Rau sam là loại cây quen thuộc trong đời sống con người. Bên cạnh công dụng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cây rau sam còn là vị thuốc trong nhiều bài thuốc Dông y chữa bệnh. Vậy cây rau sam chữa bệnh gì?
Đặc điểm của cây rau sam
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, cây rau sam còn được gọi là trường thọ thái, mã xỉ hiện, hay mã xỉ thái, tên khoa học là Portulaca oleracea L. – thuộc họ rau sam (Portulacaceae). Đây là loại thực vật thân cỏ sống lâu năm và có những đặc điểm như sau:
Thân cây màu đỏ tía, trơn nhẵn và mọc bò trên mặt đất. Chiều dài trung bình của cây khoảng từ 10 – 30cm.
Lá cây trơn bóng hình bầu dục dài và thường không có cuống, chiều rộng khoảng 8 – 14mm, chiều dài khoảng 1,5 - 2cm. Lá cây mọc theo xu hướng vòng quanh các hoa.
Hoa không có cuống mọc ở đầu ngọn, hoa nhỏ và có màu vàng tươi.
Quả cây có hình cầu, chứa nhiều hạt bên trong, hạt màu đen bóng.
Rễ cây rau sam có nhiều rễ con dạng sợi và rễ cái. Cây rau sam dễ phát triển và có thể sống ở những nơi đất cứng khô, nghèo dinh dưỡng.
Hầu hết các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, trừ rễ. Dược liệu thường được thu hái vào mùa hè, mùa thu. Thông thường chỉ dùng loại cây sam có thân to và đỏ tươi. Dược liệu sau khi thu hái có thể được dùng tươi hoặc đem phơi khô cất dùng dần. Các cách chế biến rau sam dùng trong các bài thuốc chữa bệnh như sau:
Giã nát rau sam với một ít muối, dùng đắp trực tiếp vào vết thương hoặc vắt lấy nước uống.
Rau sam được rửa sạch, giã nát và đem phơi khô. Dược liệu khô cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Rau sam dùng ăn có thể nấu cùng các loại rau khác.
Các nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm xác định công dụng của cây rau sam đối với sức khỏe con người cho thấy, loại cây này chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, A, acid folic, sắt và choline.
Rau sam không chứa chất béo hay cholesterol xấu nên được xem là loại rau thanh đạm lý tưởng. Theo đó, 100g rau sam chứa 93g nước nên chúng có tác dụng thải độc tố tốt; các chất khoáng vi lượng quý như magie, đồng, kẽm và mangan có hoạt tính chống khối u...
Cây rau sam chữa bệnh gì?
Cây rau sam được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian điều trị bệnh như sau:
Bài thuốc trị giun
Dùng 50g cây rau sam tươi đã được rửa sạch, đem giã nát, vắt lấy nước uống vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc vào buổi sáng. Sau 4 giờ dùng nước uống mới được ăn nhẹ.
Người bệnh nên dùng bài thuốc liên tục trong 3 – 4 ngày để giúp đẩy hết giun ra ngoài theo phân. Đây là phương pháp hiệu quả với giun đũa, giun kim. Lưu ý để đạt hiệu quả cao, nên dùng rau sam tươi vừa được hái, vì hoạt chất trong cây sẽ bị giảm khi dược liệu được hái và bảo quản qua ngày hay trong tủ lạnh.
Bài thuốc trị kiết lỵ
Bài thuốc 1: Dùng 100g cây ra sam khô và 100g cây cỏ sữa, rửa sạch hỗn hợp dược liệu và đun với 400ml nước. Sắc đến còn khoảng 100ml nước thuốc thì dừng, chia làm 2 lần uống trong ngày. Trường hợp người bệnh có thêm triệu chứng đi ngoài ra máu thì dùng thêm 20g cỏ nhọ nồi.
Bài thuốc 2: Dùng 100g cây rau sam đã được rửa sạch, ép lấy nước cốt và thêm 100ml nước vào, đem đun sôi. Nước thuốc sau khi được đun sôi, thêm khoảng 10g mật vào và dùng uống.
Bài thuốc trị mụn nhọt
Dùng 30g rau sam đem rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng da bị mụn nhọt và dùng gạc băng lại. Mỗi ngày thay gạc 2 lần. Người bệnh cần duy trì sử dụng bài thuốc khoảng 3 ngày để giúp mụn nhọt chín và vỡ ra.
Đối với bài thuốc trên, cây rau sam có công dụng sát trùng tự nhiên kết hợp với công dụng tiêu thũng nên giúp giảm sưng đau. Tuy nhiên, rau sam chỉ có tác dụng với mụn nhọt lông, rất ít hoặc không có tác dụng với mụn nhọt sâu. Lưu ý không sử dụng bài thuốc trên với vùng da quanh mắt và bộ phận sinh dục.
Trị chướng bụng
Một trong những công dụng cây rau sam là trị chướng bụng. Sử dụng bài thuốc như sau: Dùng 300g rau sam rửa sạch, chia làm 2 lần dùng (mỗi lẫn 150g) đem thái nhỏ và nấu với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành dạng canh sệt. Dùng canh ăn sẽ giúp kích thích nhu động ruột, lưu chuyển tiêu hóa, giảm tình trạng chướng bụng và phù thũng.
Bài thuốc trị tiểu máu, tiểu rắt
Dùng 300g rau sam đã được rửa sạch chia làm 3 lần, mỗi lần dùng 100g, đem thái nhỏ dược liệu và nấu canh với rau dền, dùng ăn trong ngày. Sử dụng bài thuốc từ 5 – 7 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt và tiểu máu.
Vai trò của rau sam trong bài thuốc này là sát trùng đường tiết niệu, giúp chống viêm, tiêu thũng lợi tiểu giúp loại bỏ cặn bã ra khỏi thận.
Bài thuốc trị sốt phát ban, mẩn ngứa
Dùng khoảng 1 nắm cây rau sam đem rửa sạch với nước, giã nát toàn bộ và chắt lấy nước cốt uống, phần bã đem chà xát lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 1 lần giúp cải thiện triệu chứng các bệnh lý ngoài da.
Bài thuốc trị ngộ độc thuốc
Dùng khoảng 1 nắm cây rau sam tươi đem rửa sạch với nước muối pha loãng, xay nhuyễn chắt lấy nước uống, còn phần bã dùng đắp vào rốn.
Bài thuốc trị dịch sản hậu ra nhiều
Dùng 60g dược liệu rau sam khô sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Trong trường hợp không có dược liệu khô có thể sử dụng 200g dược liệu rau sam tươi.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng
Sử dụng bài thuốc gồm 6g cam thảo, 20g mỗi vị thuốc gồm thổ phục linh, bại tương thảo, mã xỉ hiện, kê nội kim, bạch thược và khổ sâm; 6g cam thảo, 4g xạ hương, 12g hồng đằng, 10g mỗi vị thuốc gồm xuyên hậu phác, tam lăng và huyền hồ. Hỗn hợp dược liệu được rửa sạch và sắc lấy nước uống 1 lần mỗi ngày, duy trì sử dụng bài thuốc sẽ giúp bệnh thuyên giảm triệu chứng bệnh.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây rau sam
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong quá trình sử dụng rau, người dùng cần lưu ý tới những vấn đề sau:
Khi sử dụng rau sam tươi, chỉ nên sử dụng từ 50 - 100 gram/ngày.
Hạn chế sử dụng rau với các đối tượng sau gồm phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị tiêu chảy, kiết lị, người tiền sử mắc bệnh sỏi thận hoặc đang trong quá trình điều trị sỏi thận.
Khi chế biến, không nấu rau quá kỹ để tránh mất đi các chất dinh dưỡng.
Không chế biến rau chung với 3 loại thực phẩm sau là thịt ba ba, trứng vịt lộn và thịt rùa. Khi kết hợp chung, món ăn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc với người dùng.
Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Cây rau sam trị bệnh gì?". Để tốt nhất cho sức khỏe, khi sử dụng cây rau sam hoặc các bài thuốc của cây rau sam bạn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng.
Bình luận