• Zalo

Cầu thủ Việt: Đừng sống ở 'thế giới khác'

Thể thaoThứ Sáu, 28/12/2012 03:50:00 +07:00Google News

Khi bóng đá là một nghề thì hãy chấp nhận rủi ro và cả sự khắc nghiệt mà thời thế mang lại.


Ngụ ngôn Easop kể rằng: Trên cánh đồng nọ vào một ngày hè, có một con Ve đang nhảy nhót và ca hát cho thỏa thích trong lòng. Một con Kiến đi ngang qua, mệt nhọc kéo lê một hạt lúa chín về tổ của mình. Ve nói với Kiến: “Sao lại cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy?”.


“Tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực cho mùa đông sắp đến”, Kiến nói. “Tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy.” “Sao lại phải bận tâm đến mùa đông làm gì?, Ve bảo Kiến. “Bây giờ chúng ta đang có dư thừa thức ăn.” Nhưng Kiến vẫn đi và tiếp tục công việc vất vả của mình. Thấy vậy, Ve bỏ đi và tiếp tục ca hát, chẳng màng gì tới việc tích trữ lương thực cho mùa đông.

Mùa đông đến, Ve chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói và lạnh. Nó nhìn thấy Kiến đang đứng bán bắp và ngũ cốc mà Kiến đã thu nhặt được hàng ngày khi còn mùa hè. Bấy giờ, Kiến mới nói: “Nếu mùa hè anh ca hát thì bây giờ hãy nhảy múa đi”.

Ngày còn nhỏ, khi nghe câu chuyện này, rất nhiều người hả hê cho số phận của Kiến.

Và bây giờ, khi đọc câu chuyện về những cầu thủ đội tuyển bóng đá “xếp hàng” vì thất nghiệp, ít nhiều có người chợt thấy hả hê như vậy.

Tất nhiên cầu thủ không phải Ve (bởi họ cũng lao động và đổ mồ hôi trên sân cỏ) và người hâm mộ thì không đủ tư cách là… Kiến bởi chắc gì đã sống yên ổn với những gì đã tích cóp được từ trước.

Cầu thủ Việt đang "xếp hàng" thất nghiệp (Ảnh: Quang Minh)

Thực tế, phần đông người lao động và cầu thủ giống nhau là phải chống chọi, vật lộn với cuộc sống.

Chỉ có một điểm tương đồng giữa những cầu thủ bạc tỷ và những con Ve là khi có chuyện, đều kêu khá… to.
 
 

Khi bóng đá là một nghề thì hãy chấp nhận rủi ro và cả sự khắc nghiệt mà thời thế mang lại.

Song An
 
Hãy đặt họ cạnh Chu Hoàng Diệu Linh. Diệu Linh là ai? Là vận động viên Taekwodo 18 tuổi vừa dự Olympic London 2012. Để đào tạo ra Diệu Linh rất tốn kém và vận động viên này rất có tiềm năng. Nhưng Diệu Linh cũng như hầu hết các vận động viên có đẳng cấp quốc tế khác lương mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Hết. Với 4 triệu mỗi tháng, rõ ràng không thể “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” ở đỉnh cao Olympic.

Có rất rất nhiều Diệu Linh như vậy không có thu nhập cao để nuôi sống bản thân và gia đình cứ âm thầm rời cuộc chơi mà không có ai để “thay lời muốn nói”.

Đôi khi người ta cảm thấy cầu thủ như thể là ở “thế giới khác” so với mặt bằng thể thao nói chung để rồi khi gặp khó khăn, có cảm tưởng cầu thủ như sắp bước vào ngày tận thế…

Hãy đối mặt, khi bóng đá là một nghề thì hãy chấp nhận rủi ro và cả sự khắc nghiệt mà thời thế mang lại.

Qua được “mùa đông” này, chắc chắn trong suy nghĩ và hành động của các cầu thủ sẽ khác, sẽ trân trọng với nghề và chuyên nghiệp hơn.

Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn