35 năm trước, vào đầu tháng 11/1987, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Liên Xô và Việt Nam phối hợp tổ chức Cầu truyền hình mang tên "Moskva - Hà Nội". Đây là Cầu truyền hình đầu tiên trong lịch sử truyền hình Việt Nam.
Cầu truyền hình đầu tiên
Dẫn đầu cầu Hà Nội là 2 nhà báo Trần Tiến Đức và Trường Phước, đầu cầu Moskva là "anh Xéc-gây" (theo cách gọi thân mật trong chương trình của ông Trần Tiến Đức). Nhà báo Trường Phước đã mất năm 2004 do bạo bệnh. Còn nhà báo Trần Tiến Đức đến giờ vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết của chương trình.
Có mặt trong trường quay Ostankino tại Thủ đô Moskva là các nhân vật nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho việc phát triển tình hữu nghị Xô Việt như Evgeny Glazunov (Hội Hữu nghị Xô Việt), dịch giả Marian Tkachev..., đặc biệt là sự có mặt của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova cùng chồng là nhà thơ Nikolai Dobronravov. Ông bà là đồng tác giả của các ca khúc quen thuộc với khán giả Việt Nam như Thời thanh niên sôi nổi, Tạm biệt Moskva...
Trường quay Ostankino còn có mặt đại gia đình ông Alexandr Vasilievich Pyltsyn (ông, bà, cùng con cháu). Họ đang nóng lòng chờ sự xuất hiện từ đầu cầu Hà Nội gia đình một người phụ nữ Việt Nam.
Người phụ nữ đó là Hồ Thị Thu, Dũng sĩ thiếu nhi nổi tiếng một thời (3 lần được phong Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 lần được ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Giữa họ có mối quan hệ gì đặc biệt?
Những ngày hè ấm áp
Alexandr Vasilievich Pyltsyn và vợ ông, Margarita Segeevna đều là cựu chiến binh Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. A.Pytlsyn từng được trao tặng 2 Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Cờ Đỏ, là thiếu tướng, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng. Vợ ông, Margarita từng tham gia chiến dịch giải phóng Berlin. Có mặt tại tòa nhà Quốc hội Đức, bà khắc lên hàng cột tên của 2 vợ chồng, "Xasha và Rita Pyltsyn".
Một ngày mùa hè năm 1970, vợ chồng Pyltsyn được mời đến thăm Trại hè thiếu nhi quốc tế Artek, nơi có thiếu nhi nhiều nước như Việt Nam, Cuba, các nước Á Phi khác đang nghỉ ngơi.
Sau này, Thiếu tướng Pyltsyn kể lại:
"Trong đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam hôm đó có 2 cậu bé khoảng 14 tuổi và 1 cô bé khoảng 12 - 13 tuổi. Các cháu đều mặc quân phục, trên ngực là những tấm huân huy chương, cổ đeo khăn quàng đỏ.
Người phụ trách đoàn (phiên dịch) đã kể cho tất cả nghe về những chiến công của thiếu nhi Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ. Cô bé mảnh khảnh có tên là Thu, từng được Lãnh tụ của nhân dân Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp, nói chuyện và trao Huy hiệu Bác Hồ. Trong buổi giao lưu, bỗng cô bé nhảy khỏi sân khấu, miệng kêu "Má! Má!" và chạy đến ôm chầm lấy Margarita, nước mắt giàn giụa. Từ "má" trong tiếng Việt, có nghĩa như từ "mama" (mẹ) trong tiếng Nga. Tình huống này đúng là nằm ngoài kịch bản".
Nhà văn Pyltsyn, rồi sau này nhà báo Boris Nikolsky đều phỏng đoán, có lẽ Hồ Thị Thu nhận thấy ở bà Margarita toát lên sự nhân hậu, có những nét giống với mẹ của mình nên cô bé đã có hành động rất tình cảm đó.
