Khi đi tiêm chủng cách đây 2 tuần, Xie Xiaomin chỉ cần cuốc bộ 2 km tới bệnh viện thị trấn. Một trung tâm tiêm chủng được thiết lập tại đây để phục vụ cho người dân các ngôi làng trong khu vực.
"Nó không xa, nhiều người trong chúng tôi có thể đi bộ tới đó", Xie, 54 tuổi, chủ một nhà nghỉ tại làng Mayuan, tỉnh Giang Tây cho biết.
Trước đó, Xie và nhiều người khác trong làng phải di chuyển 40 km tới các bệnh viện trong thành phố nếu muốn đi tiêm chủng.
Nỗ lực tiêm phòng ở nông thôn là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để huy động nguồn lực nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước.
Trung Quốc đã tiêm được hơn 825 triệu liều vaccine COVID-19 tính đến ngày 10/6, theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.
Vào cuối tháng 5, con số này là 661 triệu liều. Điều này đồng nghĩa, kể từ đầu tháng 6, trung bình khoảng 18,4 triệu liều được tiêm mỗi ngày ở Trung Quốc.
Theo Straits Times, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược "củ cà rốt và cây gậy" (thưởng để tạo động lực, dọa trừng phạt để răn đe) nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng.
Theo đó, các quan chức địa phương tặng trứng, phiếu mua hàng cho người xung phong tiêm chủng.
Tại ngôi làng Mayuan, nơi Xie sống, các quan chức gọi điện tới nhà từng người dân để thúc giục.
Một số người thực sự muốn đi tiêm. Nhưng cũng có người như Xie, đi chích ngừa vì không còn lựa chọn khác.
"Tôi đang làm du lịch nên cơ quan chức năng nói với tôi rằng nếu tôi không tiêm chủng, họ sẽ tước giấy phép tiếp nhận khách du lịch của tôi", Xie nói.
Thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát tốt COVID-19 vô tình cản trở nỗ lực triển khai vaccine của nước này. Nhiều người cảm thấy an toàn nên không muốn tiêm chủng.
Nhưng đợt bùng phát dịch vào tháng trước ở tỉnh Liêu Ninh và hàng loạt các ca bệnh được ghi nhận rải rác ở nhiều thành phố khiến một số người, chẳng hạn như Xiao Jingyi quyết định đi tiêm.
Người đàn ông 28 tuổi, làm việc trong một công ty xây dựng ở thành phố Xích Phong, Nội Mông nói ban đầu anh lo lắng về tác dụng phụ của vaccine nhưng thay đổi quyết định khi dịch bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh gần đó.
“Tôi cảm thấy an toàn hơn cho tôi và những người xung quanh sau khi tôi tiêm phòng", Xiao nói.
Tỉnh Quảng Đông đang phải chống chọi với đợt bùng phát biến chủng Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Kể từ ngày 21/5, thủ phủ của Quảng Đông - Quảng Châu ghi nhận gần 80 ca nhiễm, trong đó có 16 trường hợp không có triệu chứng.
Một bác sỹ tại Thâm Quyến cho biết dịch bệnh khiến người dân ở trong tình trạng "cảnh giác cao độ và tích cực đi tiêm phòng".
Nhưng ngay cả khi tốc độ tiêm chủng tăng lên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số thách thức.
Tỷ lệ tiêm chủng ở thành phố cao hơn nhiều so với nông thôn.
Thủ đô Bắc Kinh với 21,54 triệu dân hiện tiêm phòng đầy đủ cho 76% dân số. Trong khi tỉnh Giang Tây mới chỉ tiêm chủng cho 1/3 trong tổng số 45,18 triệu dân.
Nhưng nhà virus học Jin Dong-Yan cho biết thách thức lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là tỷ lệ hiệu quả thấp của vaccine mà nước này sản xuất so với vaccine của các nước phương Tây.
Trung Quốc hiện phê duyệt sử dụng 7 loại vaccine COVID-19. Chỉ có 4 loại vaccine trong số này cập nhật dữ liệu về hiệu quả. Tỷ lệ của chúng chỉ từ 50,7% đến 83,5% đối với các trường hợp có triệu chứng.
Trong khi đó, vaccine do các hãng Pfizer và Moderna của Mỹ sản xuất có hiệu quả trên 90%.
Theo Giáo sư Jin tới từ Đại học Hong Kong, tỷ lệ hiệu quả thấp gây trở ngại cho việc đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là virus vẫn có khả năng lây lan giữa các cá nhân đã được tiêm chủng.
"Từ quan điểm kiểm soát đại dịch, điều đó đồng nghĩa các biện pháp giãn cách xã hội sẽ không bao giờ được nới lỏng", ông này nói.
Vị giáo sư dẫn ra các trường hợp như Seychelles và Chile - hai nước tiêm cho lần lượt 70% và 51,9% dân số và chiến dịch tiêm chủng dựa phần lớn vào vaccine Trung Quốc.
Hai quốc gia này vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại dù tỷ lệ tiêm chủng cao.
Trong khi đó, Israel - quốc gia tiêm vaccine của Pfizer cho gần 60% dân số chứng kiến số ca nhiễm giảm mạnh.
Trung Quốc dường như cũng thừa nhận vaccine của họ bị tụt lại về hiệu quả nếu so với các vaccine khác.
Hồi tháng 4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Gao Fu nói rằng tỷ lệ bảo vệ của các vaccine hiện tại của Trung Quốc là không cao.
Không lâu sau đó, ông phải rút lại tuyên bố này. Nhưng đồng nghiệp của Gao, Shao Yiming mới đây thừa nhận vaccine của Trung Quốc hiện tại nhằm ngăn ngừa các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng chứ không phải ngăn chặn sự lây truyền của virus.
Một số cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tiêm vaccine của Pfizer trên Weibo.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện chỉ phê duyệt vaccine do nước này sản xuất.
"Đối với những người bình thường như tôi, thật khó để đánh giá vaccine ngoại hay nội tốt hơn. Tốt hơn hết là nghe theo chính phủ", Nie Yanjie, nhân viên văn phòng tại Bắc Kình cho biết.
Bình luận