Bóng đá nữ Việt Nam vận hành không giống mô hình chuyên nghiệp của bóng đá nam. Giống như hầu hết các nền bóng đá khác, sự đầu tư cho các cô gái đá bóng chỉ là con số nhỏ so với các đồng nghiệp nam.
Sự quan tâm của dư luận cũng tương tự. Bóng đá nữ Việt Nam gần như chỉ được nhắc đến sau những chiến thắng của đội tuyển quốc gia tại các giải đấu lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, các nữ cầu thủ phải vượt qua rất nhiều khó khăn để theo được với nghề.
Thi đấu giữa trưa, mỏi mắt tìm tài trợ
"Cầu thủ nữ Việt Nam khổ quen rồi", HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ như vậy khi đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 30 tại Philippines. Bóng đá nữ Việt Nam xưa nay luôn gắn với 2 từ vượt khó.
Theo dõi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại Asian Cup 2022, không ít cổ động viên thấy lạ vì rất nhiều trận đấu diễn ra lúc 13h hoặc 13h30 - khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày. Dù vậy, đối với các cầu thủ, chuyện đó là bình thường.
Các trận đấu bóng đá nữ trong nước diễn ra lúc 13h hoặc 14h, có nghĩa là các cầu thủ có thể phải ra sân khởi động ngay sau bữa trưa. Việc phải thi đấu tập trung ở 1 địa phương, chỉ có 1 sân đăng cai với mật độ dày khiến chất lượng mặt cỏ càng về cuối giải càng xấu.
Ban tổ chức khó có thể làm khác được trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp. Nguồn tài trợ cho giải vô địch quốc gia không lớn, chưa nói tới riêng các CLB. Trong 10 năm qua, giải bóng đá nữ VĐQG chỉ gắn tên một nhà tài trợ là Thái Sơn Bắc. Đại diện đơn vị này từng chia sẻ rằng việc tài trợ cho bóng đá nữ không phải hoạt động thương mại mà chỉ như như công tác xã hội.
Đội bóng đá nữ Sơn La từng suýt phải giải thể khi nhà tài trợ dừng đồng hành. Năm 2021, CLB này cũng phải rút lui khỏi giải VĐQG vì thiếu kinh phí.
Lương tháng 1,3 triệu đồng, cầu thủ làm đủ nghề tay trái
Nguồn tài trợ hạn hẹp, các giải đấu và đội bóng không tạo ra giá trị thương mại, thu nhập của các nữ cầu thủ vì thế không cao. Đạt thành tích cao cùng đội tuyển quốc gia tại các giải quốc tế - diễn ra chỉ một, hai lần trong năm - là cơ hội hiếm hoi để tuyển thủ có được những khoản thưởng đáng kể, những con số cao hơn bình thường đối với họ nhưng vẫn là thấp so với các đồng nghiệp nam.
Lương tháng của các cầu thủ nữ Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu đồng. Đối với các đội bóng có điều kiện khó khăn, con số đó còn thấp hơn. Cầu thủ của CLB bóng đá Thái Nguyên vài năm trước chỉ được nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng. Có người tranh thủ đi làm công nhân trong thời gian mùa giải chưa diễn ra, hoặc xin nghỉ sớm để theo nghề khác.
Thu nhập thấp khiến các cầu thủ lựa chọn tiếp tục theo nghề phải xoay sở nhiều cách khác để kiếm thêm tiền. Đối với các tuyển thủ quốc gia, những khoản tiền thưởng giúp họ có thêm vốn để bắt đầu kinh doanh.
Đội trưởng đội tuyển Việt Nam Huỳnh Như bán dừa sáp đặc sản. Thái Thị Thảo buôn đồ thể thao từ vài năm trước. Trong khi đó, cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam nổi tiếng nhất ở tầm quốc tế Nguyễn Thị Tuyết Dung khi không thi đấu sẽ về nhà giúp gia đình làm ruộng. Vài năm trước, cô dành tiền thưởng của mình để xây nhà cho bố mẹ mở quán ăn.
Khó khăn như vậy, nhưng những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam vẫn xoay sở, nỗ lực để tiếp tục theo đuổi nghiệp cầu thủ. Không chỉ vậy, Huỳnh Như và các đồng đội còn liên tục gặt hái được những thành công mà đỉnh cao nhất là tấm vé tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.
Bình luận