• Zalo

Cây quế giúp bà con huyện Bắc Trà My thoát nghèo

Thị trườngThứ Bảy, 18/11/2023 05:47:44 +07:00Google News
(VTC News) -

Không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, cây quế còn gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi Bắc Trà My.

Chính vì vậy, thương hiệu quế Trà My ngày càng vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường.

Những HTX xây dựng sản phẩm OCOP từ cây quế

HTX Quế Trà My - Minh Phúc là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2021 HTX đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu quế với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đã tách bỏ cặn, tinh lọc hoàn toàn, đảm bảo an toàn.

Người dân huyện Bắc Trà My thu hoạch vỏ quế.

Người dân huyện Bắc Trà My thu hoạch vỏ quế.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - Giám đốc HTX Quế Trà My - Minh Phúc cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với 2 nhóm 26 hộ ở xã Trà Giác và Trà Giáp với tổng diện tích quế hơn 56 ha. HTX phối hợp tập huấn cho các hộ trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn GACP.

Bà Lê nói: “Nhờ được tập huấn, bà con trồng và thu hoạch quế cạo vỏ theo đúng tiêu chuẩn GACP. HTX ký hợp đồng với các đối tác Hàn Quốc để bán 500kg quế cạo vỏ.

Sản phẩm tinh dầu quế Trà My đã đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2021, HTX đã ra đời thêm 20 sản phẩm khác như bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế. Các sản phẩm nước rửa chén và nước lau sàn quế là thành quả chuyển giao công nghệ của Viện Dược liệu - Bộ Y tế”.

Cũng chú trọng đầu tư chế biến sâu, HTX Thái Hoà (xã Trà Tân) đã nghiên cứu và sản xuất đèn tinh dầu quế và đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Còn HTX nông lâm nghiệp Ngọc Quế (xã Trà Giáp) nghiên cứu và sản xuất ra sản phẩm đĩa gỗ quế. Nhiều HTX, người dân địa phương còn sản xuất ra nhang quế, đũa quế, trà quế túi lọc, nước rửa tay, nước lau sàn từ quế và đều được huyện hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo đánh giá của các HTX, quế ở địa phương có ưu điểm là lượng tinh dầu nhiều nên thuận tiện cho việc chiết xuất, chế biến, đầu tư thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa, việc trồng và chế biến quế đã đưa cây trồng này thành cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao và giúp người dân định canh định cư, giảm nghèo cũng như tạo việc làm.

Chỉ tính riêng những hộ trồng quế nguyên liệu, với giá bán trung bình khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, mỗi ha quế, người dân có thể thu về 1-1,2 tỷ đồng. Lợi ích của cây quế so với cây trồng khác là ngoài thu hoạch từ vỏ quế, người dân tận dụng được cả thân, lá để bán cho các đơn vị chế biến. Ngoài ra, nhờ trồng cây quế và có thu nhập ổn định đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập.

Hỗ trợ cho các HTX

Hiện tại, ở nhiều địa phương tại Bắc Trà My, quế được trồng khắp nơi, trong rừng, trên đồi, xung quanh vườn nhà. Hộ ít nhất cũng vài trăm cây, nhiều thì tới vài ha, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân.

Cây quế từng bước giúp người dân huyện Bắc Trà My vươn lên thoát nghèo.

Cây quế từng bước giúp người dân huyện Bắc Trà My vươn lên thoát nghèo.

Những năm qua, UBND huyện Bắc Trà My đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của cây quế thông qua việc tham gia các hội chợ, diễn đàn, hoạt động quảng bá sản phẩm. Sản phẩm quế còn quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, trang web bán hàng online.

Huyện đã tạo cơ chế thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong việc thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cây quế. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quế Trà My đến thị trường truyền thống tại các nước Đông Âu, Nga, Trung Quốc, phát triển thị trường mới tại Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và tiếp cận thêm thị trường Âu - Mỹ.

Toàn huyện Bắc Trà My có 2.000 ha quế, sản lượng khai thác đạt hơn 400 tấn/năm. Hiện 4 HTX và 10 hộ kinh doanh đang tham gia sản xuất và đưa ra thị trường hơn 50 sản phẩm từ quế Trà My. Đặc biệt, một số đơn vị đang đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nghề làm quế.

Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My - cho biết: “Bắc Trà My đang xây dựng bộ quy trình phát triển cây quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời xây dựng một số mô hình phát triển cây quế theo chuỗi giá trị để làm cơ sở thúc đẩy, nhân rộng, phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Hiện nay, lợi nhuận trung bình một tấn quế vỏ bán ra khoảng 75 triệu đồng. Đây là mũi nhọn kinh tế của Bắc Trà My, góp phần quan trong trọng công tác giảm nghèo, bảo vệ rừng bền vững”.

PHƯƠNG NAM
Bình luận
vtcnews.vn