Ngọn núi kỳ bí
Núi Mê Tín là một vùng địa hình núi non gập ghềnh với nhiều đỉnh núi, vách đá, thung lũng mà đến nay có những chỗ vẫn chưa được khám phá. Nhiều người gọi đây là một dãy núi, nhưng thực ra nó chỉ là một ngọn núi. Nó không phải đỉnh núi cao nhất trong khu vực, nhưng nổi tiếng là nguy hiểm nhất. Nhiều tài liệu lịch sử nói rằng nơi đây có một mỏ vàng với trữ lượng cực lớn hơn bất kì mỏ vàng nào từng được khám phá.
Ngọn núi còn được gọi là “Mỏ Người Hà Lan Mất tích" (Lost Dutchman Mine) này là niềm mơ ước của rất nhiều những người muốn tìm kiếm vận may, nhưng cũng là mồ chôn của không ít kẻ kém may mắn.
Bộ lạc da đỏ Apache có lẽ là những người đầu tiên biết đến ngọn núi, theo sau là thực dân Tây Ban Nha, trong đó đầu tiên phải kể đến Francisco Vasquez de Coronado.
Coronado đến đây năm 1540 để tìm kiếm “Bảy thành phố vàng của Cibola” huyền thoại. Khi tới khu vực này, người da đỏ địa phương bảo ông rằng ngọn núi có rất nhiều vàng, nhưng từ chối giúp người Tây Ban Nha khám phá. Họ quá sợ “Thần Sấm” vì họ tin rằng “Thần Sấm” sẽ giết chết bất cứ kẻ nào dám cả gan đặt chân vào vùng đất thiêng của thần.
Khi những người Tây Ban Nha cố gắng tự khám phá ngọn núi, họ phát hiện ra rằng những thành viên trong nhóm của họ dần biến mất một cách bí ẩn. Người ta nói rằng nếu một người chỉ cần tách đoàn một vài mét sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Xác của những người này được tìm thấy trong tình trạng bị cắt đầu và moi hết nội tạng. Những kẻ may mắn trở về quá sợ hãi và không bao giờ còn dám đến ngọn núi lần nữa. Điều đó giải thích vì sao ngọn núi này mang tên Núi Mê Tín.
Người đầu tiên khám phá ra vàng ở Núi Mê Tín là Don Miguel Penalta, người Mexico. Ông phát hiện một mạch vàng lớn ở đây vào năm 1845 trong khi tìm kiếm kho báu mà Coronado từng nghe đến. Penalta trở về Mexico để tìm thêm người và dụng cụ khai thác vàng. Chẳng bao lâu, ông chở hàng triệu Peso vàng nguyên chất về nước.
Những thổ dân Apache bắt đầu khó chịu với sự có mặt của người Tây Ban Nha ở ngọn núi, nên đến năm 1848, họ tập hợp lực lượng lớn để đuổi người của Peralta khỏi khu vực này. Biết tin trước, Peralta nhanh chóng rút lui, nhưng trước đó đã xóa hết những dấu hiệu dẫn đến khu mỏ nhằm chờ cơ hội quay lại đào vàng tiếp. Tuy nhiên, họ đã không bao giờ có được cơ hội đó.
Sáng sớm ngày hôm sau, chưa kịp lên đường thì lực lượng gồm khoảng 100-400 người của Penalta bị đội quân của bộ lạc Apache tấn công bất ngờ tiêu diệt hết. Những con la chở hành lý hoảng hốt chạy tứ phía, đánh rơi rải rác vàng ở khắp nơi. Nhiều năm sau, những người thăm dò quặng và binh lính phát hiện xác của những con lừa thồ và những bao da vẫn còn chứa đầy vàng thô.
Khu vực này về sau được gọi bằng cái tên “Cánh đồng vàng” này trở thành một điểm đến của những kẻ sống ngoài pháp luật và những người muốn phất lên nhanh chóng bằng cách tìm kiếm vàng rơi vãi. Trường hợp cuối cùng tìm thấy xác một con la của Peralta là năm 1914.
Những câu chuyện ám ảnh
Có thời gian cuộc chiến giữa người da trắng và thổ dân Apache diễn ra căng thẳng. Người da đỏ bị quân đội chính phủ Mỹ vây hãm nhưng Tổng thống Abraham Lincoln sớm đưa ra một thỏa ước cho khu vực. Theo đó, một khu bảo tồn được thành lập dọc dòng sông Verde, gần Fort McDowell, để trở thành nơi dành cho bộ tộc Apache được độc quyền cư trú.