"Một nữ Anh hùng Việt Nam bé nhỏ đã gọi một phụ nữ Nga là Mẹ. Như thế, chúng tôi đã thành bố mẹ, các con trai tôi trở thành những người anh em của cô bé. Suốt cả tuần Thu ở cùng chúng tôi. Chúng tôi muốn hoàn tất thủ tục nhận con nuôi, nhưng vị lãnh đạo đoàn nói rằng cần phải xin ý kiến đại diện lãnh đạo Việt Nam ở Moskva. Bản thân Thu cũng rất vui mừng trước lời đề nghị nhận con nuôi, nhưng cô bé nói chưa thể đồng ý, bởi quê hương vẫn còn bóng quân xâm lược Mỹ, Thu phải trở về để góp sức vào cuộc chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.
Một thời gian sau, đoàn Việt Nam rời Artek. Trong những dòng cuối của bức thư gửi chúng tôi, Thu viết: "Con sẽ viết thư cho bố mẹ, và nếu như không có những bức thư nữa, có nghĩa là con đã hy sinh". Phía dưới, là chữ ký: Con gái của bố mẹ: Hồ Thị Thu Pyltsyla", ông Pyltsyn kể tiếp.
Từ đó trở đi, ông bà Pyltsyn bặt tin Hồ Thị Thu. Trong suốt đằng đẵng 15 năm sau đó, ông bà vẫn không tin rằng cô con gái nuôi bé nhỏ đã hy sinh và tìm mọi cách để dò tìm tung tích cô bé. Khi biết nhà thơ nổi tiếng Konstantin Simonov (tác giả bài thơ "Đợi anh về") sang Việt Nam công tác, ông bà cũng nhờ hỏi giúp, nhưng không có kết quả.
Hành trình 15 năm tìm lại con nuôi
Nhà văn Aleksandr Pyltsyn kể về hành trình tìm kiếm cô con gái nuôi Hồ Thị Thu: "Cuộc tìm kiếm kéo dài suốt 15 năm. Việt Nam đã chiến thắng quân xâm lược, đất nước anh hùng này đã nối liền 2 miền Nam Bắc. Chúng tôi không bỏ qua bất kỳ một chương trình truyền hình nào về Việt Nam, với hy vọng mong manh sẽ nhìn thấy trong đó cô bé của chúng tôi. Nhưng thật là vô vọng".
Một ngày nọ, phóng viên thường trú báo Sự thật Thanh niên ở Việt Nam là Sergey Sherbakov bỗng nhận được một bức thư từ Kharkov, người gửi là Margarita Sergeevna Pyltsyla. Bức thư mở đầu như sau: "Đã nhiều năm liền tôi tìm một cô bé Việt Nam tên là Hồ Thị Thu. Đó là con gái tôi. Cô bé của chúng tôi giờ đang ở đâu, cuộc sống thế nào?".
Rồi sau đó, trong thư, Margarita kể cho phóng viên Sherbakov về những ngày ấm áp năm 1970 tại trại hè Artek, khi ông bà nhận cô bé Việt Nam bé nhỏ làm thành viên của gia đình mình.
Các nhà báo Xô viết thường trú tại Việt Nam liền vào cuộc. Và cuối cùng, năm 1984, nhờ hỗ trợ của các đồng nghiệp báo Tiền phong (đăng thông tin kèm bức ảnh chụp ở Artek), họ đã tìm ra Hồ Thị Thu, cô con gái nuôi của ông bà Pyltsyn ở Đà Nẵng.
Nhà báo, nhà văn Boris Nikolsky năm 1985 có mặt tại Hà Nội viết trong cuốn "Mật khẩu thế kỷ XX", theo lời kể của phóng viên báo Sự thật Thanh niên Sherbakov, người đã tham gia tìm kiếm Hồ Thị Thu: "Điều gì đã xảy ra? Tại sao cô ấy không viết thư cho Margarita Sergeevna? Tại sao cô lại bặt tin như vậy?
