Á. Khoảnh khắc Văn Thanh bước đến chấm luân lưu, hôn lên trái bóng, chậm rãi hít thở và găm thẳng quả bóng về phía góc trái, cả đất nước như hòa chung bầu không khí bùng nổ.
Tiếng còi mãn cuộc vang lên, người dân ùa ra đường như ong vỡ tổ. Suốt chặng đi từ Cầu Giấy đến hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), tôi nghe tiếng hô "Việt Nam vô địch" rền vang, thấy những quả pháo sáng được đốt giữa sự phấn khích của đám đông.
Video: CĐV đội mưa "đi bão" mừng chiến thắng của Olympic Việt Nam
Còi xe được bóp inh ỏi, đường tắc nghẽn, nhưng tuyệt nhiên không ai phàn nàn. Người dân bên đường vẫy tay chào nhau. Bạn tôi mới đùa, bảo hôm nay nhỡ va chạm trên đường, chỉ cần hô thần chú "Việt Nam vô địch" là mọi sự sẽ được bỏ qua êm thấm. Tròn 10 năm sau chức vô địch AFF Cup, người hâm mộ mới có cảm giác "đi bão". Bóng đá có sức mạnh kỳ diệu, tạo thành sợi dây liên kết, hòa chung dân tộc lại thành một khối. Trong cơn bão đỏ cuồn cuộn chảy trên từng ngõ phố, người ta quên hết mệt nhọc, lo toan.
Chỉ có bóng đá và niềm vui.
2. Dòng người "đi bão" thể hiện tình yêu nồng nhiệt của người dân Việt Nam dành cho bóng đá. Tình yêu ấy khiến truyền thông quốc tế... bị sốc. Daily Mail - trang báo nổi tiếng của Anh, phải đến tận nơi để làm phóng sự về lễ mừng công U23 Việt Nam với hàng nghìn người theo chân đội tuyển ngay từ sân bay Nội Bài. Báo châu Á trầm trồ trước hàng người chen nhau mua vé xem trận Việt Nam - Malaysia trên sân Mỹ Đình cuối tuần qua.
Rõ ràng, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ không phải hiện tượng nhất thời. Nó như ngọn lửa, sống dai dẳng. Càng gặp giông bão, càng được thổi bùng lên.
Tình yêu càng lớn, nhu cầu giải tỏa và thể hiện càng nhiều. Sau chiến thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Bahrain ở vòng 1/8 ASIAD, "bão" đã xuất hiện. Cổ động viên tiếp tục đổ ra đường ăn mừng khi Olympic Việt Nam đánh bại Olympic Syria. Gần tám tháng, bốn, năm lần "đi bão" là con số nhiều... bất thường. Nhưng với thế hệ tạo nên kỳ tích, sự tự hào của người hâm mộ là có thể hiểu.
Tuy nhiên, "đi bão" chỉ có thể tạo nên cảm xúc, nếu những màn ăn mừng ấy diễn ra theo đúng logic tự nhiên của nó. Vị trí Á quân U23 châu Á và hạng Tư ASIAD đều là chiến tích lịch sử, còn chiến thắng trước Malaysia thì sao?
Tuyển Việt Nam bất bại trước "Những chú hổ Malaya" ở vòng bảng trong cả chiều dài lịch sử AFF Cup. Cũng ở vòng bảng, đội tuyển có thành tích bất bại, thắng tới 7 trận liên tiếp xuyên suốt ba mùa giải. AFF Cup 2016, tuyển Việt Nam giành chín điểm tuyệt đối, trong đó có chiến thắng trước chính Malaysia.
Malaysia cũng không phải... Thái Lan. Đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe sa sút rất nhiều trong thời gian qua. Trao đổi với VTC News, BLV Quang Huy khẳng định "Malaysia không có bài vở gì đặc biệt", còn chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng tuyển Việt Nam còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Muốn vô địch AFF Cup, mỗi đội bóng phải trải qua tới tám trận đấu. Tuyển Việt Nam mới đi được 1/4 hành trình, và bản thân chiến thắng ở Mỹ Đình tối thứ Sáu vừa qua cũng không có gì đặc biệt, ít nhất là so với hai kỳ tích U23/ Olympic Việt Nam tạo dựng được ở đấu trường châu lục.
Đổ ra đường ăn mừng vì chuyện bình thường, đôi khi ấy cũng là điều... bất thường.
3. Từ U23 châu Á đến ASIAD và giờ là vòng bảng AFF Cup, tiêu chuẩn "đi bão" của một số cổ động viên đang được hạ xuống rất nhanh. Trước kia, người hâm mộ chỉ ăn mừng kỳ tích lịch sử. Bây giờ, một chiến thắng bình thường cũng có thể tạo hiệu ứng khủng khiếp.
Đây là tín hiệu vui khi người hâm mộ dành sự quan tâm tuyệt đối dành cho đội tuyển. So với đội bóng của HLV Toshiya Miura cách đây bốn năm, bất bại cả ba trận vòng bảng mà sân Mỹ Đình chỉ được lấp kín chưa quá một nửa, ấy đã là sự khích lệ lớn.
Dẫu vậy, việc "đi bão" nhiều rất có thể làm mất đi ý nghĩa nội tại của nó. Một hai lần ăn mừng còn minh chứng cho sự cuồng nhiệt, chứ nhiều lần liên tiếp vì những sự kiện tưởng như bình thường kia, có còn khiến những lần đổ xô ra đường tạo nên xúc cảm hay không? Khi một bộ phận khán giả dễ dãi với chiến thắng, tâm lý thỏa mãn rất dễ xảy ra.
Cần nhắc lại, thắng U23 Qatar hay Olympic Nhật Bản là kỳ tích, chứ thắng Malaysia ở vòng bảng, đâu có điều gì đáng ngạc nhiên hay tung hô?
Đấy là chưa kể, "đi bão" đang trở thành trào lưu, phục vụ như cầu giải tỏa là chính. Sự bùng nổ của hiệu ứng ăn mừng dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông hoặc an ninh công cộng. Không thể để những hành vi thiếu chuẩn mực được tồn tại dưới bóng "tình yêu đội tuyển".
Đặt trường hợp tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, có lẽ người hâm mộ sẽ "đi bão" không dưới năm lần, gấp rưỡi ASIAD và gấp đôi giải U23 châu Á. Dẫu biết tình yêu là thứ không thể đong đếm, thì người ta vẫn nên tiết chế, để dành niềm vui cho những dịp xứng đáng hơn (lọt vào bán kết hay chung kết) cũng chưa muộn.
AFF Cup còn rất dài. Hãy vui thôi, đừng vui quá!
Bình luận