Bác sĩ Thorne đã đến sinh sống và làm việc giữa những người da đỏ. Ông nhanh chóng có nhiều bạn bè và được các tộc trưởng quý mến vì đã giúp đỡ họ chữa bệnh, đỡ đẻ và dạy họ cách vệ sinh cơ thể.
Năm 1870, một sự kiện kì lạ xảy ra trong sự nghiệp của bác sỹ Thorne. Những người già của bộ lạc đến chỗ ông và đưa ra một đề nghị. Vì ông được coi là một người tốt và là bạn của bộ lạc Apache, họ sẽ dẫn ông tới một nơi ông có thể tìm thấy vàng. Điều kiện duy nhất là ông sẽ bị bịt mắt trong suốt chuyến đi khoảng 20 dặm.
Bác sỹ Thorne đồng ý và họ dẫn ông tới một hẻm núi lạ rồi cởi khăn che mắt cho ông. Sau đó, bác sĩ Thorne viết trong một tài liệu rằng ông đã nhìn thấy một mỏm núi lởm chởm dài khoảng 1 dặm. Gần chân hẻm núi là những khối vàng nguyên chất nằm chồng lên nhau. Ông được nhặt về bao nhiêu tùy thích và sau đó ông đã bán lượng vàng mang về được 6.000 USD.
Tuy nhiên, rất ít người may mắn như vậy. Không biết đã có bao nhiêu người phải bỏ mạng, hoặc biến mất một cách kì lạ và không bao giờ quay lại trong hành trình tìm kiếm mỏ vàng bí ẩn này.
Mùa hè năm 1880, hai người lính trẻ vừa giải ngũ đến thị trấn Pinal, bang Arizona, để xin vào làm trong mỏ Silver King của ông Aaron Mason. Hai người này nhờ Mason xem thử chất lượng một ít vàng sống mà họ nhặt được khi đi qua Núi Mê Tín.
Mason kinh ngạc khi thấy một túi đầy vàng sống chất lượng cao. Hai người lính kể rằng họ đang săn hươu trên núi và đã dồn nó vào một hẻm núi. Trên đường ra, họ phát hiện một đường hầm mỏ cũ. Cái túi vàng chỉ là một số ít mà họ nhặt từ đó.
Mason mua lại số vàng của hai người lính và đề nghị sẽ cung cấp thiết bị để họ quay lại khu mỏ đó. Hai người lính đồng ý vì họ tin rằng thời gian được đào tạo kỹ về cách xác định phương hướng trong quân đội sẽ giúp họ tìm lại chỗ cũ. Họ lên đường ngay ngày hôm sau, nhưng không bao giờ quay lại nữa.
Mason đợi 2 tuần không thấy liền cử một đội đi tìm. Xác một người lích được tìm thấy cạnh đường mòn dẫn đến núi trong tình trạng không mảnh vải che thân. Anh ta bị bắn vào đầu. Thi thể người lính thứ hai được tìm thấy ngày hôm sau trong tình trạng tương tự.
Một năm sau, một người khai mỏ tên là Joe Dearing đến Pinal làm việc và đã nghe câu chuyện về hai người lính. Anh ta lên đường tìm đến Núi Mê Tín và tìm thấy một khu mỏ hình chiếc phễu. Lối vào đã bị phá hủy và bị đất đá chặn lại. Dearing trở về và xin vào làm ở mỏ Silver King với ý định dành dụm tiền để tự khai phá mỏ vàng. Nhưng 1 tuần sau anh ta bị giết.
Một cái chết bí ẩn khác liên quan đến Mỏ Người Hà Lan Mất tích là Elisha Reavis, có biệt danh Người điên của Núi Mê Tín. Từ năm 1872 tới khi chết năm 1896, ông sống ở khu vực hẻo lánh nhất của ngọn núi và trồng rau sinh sống. Những người da đỏ không bao giờ làm phiền ông vì họ sợ những người điên bị nguyền rủa. Người ta kể rằng Reavis hay chạy trong lúc chẳng mặc gì và bắn vào các vì sao.
Tháng 4/1896, một người bạn của Reavis không thấy ông đến thị trấn như thường lệ nên đến chỗ ở tìm ông. Người bạn phát hiện xác không đầu của Reavis gần nhà, và cái đầu bị vứt ở chỗ khác. Cùng năm Reavis bị giết, hai người miền Đông đi tìm mỏ vàng cũng không bao giờ trở lại...
Nguồn: Dân Việt
Bình luận