Thì ra năm 1971, sau khi về Việt Nam từ Liên Xô, Thu trở lại quê hương. Trong một trận chiến đấu, cô bị thương nặng và tỉnh lại tại bệnh viện trong tình trạng mất trí nhớ. Thêm nữa, mẩu giấy ghi địa chỉ gia đình Margarita cũng bị rơi đâu mất. Và, mọi chuyện xảy ra với cô trước khi bị thương, Hồ Thị Thu chỉ nhớ mù mờ. Cô chỉ có cảm giác đã đánh mất thứ gì đó rất quý giá và quan trọng với chính mình. Vì vậy, khi đọc báo Tiền phong đăng thông tin tìm kiếm, và nhìn thấy bức ảnh mình chụp năm xưa ở trại hè Artek, Thu mới biết rằng, bà mẹ Nga Margarita Sergeyevna đang tìm kiếm cô. Khi ấy, Hồ Thị Thu đã trưởng thành, lập gia đình, có con trai 8 tuổi và con gái 4 tuổi".
Một cái kết có hậu. Sợi dây tình cảm đã nối lại sau 15 năm đằng đẵng kiếm tìm, thương nhớ.
Thiếu tướng, nhà văn Pyltsyn cho biết, ít lâu sau, gia đình ông nhận được bức thư từ Hồ Thị Thu và thông báo tin vui cô được cử tham gia Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Moskva, tổ chức vào mùa hè năm 1985, và cô sẽ có cơ hội được gặp lại "bố mẹ Nga" của mình sau bao năm chia cách.
Biết tin, Trung ương Đoàn TNCS Liên Xô mời ông bà Pyltsyn làm khách mời danh dự của Liên hoan.
Ông viết: "Cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra. Hầu hết tất cả báo chí Trung ương đều đưa tin về cuộc gặp này.
...Năm 1987, theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã đến thăm quê hương của Thu, thăm nhiều thành phố và các địa danh của đất nước kiên cường, anh dũng một cách kỳ lạ trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ.
Sau đó, cả gia đình tôi được mời tham gia Cầu truyền hình Moskva - Hà Nội. Phía bên kia cầu là gia đình của Thu. Đến giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng xem lại băng video về Cầu truyền hình này, nơi chúng tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ yêu thích của chúng tôi, Alexandra Nikolaevna Pakhmutova, chồng bà, nhà thơ Nikolai Nikolaevich Dobronravov, nhà thơ Rimma Kazakova...
Sau Cầu truyền hình này, Chính phủ Liên Xô và Trung ương Đoàn Komsomol đã mời Thu, chồng và hai con của cô đến thăm Liên Xô, tham quan Moskva, để có điều kiện gần gũi hơn với bố mẹ nuôi Liên Xô. Họ còn ở lại với chúng tôi một tuần ở Kharkov. Chúng tôi vẫn thường viết thư cho nhau".
Tôi không rõ sau này, mối liên hệ của chị Hồ Thị Thu với bố mẹ nuôi của mình có được liên tục hay không, bởi cuối những năm 1980, tình hình Liên Xô vô cùng rối ren, dẫn đến kết cục tan vỡ vào cuối năm 1991.
Bà Margarita Sergevna mất tháng 12/1996 tại Kharkov, Ukraina. Chồng bà, Aleksandr Pyltsyn, mất tháng 3/2018 ở tuổi 94 tại Saint Peterburg, Nga. Cặp vợ chồng cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã vĩnh biệt cõi đời ở hai đất nước khác nhau, từng là thành phần của Liên bang Xô viết.
Họ đã có trong tim hình ảnh của một người con gái Việt Nam cho đến khi qua đời.
Có những ân tình không thể nào quên!
Hồ Thị Thu sinh năm 1954, quê Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện sống tại TP Đà Nẵng. Khi chưa bước qua tuổi 14, Thu đã 3 lần được tặng Danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Thời kháng chiến chống Mỹ, tuổi chưa lên mười nhưng Thu đã là liên lạc viên xuất sắc, nhanh nhẹn, can trường.
13 tuổi, chị lập công lớn khi nảy ra ý tưởng cùng các bạn bỏ cát sạn vào nòng súng của địch để chúng bắn… toe nòng, sau đó báo cho quân ta tiến công thắng lợi trong một trận chiến đấu ở vùng đất Duy Xuyên.
Thu còn lập thành tích khi lợi dụng quân địch canh gác đang “ngáy khò khò” trộm súng của chúng cho bộ đội ta và tham gia đấu tranh chính trị.
Bình luận